
Tổng thống Pháp - Jacques Chirac và CCB Trần Hồng Quảng.
Đó là Anh hùng Lao động, thương binh Trần Hồng Quảng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và Người khuyết tật Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc xí nghiệp Quang Minh (Hải Phòng).
Nghị lực phi thường của người thương binh nặng
Năm 1971, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta bước vào giai đoạn ác liệt nhất, Trần Hồng Quảng xung phong nhập ngũ. Rời quê hương Vĩnh Bảo (Hải Phòng), sau hơn 6 tháng vừa hành quân vượt Trường Sơn vừa trực tiếp chiến đấu, ông và đồng đội đã đến được miền Đông Nam Bộ và được bổ sung vào Sư đoàn 9 - quả đấm thép miền Đông. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, khi truy kích địch tại cửa ngõ Sài Gòn vào sáng 30-4-1975, Trần Hồng Quảng bị thương rất nặng. Ông được đồng đội cấp cứu kịp thời, nhưng sau khi điều trị lành vết thương, qua giám định thương tật, ông được xác nhận mất tới 80% sức khỏe, được xếp hạng thương binh nặng phải có người chăm sóc. Ông đã từ chối đặc ân này, xin trở về xây dựng quê hương.

Nghị lực của Bộ đội Cụ Hồ và sự chăm sóc của người thân là những liều thuốc diệu kỳ giúp thương binh nặng Trần Hồng Quảng phục hồi nhanh sức khỏe. Ông kiên trì luyện tập, từ chỗ tự phục vụ sinh hoạt bản thân, đến tự đi xe đạp rồi xin đi học và phát triển từ một công nhân trở thành Phó giám đốc Công ty rau quả Hải Phòng, một doanh nghiệp nhà nước mạnh của thành phố Cảng lúc đó. Thế nhưng khi tận mắt chứng kiến những khó khăn của các CCB, nhất là các thương binh không có việc làm, đời sống khó khăn, Trần Hồng Quảng quyết định làm đơn xin từ chức Phó giám đốc doanh nghiệp Nhà nước và tập hợp anh em thương binh, CCB quê nhà thành lập XN tập thể Quang Minh. Với 35 triệu đồng hỗ trợ ban đầu từ Bộ LĐTBXH cùng chút ít vốn gom góp từ các thành viên trong xí nghiệp, họ đã lập nên một mô hình sản xuất mới - mô hình sản xuất tập thể của những người thuộc đối tượng chính sách với quyết tâm làm giàu cho quê hương.
Cuối thế kỷ trước, trong một lần đi công tác ở Quảng Ninh, qua huyện Hoành Bồ, ông Quảng thấy nhiều người rao bán đầm nuôi tôm vì tôm của họ chết hàng loạt. Máu kinh doanh nổi lên và ông quyết định đầu tư nuôi tôm. Mày mò tìm hiểu nguyên nhân tôm chết là do môi trường bị ô nhiễm, ông quyết định chuyển hướng nuôi tôm theo hướng mới với mật độ thả tôm ít hơn, cho thức ăn ít hơn và đưa nước từ môi trường tự nhiên vào đầm tôm (phương pháp này bây giờ gọi là nuôi quảng canh cải tiến). Kết quả thật bất ngờ, tôm không những không bị chết mà còn phát triển rất tốt. Đặc biệt, do bảo đảm được vệ sinh đầm tôm nên loại tôm này có giá trị xuất khẩu rất cao. Ngành thủy sản đã đến nghiên cứu mô hình này và quyết định nhân rộng.
Không dừng lại ở đó, ông Quảng và đồng đội còn nghiên cứu thành công đề tài khoa học "Quy trình sản xuất thức ăn nuôi tôm bằng công nghệ sinh học" và tổ chức sản xuất thức ăn cho tôm theo đề tài này. Từ kết quả nuôi tôm và sản xuất thức ăn cho tôm, năm 2003, CCB Trần Hồng Quảng đã được chọn là đại biểu của Việt Nam đi dự và có tham luận tại Hội nghị Nông dân trẻ thế giới do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp quốc tổ chức tại Paris (Pháp). Ông cũng là đại biểu duy nhất của Hội nghị được Tổng thống Pháp - Jacques Chirac gặp gỡ, hỏi kinh nghiệm nuôi tôm quảng canh cải tiến và chụp ảnh lưu niệm.
