Theo hãng thông tấn Hàn Quốc*Yonhap,*tin đồn nổ ở cơ sở hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên xuất phát từ một nguồn tin tình báo của Nhật Bản. Nguồn tin này đặt cơ sở ở Triều Tiên, nhưng chưa xác định danh tính. Thông tin sau đó nhanh chóng lan truyền trong các công ty chứng khoán và trên Internet, rất nhanh chóng sau 14h giờ địa phương ngày 6/1. Tuy nhiên, tin đồn này nảy sinh như thế nào và bắt nguồn từ đâu thì không ai rõ.

Chính phủ Hàn Quốc khẳng định không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy vụ nổ ở cơ sở hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên thực sự xảy ra. Một nhà ngoại giao Mỹ đang viếng thăm Nhật Bản cho biết không nghe thấy điều gì để khẳng định tin đồn đó có thật. Các thiết bị kiểm soát phóng xạ trong khu vực cũng không có thay đổi gì bất thường.

Tuy nhiên, tin đồn đã kịp gây sóng gió cho thị trường chứng khoán Hàn Quốc, đẩy chỉ số chứng khoán nước này giảm xuống và làm đồng won mất giá so với đồng USD. Bộ Tài chính Hàn Quốc đã yêu cầu cảnh sát điều tra về nguồn gốc tin đồn và cho rằng thông tin thất thiệt có thể bị phát tán bởi một số kẻ muốn trục lợi bằng cách thao túng thị trường.

Tại Yongbyon, cơ sở hạt nhân chính của Bình Nhưỡng, các lò phản ứng được sử dụng từ các thập kỷ trước đã bị đóng cửa hoặc bỏ hoang. Tuy nhiên, những hình ảnh vệ tinh vẫn cho thấy rằng đất nước bí ẩn này đang xây dựng một lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ có công suất 25-30 megawatt, nhằm hỗ trợ cho chương trình làm giàu uranium. Việc xây dựng lò phản ứng này có thể hoàn thành trong vòng hai đến ba năm tới, các chuyên gia nước ngoài cho biết. Tại địa điểm này, Triều Tiên cũng có một cơ sở làm giàu uranium hiện đại với khoảng 2.000 máy ly tâm. Nước này đã trục xuất các thanh tra hạt nhân quốc tế vào năm 2009.

Hôm 5/1, hãng thông tấn quốc gia Triều Tiên đã ra tuyên bố đầu tiên về chương trình hạt nhân kể từ sau cái chết của Chủ tịch Kim Jong-il hôm 17/12, trong đó mô tả các vũ khí hạt nhân là công cụ để bảo vệ chủ quyền của Triều Tiên.

Trước khi Chủ tịch Kim qua đời, chính quyền Tổng thống Barack Obama đã đề xuất nối lại viện trợ lương thực cho Triều Tiên. Đổi lại, Bình Nhưỡng phải chấm dứt chương trình hạt nhân của nước này. Tuy nhiên, các cuộc hội đàm vẫn chỉ đang trong dự kiến bởi lãnh đạo mới Kim Jong-un đang nỗ lực củng cố quyền lực và thu hút lòng trung thành từ các lãnh đạo lớn tuổi.

Vấn đề hạt nhân của Triều Tiên là tâm điểm căng thẳng giữa nước này với phương Tây bấy lâu. Vòng đàm phán sáu bên về giải trừ vũ khí hạt nhân đã bị đổ bể khi Bình Nhưỡng rút lui năm 2009 và tiếp tục theo đuổi tham vọng. Mỹ và các đồng minh yêu cầu Triều Tiên từ bỏ hạt nhân và nối lại hội đàm nhưng quốc gia Đông Bắc Á kiên quyết chỉ ngồi vào bàn đàm phán một cách vô điều kiện.

Quỳnh Anh (TH)