Sau khi nhận được đơn đề nghị của ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi Thủ tướng Chính phủ, ngày 9-8-2021, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 5454/VPCP-V.I, do ông Cao Huy – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, gửi Bộ Tài chính; Bộ Xây dựng; UBND T.P Hồ Chí Minh thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu “kiểm tra việc quản lý, sử dụng, hiện trạng nhà đất số 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, theo đúng quy định của pháp luật… báo cáo Thủ tướng trước ngày 30-11-2021”.
Cũng liên quan đến khiếu nại nhà đất số 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, ngày 10-6-2013, Văn phòng Trung ương Đảng đã có Công văn số 5741-CV/VPTW, do đồng chí Nguyễn Văn Quyền - Phó Chánh Văn phòng ký, truyền đạt ý kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (kèm theo bản sao đơn, tài liệu của ông Trịnh Đình Đức, cháu nội đích tôn, đại diện cho gia đình cố luật sư Trịnh Đình Thảo) chỉ đạo UBND T.P Hồ Chí Minh xem xét, giải quyết; các nhiệm kỳ trước của Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Phó thủ tướng Thường trực Trương Vĩnh Trọng cũng có chung ý kiến chỉ đạo yêu cầu Chủ tịch UBND T.P Hồ Chí Minh xem xét giải quyết đúng luật, có lý, có tình, nhưng vẫn “án binh bất động”, khiến 3 đời gia đình cố Luật sư Trịnh Đình Thảo vẫn tiếp tục khiếu kiện.
Ngôi nhà số 192 Nam Kỳ khởi Nghĩa do cố luật sư Trịnh Đình Thảo, sinh năm 1901, mua và sở hữu hợp pháp từ năm 1939. Năm 1965 ông đi hoạt động cách mạng, bí mật ra vùng kiểm soát của Mặt trận DTGP miền Nam Việt Nam và làm Chủ tịch Liên minh các Lực lượng Dân tộc - Dân chủ Hòa bình Việt Nam, nên phải cho vợ chồng tư sản mại bản Trương Huy thuê căn nhà trên, với thời gian 12 năm (1965 – 1973). Tuy nhiên, chỉ 2 năm sau: Ngày 12-7-1968, Tòa án Quân sự Chính quyền Sài Gòn đã mở phiên tòa đặc biệt, xét xử và đưa ra Bản án số 069/MT/LĐ/V3CT tuyên án xử tử hình vắng mặt Luật sư Trịnh Đình Thảo và tịch thu toàn bộ tài sản, trong đó có bất động sản số 391 khu Sài Gòn - Độc Lập (nay chính là ngôi nhà 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa).
Sau năm 1975 vợ chồng ông Trương Huy trốn ra nước ngoài. Căn nhà trên được Nhà nước quản lý. Năm 1977, UBND T.P Hồ Chí Minh ra Quyết định số 1701/QĐ-UB “tịch thu tài sản của ông Trương Huy” (trong đó có ngôi nhà 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa - đến nay TP Hồ Chí Minh vẫn không “tìm thấy” quyết định tịch thu ngôi nhà 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa); Năm 1992, UBND T.P Hồ Chí Minh ra quyết định chuyển giao quyền quản lý sử dụng căn nhà thuộc quận 3 cho UBND T.P quận 5 quản lý. Năm 1998, khu nhà được giao cho Công ty Xây dựng - Thương mại Sài Gòn 5 “lập dự án đầu tư và đưa vào khai thác sử dụng”. Hiện nay, ngôi nhà lại do Công ty cổ phần địa ốc Kỷ Nguyên làm chủ đầu tư.
Luật sư Trịnh Đình Thảo là Nhà trí thức uyên bác yêu nước, năm 1969 trong đoàn cán bộ miền Nam ra thăm miền Bắc ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đón thân mật tại Hà Nội. Từ năm 1976 đến năm 1981, Luật sư là Đại biểu Quốc hội khóa VI, Ủy viên Ban Dự thảo Hiến pháp; Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Luật sư được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất và Huân chương Kháng chiến hạng Nhất. Ông mất năm 1986 tại T.P Hồ Chí Minh, hưởng thọ 86 tuổi.
Ngay từ khi còn sống luật sư Trịnh Đình Thào đã nhiều lần viết đơn đề nghị T.P Hồ Chí Minh trả lại ngôi nhà 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa cho ông theo pháp luật, nhưng không được T.P giải quyết. Sau đó người thừa kế là con trai Trịnh Đình Trí, tiếp tục khiếu kiện. Ông Trí mất do tuổi cao. Và hiện nay con trai ông Trí: Trịnh Đình Đức, cũng là cháu nội đích tôn của Cố luật sư Trịnh Đình Thảo tiếp tục khiếu kiện đòi lại nhà.
Việc UBND T.P Hồ Chí Minh tịch thu ngôi nhà số 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa là trái với Quyết định số 111/CP, ngày 14-4-1977 của Hội đồng Chính Phủ, “Quyết định về việc Ban hành Chính sách quản lý và cải tạo Xã hội Chủ nghĩa đối với nhà, đất cho thuê ở các đô thị của các tỉnh phía Nam”. Tại Phần II: Đối với nhà, nhà vắng chủ, mục 3 quy định: “Riêng đối với những người sau đây, khi họ trở về, Nhà nước sẽ xét từng trường hợp cụ thể mà trả lại tài sản, nhà cửa cho họ: … Những người đi tham gia cách mạng, tham gia kháng chiến…”; Tại Chỉ thị 239-CT, ngày 9-9-1989, “Chỉ thị Về việc đình chỉ trả lại nhà của nhà nước cho tư nhân” Mục 3 cũng quy định: “…Ủy ban Nhân dân các cấp và lãnh đạo các ngành cần tiến hành ngay việc kiểm tra lại tình hình xử lý, giải quyết nhà đối với tư nhân, nếu phát hiện có sai phạm theo tinh thần Chỉ thị này thì phải sửa ngay, nếu thấy có tiêu cực trong việc này thì phải xử lý nghiêm minh…”; Thông tư số 04-BXD/XDCB/DT, ngày 12-10-1990 của Bộ Xây dựng, “Hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 239-CT, ngày 9-9-1989 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng”, cũng hướng dẫn cụ thể tại mục 2: “Những trường hợp đặc biệt được xét trả lại nhà”, như sau: “2.2: Chủ nhà đi hoạt động cách mạng, do yêu cầu công tác phải vắng mặt ở địa phương, nhà cửa bị chính quyền địa phương quản lý theo diện “nhà vắng chủ”. Đến nay, đã được Chủ tịch UBND tỉnh xác nhận nguyên nhân chủ nhà vắng mặt đúng với lý do nêu trên”.
Đó là chưa nói tới những khuất tất, thiếu thống nhất của UBND T.P Hồ Chí Minh trong giai đoạn thu hồi, quản lý, chuyển đổi ngôi nhà số 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường 6, Quận 3 của Nhà Cách mạng tiền bối, Cố luật sư Trịnh Đình Thảo.
Việc trả lại nhà đất hợp pháp của Cố luật sư Trịnh Đình Thảo là chính đáng, đúng pháp luật, đúng đạo lý. Thiết nghĩ Thành ủy, UBND T.P Hồ Chí Minh cần phối hợp với Bộ Xây dựng xem xét thấu đáo để giải quyết càng sớm càng tốt, tránh tình trạng càng để lâu càng gây bức xúc dư luận xã hội, thiệt thòi cho gia đình Cố luật sư Trịnh Đình Thảo; làm suy giảm lòng tin của các gia đình có công với Cách mạng.
Huy Thiêm