Nhu cầu lao động tại các thị trường lớn, đặc biệt tại các khu công nghiệp, khu chế xuất sẽ tiếp tục tăng cao.
Sự thiếu hụt lao động đang gia tăng vào thời gian cuối quý I-2022 khi các doanh nghiệp hoạt động trở lại với công suất cao trong bối cảnh dịch bệnh có những diễn biến mới. Để hạn chế những nguy cơ tiềm ẩn của thị trường lao động, cần có các chính sách “dài hơi” khuyến khích người lao động (NLĐ) tham gia đào tạo, đào tạo lại, nâng cao tay nghề, chuyển đổi nghề nghiệp; có cơ chế xúc tiến kịp thời hệ thống dịch vụ xã hội cơ bản tại các khu công nghiệp như giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường...
Theo dự báo, năm 2022, các dự án tiếp tục được mở rộng quy mô và triển khai mới tại nhiều địa phương trên cả nước, nên nhu cầu sử dụng lao động ở các địa phương, ngành có xu hướng tăng lên. Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt lao động xảy ra cục bộ tại một số địa phương do số lượng công nhân lao động đang phải nghỉ việc vì thuộc diện F0, F1... ngày một tăng, ngoài ra một bộ phận NLĐ trở về quê chưa trở lại làm việc, hoặc đã tìm được việc làm mới ở quê nhà.
Để ổn định thị trường lao động, bên cạnh việc ban hành các chính sách hỗ trợ phục hồi sản xuất cho doanh nghiệp, Chính phủ còn tiếp tục cấp vốn cho Ngân hàng CSXH thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Một trong những nhóm giải pháp được đưa ra là đảm bảo an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm cho NLĐ. Hàng loạt các chính sách hỗ trợ tiền mặt, cho vay vốn ưu đãi dành cho NLĐ sẽ được triển khai ngay trong 6 tháng đầu năm 2022. Trong đó, NLĐ làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm được hỗ trợ 3 tháng tiền thuê nhà với mức hỗ trợ đối với NLĐ quay trở lại thị trường lao động là 1 triệu đồng/tháng và NLĐ đang làm việc trong các doanh nghiệp là 500.000 đồng/tháng. Ngoài ra, Ngân hàng CSXH hỗ trợ NLĐ vay với lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022-2023 đối với các khoản vay có lãi suất cho vay trên 6%/năm.
Một số địa phương có chính sách đã linh hoạt, kịp thời triển khai nhiều giải pháp để duy trì việc làm, phục hồi thị trường lao động.
Tỉnh Bình Dương tổ chức các phiên giao dịch việc làm online để kết nối cung - cầu lao động không chỉ trong phạm vi tỉnh, mà kết nối với tất cả các tỉnh có nguồn lao động (thông qua hệ thống Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh). NLĐ ở các tỉnh có nhu cầu tìm việc làm tại Bình Dương chỉ cần truy cập vào website sẽ được tiếp cận tất cả thông tin tuyển dụng tại phiên giao dịch việc làm; NLĐ và người sử dụng lao động dễ dàng tiếp cận, trao đổi các thông tin liên quan đến vị trí công việc cần tuyển dụng. Để thu hút lao động quay trở lại thị trường lao động Đồng Nai sau đại dịch, tỉnh Đồng Nai tăng cường tổ chức các sàn giao dịch việc làm trực tiếp hoặc trực tuyến thông qua các ứng dụng công nghệ để kết nối việc làm giữa doanh nghiệp và lao động.
Nhằm tiếp tục triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và chuyển sang trạng thái “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, UBND tỉnh Long An vừa ban hành quy định tạm thời các trường hợp F0, F1 đang trong thời gian cách ly được tham gia làm việc để thực hiện nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên tinh thần tự nguyện. Trong tình hình dịch Covid-19 bùng phát, các công ty thiếu hụt lao động do NLĐ nhiễm virus SARS-CoV-2, nếu không bổ sung kịp thời sẽ không thể hoàn thành các hợp đồng giao hàng cho đối tác đúng thời gian quy định..., hoặc các trường hợp cấp thiết về nguồn nhân lực lao động mà không tuyển dụng kịp thời, được phép sử dụng lao động của công ty đang là F0 (không triệu chứng), F1 đang trong thời gian cách ly để làm việc.
Việc triển khai các chính sách thiết thực, các giải pháp hiệu quả, kịp thời sẽ góp phần đưa nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất - kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là NLĐ tại các khu công nghiệp, tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi trong phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo.
Hồ Thanh Hương