Dường như cả hai bên đang chủ ý duy trì chính sách “bên miệng hố chiến tranh” chứ không phải là việc phát động một cuộc chiến thực sự. Với I-ran, cùng với việc phái tàu chiến đến gần biên giới I-xra-en, Tê-hê-ran vẫn tiến hành tập trận hải quân như dự kiến.
Rõ ràng, các biện pháp trừng phạt, dù có hữu ích, nhưng sẽ không mang lại kết quả trong dài hạn. Ít có khả năng một hành động can thiệp quân sự diễn ra để loại bỏ chương trình hạt nhân của I-ran, vì mọi hành động tấn công I-ran đều có nguy cơ bị phần lớn các nước trên thế giới lên án. Bởi trong trường hợp phương Tây can thiệp quân sự, đồng thời sẽ xuất hiện một làn sóng chống phương Tây và đoàn kết với I-ran.
Hơn nữa, việc Mỹ quyết định hoãn đưa các dàn phóng tên lửa Patriot tới I-xra-en để hỗ trợ các hệ thống phòng không của Ten A-Víp được xem là một dấu hiệu cho thấy rằng khu vực này, ít nhất là hiện nay, không vội vã lao vào chiến tranh. Giới chức Mỹ cũng liên tục thuyết phục I-xra-en không nên nóng vội, còn Anh cảnh báo việc I-xra-en tấn công I-ran lúc này là “thiếu thông minh”. Về phần mình, dù tiếp tục gây sức ép buộc Mỹ bật đèn xanh để đơn phương tấn công I-ran, nhưng ít nhất I-xra-en sẽ phải chờ đến sau chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Ben-da-min Nê-ta-y-a-hu vào đầu tháng 3 này.
Trong cuộc chiến ngoại giao, sự khẳng định của Mỹ về những ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt của quốc tế đang tạo ra sức ép ngày càng lớn buộc I-ran trở lại bàn đàm phán có vẻ chỉ đúng một phần. Cả Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đều đưa ra các biện pháp trừng phạt mới đối với I-ran, nó sẽ có hiệu lực vào cuối năm nay, nhằm “bóp nghẹt” con đường xuất khẩu dầu mỏ của I-ran, song lại không có tính ràng buộc đối với các quốc gia khác.
Mặt khác, gần đây có giảm gần một nửa sản lượng dầu nhập khẩu từ I-ran, nhưng giới quan chức Trung Quốc vẫn đang đàm phán các hợp đồng mới. Bắc Kinh cũng nói rõ rằng họ muốn các quốc gia châu Á khác tiếp tục mua dầu của I-ran. Ấn Độ, hiện là nước mua nhiều dầu lửa của I-ran nhất, đã ký thỏa thuận với Tê-hê-ran để đổi lương thực lấy dầu. Vì thế, các biện pháp trừng phạt sẽ chỉ mang lại đôi chút hiệu quả, rồi sau đó sẽ bị giảm tác dụng. Thậm chí, các lệnh trừng phạt mới còn là cơ hội để Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia khác có thể mua dầu của Tê-hê-ran với mức giá rẻ hơn. Đấy là chưa kể, I-ran đã rất linh hoạt khi tiến hành trao đổi dầu với các nước bằng đồng nội tệ hoặc vàng, tránh phụ thuộc vào đồng USD hay đồng Ơ-rô. Bởi vậy, I-ran có thể không nản lòng trước các lệnh trừng phạt, nước này sẽ có được những ưu thế nhất định nếu đi đến đàm phán.
Vấn đề còn lại là thời gian trước khi các nước láng giềng của I-ran và cộng đồng quốc tế phải đương đầu với một sự lựa chọn được báo trước: chấp nhận I-ran trở thành cường quốc hạt nhân hay chấp nhận khả năng tiến hành chiến tranh. Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma từng tuyên bố rõ là Oa-sinh-tơn sẽ không chấp nhận việc I-ran trở thành cường quốc hạt nhân. Điều đó cũng được lặp lại với I-xra-en và các nước láng giềng Ả-rập của I-ran trong vùng Vịnh.
Dĩ nhiên, I-ran khó có thể đương đầu hiệu quả nếu xảy ra một cuộc tấn công tổng lực, lâu dài từ Mỹ và các đồng minh. Do đó, để ngăn chặn một cuộc tấn công, I-ran phải làm gia tăng nhận thức rằng nước này có đủ sức mạnh để đóng cửa eo biển Hoóc-mút cũng như gây ra những thiệt hại lớn hơn mức dự tính cho Mỹ, I-xra-en cùng các đồng minh khi tiến hành cuộc chiến. I-ran cũng phải tìm một sự cân bằng. Trong khi hoàn thiện các khả năng của mình, I-ran phải thận trọng không để lộ những điểm yếu trong thực tế hoạt động. Tê-hê-ran luôn khẳng định chương trình hạt nhân của họ là vì mục đích hòa bình. Sau khi phái đoàn thanh sát viên IAEA kết thúc chuyến thăm I-ran mà không đạt được thỏa thuận nào, Tê-hê-ran tuyên bố sẵn sàng tiếp tục đối thoại và hợp tác với IAEA và hoan nghênh việc nhóm P5+1 (5 nước thường trực HĐBA LHQ + Đức), sẵn sàng trở lại bàn đàm phán nhằm vạch ra những bước đi cơ bản tiến tới sự hợp tác hơn nữa.
Có thể thấy, quan hệ giữa I-ran với phương Tây đang ở thời điểm rất dễ bùng nổ, kéo theo những hệ lụy khó lường. Những toan tính sai lầm có thể sẽ dẫn đến một cuộc chiến tranh. Một cuộc xung đột với I-ran sẽ thực sự gây bất ổn không chỉ cho an ninh khu vực mà còn cả về kinh tế trên phạm vi toàn cầu. Sự nghiêm trọng của tình hình Trung Đông sẽ khiến các bên tìm kiếm ít nhất là một giải pháp ngoại giao. Song khó có thể dự liệu mọi điều.
Thanh Lâm