Ngày 13-7-2019, tại phiên họp Hội đồng Nhân dân T.P Hồ Chí Minh, đại biểu Phan Thị Hồng Xuân khi đề cập đến giải pháp chống ngập trên địa bàn thành phố, đã đề xuất tận dụng kinh nghiệm dân gian, mỗi nhà nên có một cái lu tích nước, mỗi khi mưa to thì giữ nước lại, giảm lượng nước dồn về hệ thống thoát nước một cách cục bộ. Ý kiến này của PGS, TS. Phan Thị Hồng Xuân lập tức gây nên một cơn “bão” trên mạng xã hội, với phần đông là những ý kiến phản bác, dè bỉu, chê bai; trong đó không ít những lời lẽ khiếm nhã đến từ cả những trí thức, văn nghệ sĩ.
Bình tĩnh và khách quan nhìn nhận thì thấy ý kiến của PGS, TS. Phan Thị Hồng Xuân chưa trình bày một cách gãy gọn, khúc triết; tuy nhiên, ý tưởng sử dụng công cụ, phương tiện tích nước (có thể là lu, bể chứa nước ngầm, bình chứa nước cơ động...) để hứng nước mưa chống ngập là giải pháp đã được thực hiện thành công ở nhiều nước. Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) khi thảo luận với các cơ quan chức năng ở T.P Hồ Chí Minh cũng đã nêu lên vấn đề này. Đây cũng là kinh nghiệm dân gian của người nông dân Việt Nam, việc sử dụng cái lu (chum, vại, bình) hứng nước mưa vừa để sử dụng, vừa để chống ngập.
Ngày 11-7-2019, ở thủ đô Washington (Mỹ) xảy ra một cơn mưa cực lớn kéo dài gây ngập úng nhiều tuyến phố; các nhà khoa học đo được lượng nước đổ xuống trong một đêm lên đến 11 triệu mét khối, đây là lượng nước kỷ lục, nên hiện đại như nước Mỹ mà vẫn đành chịu ngập úng.
So sánh là khập khiễng, nhưng giả sử T.P Hồ Chí Minh cũng phải chịu một đêm mưa kỷ lục như vậy; nếu hơn 2 triệu hộ gia đình ở thành phố, mỗi nhà có một cái lu hoặc bể chứa (tạm gọi là cái lu), nhà nhỏ dùng lu nhỏ, nhà lớn dùng lu lớn, chứa 1-2 mét khối nước thì đã có khoảng 3-4 triệu mét khối nước không chảy ra hệ thống thoát nước và vấn đề ngập do mưa có thể giải quyết được. Giải pháp “cái lu” mà PGS, TS. Phan Thị Hồng Xuân nêu ra, về ý nghĩa kỹ thuật, là giải pháp thủ công đơn giản, dễ làm; về ý nghĩa xã hội, là phương án “toàn dân chống ngập”, thông qua hành động để giáo dục nhận thức, tác động vào ý thức con người. Rõ ràng, ý nghĩa xã hội của đề xuất không phải là nhỏ.
T.P Hồ Chí Minh loay hoay đối phó với ngập nước hơn chục năm nay. Nhiều dự án trăm tỷ, nghìn tỷ đồng đã và đang được tiến hành nhưng chưa hiệu quả. “Lợi ích nhóm” chi phối vào quá trình quy hoạch, xây dựng đô thị nên nhiều ao hồ, kênh, sông vốn là những công trình tiêu thoát nước tự nhiên bị san lấp. Những công trình tiêu thoát nước nhân tạo được thiết kế hoặc tủn mủn, vụn vặt, thiếu tầm nhìn; hoặc không theo kịp tốc độ đô thị hóa; hoặc thiếu vốn đầu tư xây dựng nên không đáp ứng được yêu cầu. Những tòa nhà chọc trời mọc lên san sát đã biến thành phố thành khu “rừng bê tông” ngột ngạt. Những chuyện này xảy ra lù lù trước mắt người dân thành phố, người dân cả nước, ai cũng bức xúc, nhưng cơ quan chức năng thì “trơ như đá, vững như đồng”. Trong hoàn cảnh đó, lẽ ra ý kiến đề xuất của PGS, TS. Phan Thị Hồng Xuân phải được lắng nghe, trao đổi, tìm ra phương án thực hiện khả thi thì lại bị cộng đồng mạng “ném đá” không thương tiếc.
Nhưng như chính PGS, TS. Phan Thị Hồng Xuân tâm sự, nỗi buồn nào rồi cũng sẽ nguôi ngoai, bản thân đại biểu làm việc bằng cái tâm, phát biểu bằng tâm huyết của mình với thành phố thì không có điều gì phải băn khoăn. Nhưng qua sự việc này thì thấy, tâm lý “cư dân mạng” đang có nhiều vấn đề. Nói như PGS, TS. Nguyễn Văn Dững (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) thì: “Một số “facebooker” hình như luôn chờ sẵn có sự việc là... "bật", kể cả những trí thức, những người có học hành đàng hoàng. Mặt khác, hình như trong xã hội đang tiềm ẩn tâm lý phản đối tất cả, dù là các đề xuất cá nhân, dù là nghe chưa tường hay chưa xem xét thấu đáo, cũng đã bùng lên làn sóng phẫn nộ, chỉ trích gay gắt. Đây là hiện tượng đáng buồn, cần có chiến lược giải quyết tầm quốc gia về truyền thông và quyết sách kinh tế - xã hội”.
Có lẽ, mạng xã hội cũng cần một “giải pháp cái lu”!
Nguyễn Hồng