Thiếu tướng Nguyễn Văn Man - Phó tư lệnh Quân khu 4 (hàng đầu, thứ hai từ phải qua), thị sát tình hình mưa lũ và chỉ đạo công tác cứu hộ, giúp đỡ người dân tại huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế, ngày 11-10-2020 - Thiếu tướng Nguyễn Văn Man sau đó đã hy sinh vì mưa lũ.
Hình ảnh, những giá trị của Bộ đội Cụ Hồ được các cựu chiến binh kế thừa, phát huy và tiếp tục tỏa sáng là cơ sở, niềm tin để Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chúc: “Cựu chiến binh, Cựu quân nhân Việt Nam luôn luôn là Bộ đội Cụ Hồ, mãi mãi là Bộ đội Cụ Hồ”!
Bộ đội Cụ Hồ - một danh hiệu, một vinh dự lớn
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong “Tổng tập hồi ký” của mình có viết: “…Hình ảnh Quân đội ta, anh Vệ quốc quân rất xứng đáng với những tiếng thân thương mà đồng bào cả nước đã sớm dành cho mình “Bộ đội Cụ Hồ” (Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng tập Hồi ký, Nxb QĐND, H, 2010. Tr.189). Cũng theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ở chiến khu Việt Bắc thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp, đồng bào các dân tộc đã thân thương, trìu mến gọi các đơn vị vũ trang ta là “Bộ đội Ông Ké”, hay “Bộ đội Ông Cụ”, bày tỏ tình cảm mộc mạc của đồng bào đối với vị lãnh tụ của mình mà nhiều người chưa biết tên. Khi biết “Ông Cụ” là Chủ tịch nước Việt Nam mới - là Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì tự nhiên, “Bộ đội Ông Cụ” trở thành Bộ đội Cụ Hồ.
Hình ảnh và tên gọi Bộ đội Cụ Hồ là một hiện tượng độc đáo trong lịch sử chiến tranh cách mạng, một nét đặc sắc của văn hóa quân sự Việt Nam. Hiếm có một quốc gia, dân tộc nào trên thế giới mà nhân dân lấy tên vị lãnh tụ kính yêu của mình đặt cho quân đội như Việt Nam. Cũng vì ý nghĩa đó, Bộ đội Cụ Hồ không chỉ là tên gọi trìu mến, thân thương được nhân dân dành cho quân đội, mà còn là danh hiệu cao quý và là niềm vinh dự tự hào của quân đội ta.
Gọi quân đội mình là Bộ đội Cụ Hồ, vì nhân dân ta thấy được mối quan hệ đặc biệt, hiếm có giữa Bác và quân đội, giữa vị lãnh tụ với người chiến sĩ. Trước tiên, Quân đội được Đảng và Bác Hồ sáng lập. Với Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân - Đội quân chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, vào ngày 22-12-1944, Bác Hồ là người đã khai sinh quân đội ta, là “Người Cha thân yêu” của các LLVTND Việt Nam.
Nhân dân ta gọi quân đội mình là Bộ đội Cụ Hồ, bởi mỗi bước trưởng thành, mỗi chiến công của quân đội đều gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng, sự rèn luyện, giáo dục của Bác Hồ, của “Người Cha thân yêu”.
Nhân dân ta gọi quân đội mình là Bộ đội Cụ Hồ, vì cán bộ, chiến sĩ ta trải qua hơn 75 năm chiến đấu, công tác đã thực hiện xuất sắc lời dạy của Bác, luôn xứng đáng vơi niềm tin yêu của Người: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì CNXH; nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
Xứng đáng với lời khen của Bác, trước tiên vì Quân đội ta là quân đội của dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu; “Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh”. Cũng vì vậy mà trong chiến đấu và công tác, quân đội đều được dân coi như con em của mình; luôn gắn bó với dân, được dân tin yêu, mến phục.
Xứng danh Bộ đội Cụ Hồ vì cán bộ, chiến sĩ ta có lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc; kiên quyết đấu tranh chống lại các thế lực phản động, thù địch chống phá Đảng, chế độ XHCN. Vì cán bộ, chiến sĩ cùng chung lý tưởng chiến đấu dưới cờ Đảng và Bác Hồ, đều là con em của nhân dân, từ nhân dân mà ra, nên thắm tình đồng chí, đồng đội. Đó cũng là phẩm chất đặc biệt, cao quý của Bộ đội Cụ Hồ.
Bộ đội Cụ Hồ không chỉ là đội quân chiến đấu mà còn là đội quân sản xuất và đội quân công tác. Trong chiến tranh cũng như trong hòa bình, ba chức năng đó đều được coi trọng. Hình ảnh hàng chục nghìn cán bộ, chiến sĩ ta quên mình trong chiến đấu với bão lũ, tìm kiếm cứu nạn, khắc phục thiên tai; xung phong lên trên tuyến đầu chống dịch Covid-19 hai năm qua… là những minh chứng sống động nhất.
