CCB Trương Văn Chính - ấp Ông Cốm, xã Thạnh Ngãi vươn lên thoát nghèo từ nuôi dê giống, do mô hình “5+1” giúp vay vốn ban đầu.

Để tạo điều kiện cho hội viên CCB thoát nghèo, từ năm 2013, Hội CCB tỉnh Bến Tre triển khai mô hình “5+1” (5 CCB khá giúp 1 CCB khó khăn). Qua đó, đã giúp hàng nghìn hộ CCB vượt qua nghèo khó, vươn lên có cuộc sống khá giả và lại tích cực hỗ trợ đồng đội khác thoát nghèo bền vững.

Đồng chí Trần Quốc Việt - nguyên Chủ tịch Hội CCB tỉnh Bến Tre, người rất tâm huyết với mô hình nhớ lại: Mô hình này được tổ chức ở các phân hội, chi hội và tuỳ theo điều kiện mà mỗi nhóm có từ 5 đến 7 CCB giúp đỡ 1 hội viên khó khăn trong nhóm. Nhiệm vụ cụ thể của nhóm “5+1” là giúp đỡ, vận động hỗ trợ cho CCB khó khăn về vốn, đất canh tác, cây con giống, kinh nghiệm sản xuất... Tuy nhiên, những hộ hội viên nghèo, cận nghèo phải làm đơn đăng ký cần mô hình giúp gì - chủ yếu là chăn nuôi, trồng trọt, làm dịch vụ… và xác định thời gian thoát nghèo, để các thành viên trong nhóm theo dõi giúp đỡ”.

Sau 10 năm triển khai mô hình, cộng với một số yếu tố khác, đến nay, tỉnh Bến Tre đã có hơn 15.000 hội viên thoát nghèo, góp phần đưa 94 xã và 4 huyện không còn hộ CCB nghèo, với 3.802 mô hình, thu hút 24.521 CCB tham gia ở khắp các chi hội, phân hội.

Đồng chí Nguyễn Văn Hải - Phó chủ tịch Hội CCB tỉnh Bến Tre cho biết: Thật không thể nghĩ 10 năm qua,thực hiện mô hình, toàn tỉnh Hội đã vận động giúp vốn cho hộ nghèo sản xuất được hơn 112 tỷ đồng; giúp cây trồng, vật nuôi các loại trị giá 8,634 tỷ đồng; cho mượn hơn 31.800m2 đất sản xuất và trên 14.000 ngày công lao động. Đồng thời, Hội CCB các cấp còn vận động xây tặng 850 nhà Nghĩa tình đồng đội, 7 Nhà tình thương, trị giá 43,75 tỷ đồng; vận động tặng học bổng, vở viết, xe đạp và hiện vật cho học sinh trị giá trên 6,2 tỷ đồng; giúp 1.459 hộ hội viên CCB thoát nghèo. Số mô hình tốt đạt 57,94%; chỉ có 0,81% chưa đạt, đang được củng cố lại.  

Thực tiễn cho thấy, tuy đề ra là mô hình “5+1”, nhưng còn tuỳ điều kiện ở từng địa phương, thậm chí có cả “1+1”..., nhưng quan trọng nhất là chọn tổ trưởng mô hình phải tâm huyết, phân công thành viên trong tổ thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở giúp đỡ CCB nghèo; người được giúp phải cam kết quyết tâm thoát nghèo. Vừa qua, Hội CCB tỉnh đã chọn ra  những mô hình tiêu biểu để nhân rộng.

Điển hình như mô hình của Hội CCB xã Tân Thiềng, huyện Chợ Lách đã giúp cho 6 hội viên nghèo trên 120 triệu đồng để mua bò, dê và buôn bán nhỏ. Riêng hộ CCB Nguyễn Văn Thắm được hội viên Lê Văn Ngưng cho mượn 2.000m2 đất để sản xuất (thời gian cho mượn 4 năm, trị giá thuê đất là 80 triệu đồng), các thành viên còn lại trong nhóm giúp ngày công lao động, trồng được trên 300 cây chiết, cây lai (nhánh tắc), sau 2 năm hộ đã thoát nghèo. Mô hình của Hội CCB xã Tân Xuân, huyện Ba Tri được thực hiện bằng việc mỗi hội viên cho mượn 5 triệu đồng, 25 triệu đồng vay vốn Ngân hàng CSXH, 10 triệu đồng của quỹ Đồng đội, tổng cộng hộ nghèo có 60 triệu đồng, thời hạn vay 3 năm để mua, nuôi 2 con bò sinh sản. Kết quả, 1 năm sau hộ nghèo đã có 1-2 bê con, thoát được nghèo.    Sau 5 năm, 24 mô hình của CCB xã đã giúp được 24 hộ CCB thoát nghèo, giải quyết việc làm cho 109 người có việc làm ổn định. Đến nay, đàn bò trong Hội là 1.016 con, trị giá hơn 25 tỷ đồng, xã không còn CCB nghèo”...

CCB Trương Văn Chính ở ấp Ông Cốm, xã Thạnh Ngãi là một trong những điển hình vươn lên thoát nghèo từ 2 con dê sinh sản do các thành viên trong mô hình giúp cho vay 6 triệu đồng, đến nay, ông Chính đã phát triển được 5 dê sinh sản, thu nhập 6 triệu đồng/tháng từ nghề nuôi dê và trong diện thoát nghèo bền vững từ năm 2021.  

Đồng chí Lê Công Trường - Chủ tịch Hội CCB tỉnh cho rằng: “Mô hình “5+1” không chỉ là nơi động viên về tinh thần, giúp đỡ về vật chất cho CCB nghèo mà còn thông qua những hình thức khác như hỗ trợ cây, con giống, ngày công lao động, phương pháp sản xuất… Trong đó, các CCB giữ vai trò giúp đỡ những hộ CCB nghèo là những người có tâm huyết, luôn bám sát từng hộ CCB để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cũng như những điều kiện khó khăn cụ thể, để đề xuất những giải pháp hỗ trợ thiết thực nhất. Đến nay, toàn tỉnh có 489 mô hình CCB giúp nhau vươn lên khá và giàu. Hội CCB tỉnh đang rà soát hộ nghèo, cận nghèo theo tiêu chí mới, phấn đấu mỗi chi hội cơ sở xây dựng ít nhất 2 mô hình vươn lên khá, giàu, nâng chất lượng hoạt động và phát huy nhân tố tích cực, với mục tiêu giúp cuộc sống của hội viên ngày càng sung túc, ấm no để không có hội viên nào bị bỏ lại phía sau”.

Bài ảnh: Phương Nghi