Sang giai đoạn kinh tế nhiều thành phần, ở thời khoa học bùng nổ người ta đã ứng dụng mọi công nghệ tối tân nhằm sản xuất hàng giả nên tốc độ vừa nhanh mà số lượng lại nhiều đến vô kể. Cánh làm ăn phi pháp thời đương đại khai sinh được hẳn một thế giới hàng giả y như thật: mì chính, nước chấm, rượu Tây, mật ong, bánh kẹo, xà phòng, phân bón, thuốc sâu giả...
Từ bao cấp chuyển sang nền kinh tế thị trường những tưởng sẽ tạo ra không khí hồ hởi lạc quan nhưng đến khi mặt sau của nó bị phơi bày người ta bỗng thấy lo nhiều điều. Vẫn biết chuốc phải hàng giả không chỉ phí của mà còn “tiền mất tật mang” nhưng tránh nó bằng cách nào đây? Chẳng lẽ đành tặc lưỡi cam chịu “chung sống với hàng giả”? Là dân nửa tỉnh, nửa quê, tôi thật sự rùng mình, sởn gai ốc khi ngó tận những quán xá nơi xóm ấp thôn hương: Hàng hóa loè loẹt xanh đỏ tím vàng, nhãn Tây, nhãn Tàu lằng nhằng như thách đố người mua... Có loại bánh kẹo, nước chấm, xà phòng từng thấy cảnh báo là hàng nhái thương hiệu nhưng ở đây vẫn bán bày quá ư tự nhiên. Người nông dân chân lấm tay bùn ở ngoài đồng về vội chạy nhào ra quán mua chai tương, gói mì chính, phong bánh cho trẻ. Cứ thấy bán là mua, không ai đủ thì giờ, đủ kiến thức để phân biệt thật với giả. Thế là cả xóm, cả làng biến thành nạn nhân của bọn làm ăn phi pháp. Nhiều người từng nhận xét: Nông thôn hiện nay đang là thị trường màu mỡ của mọi loại hàng giả, hàng kém chất lượng! Gom góp cả vụ mới thấy được mấy đồng bạc, bỗng chốc bị nạn hàng giả làm trắng tay. Nghĩ đến nông dân là thấy thương. Các đại gia thường có vệ sĩ trước, vệ sĩ phía sau. Bà con nông dân chuốc phải phân bón giả, thuốc sâu giả... chẳng mấy ai bảo vệ.
Công bằng, cũng đã nghe nhắc đến “Uỷ ban bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”. Trước hành vi làm ăn bất chính, không thấy Uỷ ban ra roi đủ mạnh, chỉ quay sang “giao nhiệm vụ” trấn an người bị hại: “Hãy biến chúng ta thành người tiêu dùng thông thái!”. Trước chai nước chấm, gói mì chính, bao phân bón, lọ thuốc sâu, nếu chỉ dựa vào cảm quan thì ngay nhân viên quản lý thị trường còn không phân biệt nổi đâu thật, đâu giả, huống hồ khách hàng người trần, mắt thịt. Nếu không có phương tiện kiểm tra trợ giúp thì mấy bà nội trợ lọ mọ đừng ảo tưởng thành “người tiêu dùng thông thái!”.
Ngoài gây hại cho người tiêu dùng, nạn hàng giả còn khiến nhiều cơ sở sản xuất danh tiếng lâm vào tình trạng điêu đứng. Xóa bỏ hàng giả rõ ràng đã trở thành công việc mang tính xã hội cấp thiết. Nhìn vào hiện trạng thương trường, việc triệt tận gốc nạn hàng giả quả là cực kỳ nan giải. Xin đừng đẩy trách nhiệm tẩy chay hàng giả về phía người tiêu dùng. Hàng giả trở thành quốc nạn. Xóa bỏ hàng giả đương nhiên cũng phải coi là quốc sách. Hơn lúc nào hết, người tiêu dùng đang khao khát sự có mặt của một cơ quan chống hàng giả đủ mạnh và trước hết là đủ trách nhiệm để xóa bỏ hàng giả, cung cấp hàng thật chất lượng với giá cả hợp lý. Có như vậy mới khuyến khích được người Việt Nam dùng hàng Việt Nam.
Hoàng Ngọc Khuyến