Tinh thần kỷ luật tự giác nghiêm minh là một nét đặc trưng tiêu biểu của Bộ đội Cụ Hồ được thể hiện rõ nét nhất ở 12 Điều kỷ luật và bằng việc chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và mệnh lệnh của người chỉ huy.
Bộ đội Cụ Hồ có tinh thần quốc tế cao cả. Từ truyền thống tương thân tương ái đầy tính nhân văn của con người Việt Nam, Bộ đội Cụ Hồ tiến tới “Giúp bạn là tự giúp mình”; cùng chung chiến hào với quân và dân Lào anh em chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; chiến đấu hy sinh, cứu dân tộc Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng…
Hơn 75 năm qua, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ đã đi vào đời sống của đất nước một cách hết sức tự nhiên, như một tất yếu lịch sử và trở thành một trong những giá trị văn hóa tiêu biểu của thời đại Hồ Chí Minh.
“…Mãi mãi là Bộ đội Cụ Hồ”
Kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ thành công; tiếp đó là hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, hàng triệu CCB “gác súng, treo gươm” trở về với cuộc sống đời thường. Phẩm chất, truyền thống của Bộ đội Cụ Hồ đã được các CCB kế thừa, phát huy trên trận tuyến mới. Đặc biệt, từ sau khi Hội CCB thành lập, những phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ càng được tỏa sáng.
Là một tổ chức chính trị - xã hội đại diện cho ý chí, nguyện vọng của CCB, do Đảng lãnh đạo, nhằm phát huy bản chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ trong điều kiện mới, từ khi ra đời (6-12-1989) đến nay, Hội CCB Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, hoạt động đúng hướng, có hiệu quả. Các cấp Hội thường xuyên chăm lo giáo dục, bồi dưỡng cho cán bộ, hội viên kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH; kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh; quán triệt và thực hiện nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hội tập hợp, đoàn kết, hướng dẫn hội viên kiên quyết đấu tranh chống các âm mưu, hành động phá hoại của các thế lực thù địch, các quan điểm sai trái phản động; tham gia tích cực, có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ XHCN.
Phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ là đội quân sản xuất, đội quân công tác, với tinh thần đoàn kết thương yêu giúp đỡ đồng chí, đồng đội “lúc thường cũng như lúc ra trận”, Hội CCB tổ chức, động viên hội viên nêu cao ý chí tự lực tự cường, đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, vươn lên thoát khỏi đói nghèo, nâng cao đời sống; góp phần tích cực vào thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội và công tác xóa đói giảm nghèo trong cả nước; làm tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, hoạt động từ thiện, giúp đỡ đồng bào, đồng chí lúc khó khăn, hoạn nạn. Hội cũng đã tích cực tham gia có hiệu quả các chương trình, các cuộc vận động do T.Ư và các địa phương phát động như: “Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “CCB Việt Nam tham gia giữ gìn TT, ATGT”, chương trình “Xóa đói giảm ghèo, xóa nhà tạm, nhà dột nát”. Với phương châm “CCB nêu gương sáng, hiến kế, hiến công vì quê hương đất nước”, nhiều CCB đã hiến đất, góp tiền làm đường, trường học, nhà văn hóa… được nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Đặc biệt, hai năm qua, khi dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề đến tính mạng người dân và đời sống xã hội, CCB đã không quản tuổi cao, sức yếu, vẫn xung phong ra tuyến đầu tham gia chống dịch và đóng góp hơn 720 tỷ đồng cho Quỹ phòng, chống dịch… là minh chứng sống động cho nét đẹp của Bộ đội Cụ Hồ vẫn tiếp tục tỏa sáng ở đội ngũ CCB…
Ghi nhận, biểu dương vai trò, đóng góp của CCB cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tại Đại hội toàn quốc Hội CCB Việt Nam lần thứ VI (12-2017) Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “…Những kết quả công tác và thành tích mà Hội CCB Việt Nam đạt được trong thời gian qua là rất đáng trân trọng. Đảng và Nhà nước đánh giá cao hoạt động và đóng góp của Hội CCB Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các đồng chí xứng đáng là một chỗ dựa tin cậy của cấp ủy, chính quyền và nhân dân…”.
Hình ảnh, những giá trị của Bộ đội Cụ Hồ được các CCB kế thừa, phát huy và tiếp tục tỏa sáng là cơ sở, niềm tin để Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chúc: “Cựu chiến binh, Cựu quân nhân Việt Nam luôn luôn là Bộ đội Cụ Hồ, mãi mãi là Bộ đội Cụ Hồ”!
Duy Nguyễn