Đó là điều mà đồng chí Trần Đô tâm sự cùng vợ trong lá thư đầu tiên anh viết từ tuyến lửa.
Trần Đô sinh năm 1927 trong một gia đình nông dân nghèo ở làng Thanh Cẩm, xã Quảng Thuận, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, anh làm giáo viên bình dân học vụ, rồi làm Tiểu đội trưởng du kích; năm 1949 làm Trưởng ban Tuyên truyền xã và được kết nạp Đảng. Năm 1951, anh được điều vào Quân đội, phụ trách công tác tuyên huấn, Phòng Chính trị Cục Quân y, rồi về công tác tại Viện quân y 5 Sơn Tây. Tại đây, anh kết hôn với nữ quân nhân Thu Nga; vợ chồng anh chị có hai con gái (Huyền, Phương). Trước khi vào Nam chiến đấu, vợ chồng anh được điều chuyển về Viện quân y 110 (Bắc Ninh). Tháng 7-1963, Trần Đô tạm biệt gia đình vào làm Phó ban Binh vận Mặt trận Trị Thiên. Từ tuyến lửa, có điều kiện là Trần Đô viết thư gửi về gia đình. Ngày mùng Một Tết Mậu Thân - 1968, trước khi ra trận, anh viết lá thư cuối cùng gửi cho vợ con, bởi vì 15 ngày sau đó, ngày 15-2-1968, Trung tá Trần Đô - Phó ban Binh vận Mặt trận Trị Thiên đã hy sinh ở Hương Thủy, Thừa Thiên.
Chuyên trang “Năm tháng không quên” xin giới thiệu một số lá thư của đồng chí Trần Đô gửi cho gia đình; để bạn đọc thấy được chí khí, bản lĩnh, triết lý sống của một người Đảng viên Cộng sản (tư liệu do Đại tá, Anh hùng LLVTND, Bác sĩ, Thầy thuốc Ưu tú Tạ Lưu cung cấp, được sự đồng ý của bà Thu Nga - vợ liệt sĩ Trần Đô).
Bức thư đầu tiên
“Ngày 4-5-1964
Em yêu quý!
Biết viết gì đây cho em khỏi buồn, khỏi nhớ. Ngày găp em tất nhiên sẽ đến song còn lâu dài! Ngoài công việc, rỗi rãi khi nào cũng nhớ đến em và các con. Người ta tưởng trong chiến tranh khói lửa của mùi thuốc súng sẽ quên đi tất cả những cái gì đầm ấm, nhưng không phải thế em ạ! Hình ảnh của em và các con thường xuyên trong tâm trí anh. Anh biết trong sự nghiệp chung không chỉ riêng anh phải góp phần chịu đựng những gian khổ hy sinh, mà em và các con cũng có phần chịu đựng. Trong hòa bình, không có gì thiếu thốn hơn khi tiếng còi xe hỏa đến mà không tìm thấy người thân của mình. Không có gì xúc động hơn khi đứa bé kia có bố trìu mến…, nhưng anh thiết tưởng nếu em và các con của anh nhìn qua bên kia giới tuyến thì còn có biết bao phụ nữ và em bé đã 10 năm nay không thấy bóng chồng và cha, chịu biết bao nhục hình và và khắc nghiệt. Sự hy sinh của chúng mình chỉ là một phần rất nhỏ trong sự hy sinh chung của dân tộc phải không em?... Anh biết ở ngoài Bắc trong khung cảnh hòa bình có điều kiện suy nghĩ nhiều, nhưng anh khuyên em đừng để mọi suy nghĩ đó dẫn đến những điều không hay. Phải lấy tinh thần tự hào và tình thương yêu con cái mà chiến thắng mọi tình cảm yếu đuối, mọi suy nghĩ nông nổi. Luôn ghi nhớ “Cuộc sống là quý giá, song danh dự còn quý giá hơn nhiều”. Anh vẫn thương yêu em vô cùng. Trong đời anh chỉ có em là duy nhất, nhưng con đường yêu thương em đúng đắn nhất phải là chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, vì hạnh phúc của gia đình trong hạnh phúc chung của dân tộc.
Em yêu quý! Có lẽ nói hoặc viết gì cũng không tả hết nỗi lòng của anh thương yêu em. Chỉ hẹn ngày về gặp em… Thôi chỉ chúc em và các con vui, khỏe, tiến bộ. Hôn em nhiều.
Anh của em!”.
“Ngày 13-6-1967
Em yêu quý!
Mùa thu rồi. Trong không khí mát dịu của mùa thu, nhưng cũng khó chịu bởi những cơn mưa kéo dài. Mùa thu có nhiều kỷ niệm sâu sắc. Mùa thu là mùa thắng lợi và cũng là mùa từ đó ra đi nay đã hơn bốn năm rồi. Bốn năm không vì cách mạng, không vì hạnh phúc của con ta, không vì sự đau khổ của đồng bào ruột thịt miền Nam đang quặn đau dưới ách thống trị của Mỹ … thì chúng ta không thể nào vượt qua những khó khăn về tình cảm, phải xa nhau gần 1.500 ngày đằng đẵng; nhớ đến những lúc chỉ có một tuần không thấy được mặt em và các con, thương nhớ đã trào dâng. Nhưng bây giờ… dĩ nhiên bây giờ không phải quên đi mà thương nhớ ngày càng chồng chất, nhưng ta tự hào làm tròn lời thề của người chiến sĩ Cộng sản, biết hy sinh lợi ích cá nhân, những tình cảm riêng tư để phục vụ cho sự nghiệp chung phải không em? Hạnh phúc của gia đình cũng chính bắt nguồn từ sự xây đắp về ý thức đó, bởi vì không có Tổ quốc thì không có gia đình hạnh phúc!
Anh thấy bây giờ tuy có sự xa cách, nhưng anh thấy gia đình ta có hạnh phúc hơn nhiều. Em của anh không phải như những năm trước, con của ta cũng đã lớn rồi và chúng ta đã làm tròn trách nhiệm của của người công dân đối với đất nước, của người Đảng viên đối với Đảng và chúng ta hứa với nhau trọn đời không làm những điều gì thương tổn đến nhân phẩm của nhau và danh dự của mình. Trong cuộc sống sinh tử, anh bao giờ cũng nuôi một hoài bão: xong chiến tranh, chúng ta sẽ xây dựng gia đình ta thật hạnh phúc, dù chiến tranh có thể kéo dài 20 năm, thì những năm còn lại trong đời mình cũng phải thực hiện cho được, phải không em?
Hiện nay anh phải sống trong rừng sâu mà ở trong lòng nhân dân, tuy nhiên gian khổ ác liệt không phải đã hết mà còn tăng thêm nhiều hơn. Đó là sự thường tình của những ngày gần thắng lợi. Có lẽ ngày đó cũng sắp đến rồi. Mong em chú ý bồi dưỡng sức khỏe đừng để ốm đau, tội cho các con. Mới hôm qua, anh nằm mơ thấy em khỏe, đã vào Đảng; còn Huyền đã lớn, biết đi xe đạp rồi… cứ thế liên miên suốt đêm dài. Không hiểu có đúng vậy? Anh phải mua kẹo, trà để ăn mừng sự tiến bộ của em và con đây. Thôi, anh tạm dừng.
Hôn em không biết mỏi”.