Chúng ta đã biết, bất kỳ một nhà nước nào, xã hội nào sinh ra, tồn tại và phát triển đều phải có thống nhất những nghi thức về hành chính. Nghi thức hành chính nhằm có sự thống nhất để tạo nên sức bền văn hóa mà bao giờ cũng là động lực được gọi là “sức mạnh mềm”, thuật ngữ mới nhất mà T.Ư Đảng ta mới dùng.
Tuy vậy, ở địa phương tôi những năm gần đây, thỉnh thoảng lại xuất hiện những nghi thức trái với Quy định 25 của Chính phủ, gây phản cảm và thiếu tính pháp lý.
Vừa qua, trong một buổi sinh hoạt của một tổ chức xã hội DC, xã CX. treo một biển tít trang trọng mang dòng chữ “Gặp mặt nhân kỷ niệm ngày truyền thống hội “DC” - sơ kết 6 tháng đầu năm 2023. Trong tổ chức lại tiến hành nghi lễ chào cờ, sau chào cờ, ông Phó chủ tịch hội xã làm tổ chức lại giới thiệu 1 đại biểu khách mời hội cấp huyện đứng ra cử hành nghi lễ mặc niệm Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kèm theo là những danh chức; nghi lễ này ngay cả Đại hội Đảng cũng không cử hành.
Sau chương trình nghị sự, ông phụ trách công tác tổ chức đọc các Bằng mừng thọ cho hội viên đến đoạn sau con dấu của huyện hội lại không đọc dòng “thượng tá T.” - chủ tịch hội DC. Thế là ông chủ tịch hội DC xã chất vấn “sao ông không đọc”. Ông làm tổ chức trả lời: “Con dấu của chủ tịch hội chứ đâu phải tổ chức quân đội mà ghi là thượng tá nên tôi không đọc”.
Lời bàn: Từ lâu, Thủ tướng Chính phủ đã có quy định chỉ cử hành chào cờ trong lễ kỷ niệm hoặc đại hội. Trong lễ có tiến hành chào cờ cũng không bao giờ có nghi lễ mặc niệm, kể cả với Bác Hồ. Đằng này người đứng ra tiến hành nghi lễ lại là vị khách mời mới lạ.
Còn trong giấy mời hoặc ký tặng bằng khen, giấy khen hay bất kỳ một hình thức nào đó của một chức xã hội khi mà đã đứng ngoài Quân đội mà còn ghi hàm cấp là không đúng, cho dù người đó có là Đại tướng.
Mong rằng, các cấp, các cơ quan hữu trách nhất là tiếng nói của báo chí vào cuộc đừng để những hành động tự phát kiểu này lan rộng.
Nguyễn Tiến Lộc