Từ một doanh nghiệp nhỏ lúc mới thành lập, đến nay XN Quang Minh đã phát triển có quy mô như một tập đoàn. Ngoài văn phòng chính ở Hải Phòng, Xí nghiệp Quang Minh còn có 5 chi nhánh tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Ninh, Hòa Bình và 8 cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ tại Hải Phòng với hàng trăm lao động, trong đó hơn một nửa là thương binh và người khuyết tật. Năm 2005, CCB Trần Hồng Quảng được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Làm việc thay cho các liệt sĩ
Những người lao động ở XN Quang Minh khẳng định với chúng tôi rằng họ chưa hề thấy thủ lĩnh của mình nghỉ làm việc hay đi du lịch, an dưỡng. Ngoài nhiệm vụ chính là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc XN Quang Minh, ông Quảng còn làm Giám đốc Bảo tàng Quang Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Liên minh Hợp tác xã TP. Hải Phòng…
Đặc biệt, từ năm 2022, sau khi được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và Người khuyết tật Việt Nam (VAIDE), CCB Trần Hồng Quảng lại càng bận rộn. Hết ở văn phòng Hiệp hội, lại xuống các địa phương, đến các cơ sở sản xuất, nhiều khi cùng làm việc với công nhân. Ông thường nói với mọi người rằng, mình phải làm việc thay cho các liệt sĩ đã ngã xuống trên các chiến trường, thực hiện ước nguyện của các liệt sĩ là làm giàu cho quê hương. Mỗi lần đến cơ sở là mỗi lần ông tìm tòi, nghiên cứu cải tiến phương án, quy trình sản xuất.
Dù đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng CCB Trần Hồng Quảng vẫn ngày đêm đau đáu với hướng đi của các doanh nghiệp trong đại gia đình VAIDE.
Ông Quảng cho biết: Đến thời điểm này, VAIDE đã kết nạp được gần 1.000 doanh nghiệp hội viên tham gia vào quá trình hoạt động, phát triển chung. Nhờ đó, nhiều thương binh, người khuyết tật đã vượt qua nỗi đau, tích cực lao động để không trở thành gánh nặng cho xã hội.
Trong tiến trình hội nhập quốc tế, để nâng cao vị thế, VAIDE đã tham gia thiết lập mối quan hệ và làm thành viên của các tổ chức quốc tế và Việt Nam như: Tổ chức Khả năng việc làm quốc tế (WA), Tổ chức khả năng việc làm và phục hồi chức năng lao động khu vực châu Á, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Văn phòng Tổ chức Liên Hợp quốc tại Việt Nam (UN), Tình nguyện viên Liên Hợp quốc (UNV)… Đặc biệt, VAIDE đã quan tâm tổ chức nhiều đoàn công tác đưa đại diện doanh nghiệp hội viên đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm sản xuất tại Mỹ, Anh, Pháp… Sau mỗi chuyến đi, nhiều đơn hàng xuất khẩu đã được ký kết, sản phẩm do người khuyết tật và thương binh làm ra đã đến với bạn bè khắp các quốc gia trên thế giới.
Thế nhưng, hiện tại, nhiều doanh nghiệp trong VAIDE đang gặp khó, cần phải khơi thông các nguồn lực để gia đình VAIDE phát triển. Để khơi thông nguồn lực này theo ông Quảng, Nhà nước cần phải sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp củathương binhvà người khuyết tật. Ngoài ra, việc tiếp cận các chính sách ưu đãi của các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật còn gặp nhiều khó khăn, nhiều chính sách chưa đi vào cuộc sống.
Từthực tiễn quản lý điều hành tại XN Quang Minh, Anh hùng Trần Hồng Quảng đã kiến nghị Chính phủ và các cơ quan chức năng nghiên cứu, trình Quốc hội cho phép bổ sung đối tượng thương binh và người hưởng chế độ như thương binh vào trong Luật Người khuyết tật đồng thời có những quy định phù hợp hơn với thực tế và đáp ứng nguyện vọng của các doanh nghiệp đang sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật hiện nay.
Phú Quý