Trước hết phải nói rằng, đây là chiêu bài cũ rich và lỗi thời mà phía Mỹ cho hâm đi hâm lại nhiều lần, bất chấp tình huống luôn bị phản ứng gay gắt, mỗi năm một lần, Báo cáo thường niên về nhân quyền trên thế giới trong đó có Việt Nam. Qua 48 trang đánh giá tình hình nhân quyền ở Việt Nam, Báo cáo 2011 đưa ra nhiều nhận xét rất phiến diện, sai lệch, tiếp tục sự lặp lại một số luận điệu cũ rích, bịa đặt về tình hình nhân quyền, một số sự kiện - vấn đề từ góc nhìn xuyên tạc, bôi đen, dựng đứng, bịa đặt mà các thế lực thù địch với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam thường rêu rao trên in-tơ-nét, hoặc truyền bá trên một vài diễn đàn được tổ chức với mục đích chống phá, gây tổn hại tới hình ảnh của nước Việt Nam đang trên đường phát triển. Báo cáo nhân quyền năm 2011 tiếp tục đánh đồng tự do báo chí, tự do tôn giáo với hành vi lợi dụng tự do báo chí, lợi dụng tự do tôn giáo để tuyên truyền chống phá Nhà nước, vi phạm pháp luật và đã bị chính quyền xử lý nghiêm khắc. Nói là cũ rích, bởi Báo cáo năm 2011 vẫn bao che, chạy tội cho mấy "nhà dân chủ" đã cố tình phạm pháp, cố tình gây nhiễu đời sống tinh thần xã hội, hòng kiếm chác từ tài trợ của mấy kẻ là người Việt lưu vong đang sinh sống ở Hoa Kỳ.

Cần chỉ ra rằng, những người soạn thảo Báo cáo nhân quyền của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thực hành một nguyên tắc đánh giá rất kỳ quặc. Cùng là hành động để bảo đảm sự nghiêm minh của luật pháp, khi chính quyền Hoa Kỳ thực thi thì họ tảng lờ, còn khi chính quyền Việt Nam thực thi thì họ phê phán. Họ đã nhắm mắt trước sự thật là Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong việc bảo đảm quyền con người trên tất cả các lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Việt Nam đã có những bước tiến thật tự hào, được LHQ và cộng đồng quốc tế ghi nhận. Đó là những thành tựu không thể phủ nhận trong việc thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs); giảm nhanh tỷ lệ đói nghèo, nâng cao mức sống mọi mặt cho người dân, tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam đã giảm từ mức 22% năm 2005 xuống 9,45% trong năm 2010; đồng thời thực hiện hiệu quả các công ước về bảo đảm quyền phụ nữ, trẻ em. Chỉ số phát triển con người của Việt Nam liên tục trong những năm gần đây được nâng lên. Gần đây nhất, tại kỳ họp thứ 80 của Ủy ban về công ước chống phân biệt chủng tộc LHQ (CERD) tại Giơ-ne-vơ hồi tháng 3 vừa qua, những thành tựu Việt Nam đạt được về đảm bảo nhân quyền cho người dân tộc thiểu số trên tất cả các lĩnh vực cũng được đánh giá rất cao. Tổ chức Kinh tế học mới (NEF) có trụ sở ở Anh cũng đã xếp Việt Nam vào danh sách năm nước hạnh phúc nhất.

Cái gọi là Báo cáo nhân quyền, không đánh lừa được ai, bởi dựa trên những thông tin một chiều mang tính chất định kiến, áp đặt, Báo cáo đã chỉ trích Việt Nam về “hạn chế quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí”; thậm chí đánh đồng những kẻ vi phạm pháp luật bị xử lý với các “nhà hoạt động chính trị”. Việt Nam đã nhiều lần khẳng định, cũng như tất cả các quốc gia khác thực thi pháp luật, Việt Nam nghiêm cấm những hành vi lợi dụng tôn giáo, nhân quyền để gây mất ổn định chính trị-xã hội, làm tổn hại an ninh quốc gia, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Những ai vi phạm, không kể họ thuộc dân tộc hay tôn giáo nào đều bị xử lý theo quy định của pháp luật. Đó là điều tất nhiên của mỗi quốc gia.

Việt Nam và Hoa Kỳ, tuy chế độ chính trị khác nhau, nhưng mỗi nước đều đang tồn tại những vấn đề cần giải quyết. Bằng cách hành xử trong Báo cáo nhân quyền, Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ làm cho người ta thấy rõ thêm rằng, họ vẫn theo đuổi chính sách coi nhân quyền như một con bài tạo cớ can thiệp vào công việc của nước khác. Mỹ không có tư cách để phán xét vấn đề quyền con người của Việt Nam, khi mà nếu chịu khó "đốt đuốc soi chân mình", nước Mỹ đang còn vô khối vấn đề nhân quyền phải bàn… Việc làm này đang bị dư luận thế giới lên án và bác bỏ. Bộ Ngoại giao Cu-ba coi Báo cáo năm 2011 đề cập tới tình hình nhân quyền ở Cu-ba là qua các thông tin "dối trá và vu cáo, vô căn cứ, không đúng thực tế". Còn Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định, Báo cáo năm 2011 là "tài liệu mang đầy tính phân biệt đối xử", "coi thường sự thật", đồng thời kêu gọi Hoa Kỳ "chấm dứt hành động can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác"...

Có thể nói, thực hiện về nhân quyền ở mỗi nước dựa trên những đặc thù về lịch sử văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, điều kiện kinh tế xã hội của mỗi quốc gia. Vì thế, không thể lấy tiêu chí và nhân quyền của quốc gia này áp đặt cho quốc gia khác. Chủ quyền dân tộc là nguyên tắc cốt lõi cần nhất phải được tôn trọng trong trật tự pháp lý quốc tế. Mang danh nhân quyền để chà đạp chủ quyền quốc gia khác đang tạo ra một nguy cơ, một hiểm họa khôn lường trong thế giới hiện đại. Áp đặt nhân quyền theo tiêu chuẩn Mỹ, giá trị Mỹ chính là sự vi phạm thô bạo nhất.

Minh Phương