Đã chớm vào tiết đông. Cơn gió lạnh đầu mùa len vào lòng làm tôi chợt nhớ về lớp học năm nao khi chiến tranh vừa kết thúc. Sắp đến ngày Nhà giáo Việt Nam, tôi nhớ về thầy tôi “người thầy là cô giáo” dạy Sử. Tôi gọi là thầy bởi từ nhỏ lớn lên đến tận bây giờ (hơn 60 tuổi), mỗi khi không làm được điều gì, gặp khó khăn gì tôi đều nhận được lời khuyên “tìm thầy mà học” và tôi cũng luôn tâm niệm “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, tự hiểu ai chỉ dạy cho mình nên người thì đó chính là thầy.
Thầy tôi, cô Hoan - cô dạy môn Lịch sử những năm tôi học cấp ba. Chiến tranh kết thúc chưa lâu, cô thường bối tóc cao, đi dép xăng đan màu nâu dành cho bộ đội nữ trông rất nền nếp, chững chạc. Hồi mới bước vào đầu năm lớp 8, chúng tôi rất sợ những tiết học của cô Hoan, bởi nhiều lý do, chẳng thể nhập tâm những con số, ngày tháng và những dòng sự kiện khô khan; cô lại hiền, luôn nhẹ nhàng khuyên bảo. Nên khi đến “tiết Sử của cô Hoan”, đa phần học sinh trong lớp thường lén làm việc riêng; đứa làm bài tập Toán, Lý, Hóa; đứa mộng mơ, lãng mạn tâm hồn theo những bài thơ tình; đứa lén viết thư trao nhau; đứa đọc truyện... Để rồi, kết thúc những tiết học thường thấy đôi mắt cô Hoan đỏ hoe. Cô bạn cùng bàn với tôi bảo rằng, nó không thích học Sử bởi cứ thấy sợ khi nhìn những vết sẹo trên mặt và nước da đen sạm của cô Hoan. Những vết sẹo khiến mặt cô teo tóp, nhăn nheo. Thằng bạn bàn sau đôi khi còn bắt chước nhại lại bàn tay đã mất đi mấy ngón tay của cô. Mỗi lần viết, cô thường phải kẹp chặt viên phấn vào kẽ ngón tay trông rất vất vả. Nhưng nét chữ của cô lại thanh thoát, đều đặn chân phương, rất đẹp.
Gần hết học kỳ đầu trôi qua, cô cứ giảng bài, chúng tôi cứ mãi vô tư với những việc riêng. Giữa cô và trò như chỉ tồn tại một khoảng cách vô hình của hai thế hệ. Mối liên kết duy nhất giữa cô trò chúng tôi là nét chữ đẹp chân phương và đôi mắt đỏ hoe của cô trước khi hết tiết rời lớp học. Cho đến một ngày, Trường tổ chức tiết học ngoại khóa cho học sinh xem phim tài liệu “Việt Nam những năm tháng chống Mỹ, cứu nước”. Những thước phim quý giá ấy đã làm rơi nước mắt của các cô cậu học trò, đã giúp chúng tôi hiểu và cảm nhận sâu sắc sự tàn khốc của chiến tranh. Trong thước phim ấy, có cả nụ cười và nước mắt của những chàng trai, cô gái trẻ măng trên mọi tuyến đường Trường Sơn, trên các trận địa đầy đạn bom khốc liệt chống quân thù. Họ phải tạm gác sách bút ở giảng đường đại học, gác mọi công việc, tạm biệt người thân ở quê hương lên đường vào tiền tuyến.
Xem bộ phim lịch sử để lại nhiều cảm xúc ấy, chúng tôi bắt đầu chú tâm vào môn học của cô Hoan. Chúng tôi dần hiểu thêm những ngày tháng, số liệu không còn là dữ liệu khô khan mà là những thời điểm thương đau để đến huy hoàng của cả dân tộc. Những thông tin, dữ liệu không chỉ giản đơn là câu chữ mà còn là những thông điệp vô giá tạo nên truyền thống oai hùng và nền văn hóa riêng có của Việt Nam. Đó là sự trả giá cho nền hòa bình của dân tộc, sự hy sinh xương máu của thế hệ ông bà, cha mẹ trong đó có cả cô giáo Hoan của chúng tôi.
Một lần, chúng tôi được cô chủ nhiệm kể thêm rằng: Cô Hoan từng tham gia trong đơn vị bộ đội trên tuyến đường Trường Sơn. Trong cuộc chiến chống lại quân thù, bom đạn đã “khắc” lên khuôn mặt cô và nhiều đồng đội khác những vết thương và lấy đi những đốt ngón tay của cô ấy. Kết thúc chiến tranh, cô trở về tiếp tục theo đuổi ước mơ nơi giảng đường đại học. Ra trường, cô được ưu tiên lựa chọn nơi công tác, nhưng cô viết đơn tình nguyện xin về dạy học ở quê nhà để còn có cơ hội chăm sóc bố mẹ già. Cô mong muốn những học trò của vùng quê yêu dấu sẽ thấu hiểu những trang sử hào hùng của dân tộc đã đánh đổi bằng máu xương của bao thế hệ người Việt Nam.
Cô Hoan nói rằng cô mãi là người là người may mắn hơn nhiều đồng đội khác vì được trở về; biết bao đồng đội của cô đã hòa thịt xương vào đất đá, linh hồn hóa vào linh hồn non sông đất nước tô thắm thêm lá cờ của Tổ quốc thiêng liêng. Biết bao đồng đội thân thiết của cô từng ước mơ trở thành thầy cô giáo, kỹ sư, bác sĩ hay người nông dân bình thường nhưng tiếc thay họ mãi mãi chẳng thể trở về. Cô được sống, cuộc đời của cô phải sống xứng đáng và thực hiện ước mơ thay cho cả người bạn ấy.
Một lần đến khu tập thể giáo viên thăm cô, chúng tôi đã rất ngạc nhiên khi nhìn thấy những tấm ảnh thời thanh xuân đạn lửa của cô. Một cô gái trẻ trung, khuôn mặt trái xoan với nụ cười chiến thắng, đội mũ tai bèo, khoác mảnh dù, tay vẫy chào đoàn xe bộ đội đang lao nhanh ra mặt trận. Cô bảo đó là những năm đầu mới vào chiến trường. Không lâu sau đó thì cô bị sốt rét rừng cướp đi mái tóc đen mượt và làn da trắng hồng; bom đạn vô tình nào biết thương tiếc ai, cô cùng đồng đội nhiều lần bị bom địch truy diệt. Cuối năm 1972 thì cô bị thương nặng, bị bom xăng…
Hôm nay thầy tôi - cô Hoan đã bước sang tuổi “bát thập”. Tôi viết mấy dòng bày tỏ sự tri ân chân thành đến người thầy nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam, người đã gieo lý tưởng sống cao đẹp vào hồn tôi. Để tôi biết sống, chiến đấu cho quê hương, đất nước thân yêu của mình.
Nguyễn Bá Thuyết