Về với Vị Xuyên: Đất thiêng nơi địa đầu Tổ quốc

Nguyễn Hương Lan 22/07/2025 - 16:30

Ngày 27/7 hằng năm là dịp thiêng liêng để cả dân tộc lặng lòng tưởng nhớ những người anh hùng đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Với riêng tôi, năm nay là một ngày đặc biệt khi được cùng đoàn công tác Bệnh viện TWQĐ 108 hành quân về thăm Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên – nơi ghi dấu một thời máu lửa.

z6829890334889_56d9a122f318f2e0963a1bdef78d588e

Từ rạng sáng, cả đoàn đã có mặt đông đủ. Ai cũng lặng lẽ, trang nghiêm, nhưng ánh mắt đều ánh lên niềm xúc động và tự hào. Dưới sự dẫn dắt của Đại tá Ngô Vi Hải – Chủ nhiệm Khoa Ngoại lồng ngực, đoàn chúng tôi lên đường mang theo tấm lòng biết ơn và sự thành kính dâng lên những người đã ngã xuống cho từng tấc đất biên cương.

Vị Xuyên không chỉ là địa danh, mà còn là biểu tượng của tinh thần bất khuất. Từ năm 1979 đến cuối thập niên 1980, nơi đây từng là chiến trường khốc liệt, nơi hơn 4.000 chiến sĩ đã vĩnh viễn nằm lại giữa đại ngàn núi rừng. Những điểm cao 1030, 772, 468, Nậm Ngặt, Đồi Đài… không còn là những con số vô tri, mà là máu, là nước mắt, là thanh xuân và sự hy sinh.

z6829890295562_74f643dc1da190f495a5f820c1a6df81-1512
Trung tá QNCN Nguyễn Hương Lan thắp nén hương thơm cho các AHLS tại nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên

Tôi còn nhớ, từ thuở nhỏ đã được nghe cha mình, một người lính từng tham gia chiến dịch Vị Xuyên kể về những ngày tháng gian khổ. Ông là Sư đoàn phó Sư đoàn 312 – Quân đoàn 1, từng trực tiếp chỉ huy chiến đấu nơi đây. Những câu chuyện của cha về đồng đội hy sinh, về ngày 12/7 - ngày giỗ trận, nơi những điểm cao như “máy xay thịt” cướp đi sinh mạng hàng trăm chiến sĩ đã khắc sâu vào tâm trí tôi như một phần ký ức của thế hệ đi trước.

z6829890214785_c371672d2ef49c4b170f541ddea17cd2-1513

Và hôm nay, tôi, một người lính thời bình, lần đầu đặt chân lên mảnh đất thiêng ấy. Khi xe dừng trước nghĩa trang Vị Xuyên, tôi bỗng thấy lòng mình lặng đi. Gió núi thổi nhẹ, tiếng chuông chùa ngân vang, mọi người cùng cúi đầu thắp nén hương thành kính. Tại đây, chúng tôi được Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh Tuyên Quang hướng dẫn đến từng phần mộ, đến đền thờ liệt sĩ, điểm cao 468 và Ban quy tập hài cốt.

Tôi xúc động khi biết rằng nơi đây là nơi yên nghỉ của gần 2.000 liệt sĩ, trong đó có một mộ tập thể chưa thể định danh. Công việc tìm kiếm, quy tập hài cốt vẫn âm thầm diễn ra mỗi ngày. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2025, đã tìm được hơn 60 liệt sĩ, riêng ngày 18/7 vừa qua đã quy tập được 6 hài cốt. Những người lính trong đội quy tập ngày ngày đối mặt hiểm nguy từ bom mìn còn sót, địa hình hiểm trở, mưa rừng trơn trượt… nhưng họ vẫn bền lòng, lặng thầm tiếp nối nhiệm vụ cao cả: đưa đồng đội về với đất mẹ.

z6829890237745_ac5569b8ad7ce7df7979f9cdc78fd077-1513

Đứng giữa nghĩa trang, tôi ngước nhìn lên trời. Một cảm giác thiêng liêng dâng lên trong lòng. Những ngôi mộ xếp hàng ngay ngắn, tên tuổi có, không tên cũng có tất cả đều là anh hùng. Những người đã ngã xuống để tôi và thế hệ hôm nay được sống trong bình yên.

Tôi thầm nghĩ, nếu mỗi người lính thời bình như tôi có thể sống tốt hơn, làm việc chăm chỉ hơn, cống hiến nhiều hơn… thì đó chính là cách thiết thực nhất để tưởng nhớ và tri ân những người đã không tiếc thân mình vì Tổ quốc.

Khoác trên mình hai màu áo trắng – xanh, tôi thấy mình nhỏ bé trước sự hy sinh lớn lao. Và tôi tự hứa: sẽ sống xứng đáng hơn, học tập, rèn luyện, lan toả tinh thần trách nhiệm và nhân văn vì đất nước, vì Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và vì những người đã yên nghỉ dưới đất mẹ Vị Xuyên.

Trung tá QNCN Nguyễn Hương Lan - Khoa Bệnh lây đường hô hấp Bệnh viện Trung ương Quân đội 108

Đọc tiếp

Mới nhất

Về với Vị Xuyên: Đất thiêng nơi địa đầu Tổ quốc