Chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như không có dự án đường cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên chạy qua. Khi đền bù giải phóng mặt bằng (ĐBGPMB) cả 2 gia đình đều trưng ra giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) nông nghiệp. Giấy thứ nhất, số vào sổ 01727 (cấp ngày 8-8-2002) mang tên Hoàng Văn Xuấn. Giấy thứ 2, số vào sổ 1227 (cấp tháng 1-2002) mang tên Hoàng Văn Định. Mọi rắc rồi phát sinh từ đây. Cả 2 gia đình đều cho rằng mình là chủ sở hữu diện tích nói trên, nên có quyền hưởng tiền đền bù. Không bên nào chịu bên nào, chính quyền địa phương cũng… bó tay vì 2 gia đình đều… có GCN. Giải pháp được đưa ra là gửi số tiền gần 400 triệu đồng vào kho bạc chờ xử lý! Trao đổi với PV Báo CCB Việt Nam, ông Hoàng Văn Xuấn nói: Sau khi đổi ruộng, gia đình tôi đã được UBND huyện cấp GCN, phần đất hoa màu đã được ông Định đổ thêm đất để làm nhà. Nhưng khi biết dự án chạy qua, có đền bù nên phía ông Định mới xoay ra đòi lại. Để “cân bằng lợi ích”, sau nhiều lần được họ hàng bàn bạc, thuyết phục-ông Xuấn đã đồng ý “cưa đôi” số tiền đền bù nhưng gia đình ông Định vẫn chối từ.
Một vị nguyên là cán bộ địa chính xã Xuân Giang nói: Lúc kiểm đếm và lên phương án đền bù, tôi biết rõ diện tích trên thuộc hộ ông Xuấn, nhưng do 2 bên đều có quan hệ họ hàng với mình nên tôi khuyên họ nên chia đôi. Do phía ông Định tham quá nên không nghe mới dẫn đến những rắc rối như bây giờ. Ông Nguyễn Văn Hòa (cán bộ địa chính đương nhiệm) lại cho rằng vì cả hai hộ đều có ruộng nên khi lên phương án, xã đã đề tên cả hai người. Ông Chu Văn Thính (nguyên trưởng thôn) cho rằng, 2 gia đình đã đổi ruộng cho nhau nhưng không có biên bản giấy tờ. Cán bộ văn hóa xã Xuân Giang là ông Nguyễn Trọng Hiển cho hay: Thời điểm 2 hộ đổi ruộng-người ký giấy là ông Nguyễn Đức Tài (trưởng thôn). Tuy nhiên giai đoạn này, chuyện đất cát ở Lai Cách lộn xộn lắm... Ông Đỗ Văn Thìn-Phó chủ tịch UBND xã Xuân Giang thì cho rằng: Diện tích đất trên được Nhà nước cấp cho ông Định từ 1998, sau đó đã đổi cho ông Xuấn, nhưng do ông Định “quá tham” nên bây giờ không chịu. Người làm hồ sơ đổi chác chính là ông Nguyễn Văn Biên - Phó chủ tịch xã lúc đó. Việc “đổi qua đổi lại” không qua xã, sau đó nhà ông Xuấn làm sổ đỏ, cán bộ lên sau không gạt đổi.
Để làm rõ mảnh ruộng trên thuộc sở hữu của ai, PV báo CCB Việt Nam đã trao đổi với Phó chánh văn phòng UBND huyện Sóc Sơn và nhận được câu trả lời là: UBND huyện không nhận được bất kỳ hồ sơ hoặc thông tin nào liên quan đến việc đổi đất của 2 hộ này nên… không có thông tin cung cấp!
Được biết phía hộ ông Hà Văn Xuấn đã có đơn gửi UBND huyện Sóc Sơn đề nghị can thiệp sự việc này. Nhưng đến nay vẫn chưa có hồi âm, còn UBND xã Xuân Giang vẫn tiếp tục “động viên” 2 gia đình nên “cưa đôi” số tiền đền bù. Thiết nghĩ, việc quản lý đất đai, cấp GCN thuộc thẩm quyền của UBND các cấp, 1 mảnh ruộng không thể có 2 GCN, mặt khác bản thân 2 gia đình (ông Xuấn và ông Định) cũng không “sáng tác” được 2 GCN như đã nêu. Trách nhiệm xác định tính hợp pháp 2 GCN thuộc UBND xã Xuân Giang và huyện Sóc Sơn.
Bài và ảnh: Hoàng Thanh