Ông nhập ngũ năm 1965, tham gia kháng chiến chống Mỹ tại địa phương, sau đó chuyển sang ngành bưu điện cho đến khi nghỉ hưu. Định cư trên đất Quán Triều, tuy mang danh là người thành phố nhưng cuộc sống vẫn còn rất nhiều khó khăn. Với bản lĩnh của anh bộ đội Cụ Hồ, không lùi bước trước khó khăn thử thách, không cam chịu cuộc sống khó khăn, ông đã tìm mọi cách để thoát nghèo.
Qua theo dõi trên ti vi và sách báo về những tấm gương vượt khó đi lên làm giàu, đặc biệt là những gương CCB làm kinh tế giỏi, ông đã “khăn gói quả mướp” đi khắp các vùng miền để học hỏi các mô hình kinh tế trang trại. Năm 2004, ông và người con trai đã rong ruổi xuống tận Hải Dương, Hải Phòng để thăm quan những trang trại nuôi cá sấu, nuôi cá nước ngọt, rồi đến Bắc Giang xem mô hình nuôi chồn nhung… nhưng ông suy đi , tính lại nuôi con gì cho phù hợp với đồng vốn ít ỏi và diện tích đất không nhiều lắm. Năm 2007, được người bạn mách bảo ở tỉnh Hà Giang, Điện Biên có mô hình nuôi nhím rất đơn giản mà đem lại hiệu quả kinh tế cao. Sau đó ông lại cùng người con trai “ rong ruổi” lên huyện Bắc Quang- tỉnh Hà Giang và đến tận Điện Biên để học hỏi kinh nghiệm nuôi nhím. Sang năm 2008, sau khi đã nghiên cứu kĩ thuật chăm sóc và đầu ra, đầu vào của con nhím một cách rất kỹ lưỡng, ông đã quyết định đầu tư vào nuôi nhím. Ra ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Mỏ Bạch, TP Thái Nguyên đề xuất việc nuôi nhím, ngân hàng chỉ cho vay 30 triệu đồng. Nhưng tại thời điểm đó, với số tiền ấy chỉ mua được một đôi nhím là hết vốn.
Việc đã quyết không thể dừng, ông bàn với vợ là đi vay họ hàng, anh em được tổng số tiền 200 triệu. Ông dành toàn bộ số tiền ấy mua được 14 con nhím giống ( 4 con đực, 10 con cái), sau một năm chăm sóc đúng kĩ thuật, năm 2009, ông thu được hơn 500 triệu từ tiền bán nhím giống, năm 2010 ông thu được 700 triệu. Thành công bước đầu ngoài sức tưởng tượng, ông trả được hết tiền vay gốc và lãi, và còn “tậu” được một chiếc xe tải trị giá hơn 300 triệu để phục vụ cho việc vận chuyển thực phẩm cũng như vận chuyển nhím giống cho khách được chủ động.
Hiện tại, trong trang trại nhím của ông có đến hơn 50 cặp nhím bố mẹ và khoảng 50 nhím con, trị giá hàng tỷ đồng. Giá nhím trên thị trường hiện nay, đối với nhím giống khoảng 17 đến 18 triệu một đôi, còn nhím thịt thì giá từ 450 nghìn đến 500 nghìn/1 kg thịt hơi. Trọng lượng của nhím thường từ 20 đến 25 kg. Nhím tăng trưởng cũng rất nhanh, chỉ khoảng 6 tháng là nhím đã trưởng thành và cho thịt được. Còn nhím con, sau khi sinh chỉ 2 tháng là xuất chuồng được.
Thức ăn cho nhím cũng rất đơn giản, nhím chỉ ăn các loài rau củ quả như bí đỏ, ngô, thóc, các loại rau xanh… là những thức ăn rất dễ kiếm. Do nhím là loài gặm nhấm nên cũng rất ít khi bị bệnh. Chuồng trại cho nhím cũng rất đơn giản, mỗi ô chỉ cẩn từ 0,5 – 1m2 làm bằng cũi sắt, tường bao không phải xây kiên cố, tường xây có chiều cao từ 1,2 – 1,5m, chiều cao của mái khoảng 2 – 2,2 m, tấm lợp bằng phi – bờ- rô – xi – măng là tốt nhất, để giữ cho nhím ấm áp vào mùa đông, thoáng mát vào mùa hè.
“Hiện tại, mô hình chăn nuôi nhím đang bắt đầu manh nha ở một vài địa phương. Hiệu quả của mô hình này hiện đang mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, bây giờ thịt nhím chỉ được bày bán ở những thành phố lớn và ở những nhà hàng sang trọng, món ăn dành cho những người nhiều tiền. Trong khi chăn nuôi nhím phù hợp với nhiều vùng miền ở nước ta, diện tích không cần rộng lắm, tiền vốn cũng không cần nhiều như nuôi một số loài động vật khác. Hy vọng trong tương lai không xa, mô hình chăn nuôi nhím sẽ được nhân rộng, giá thịt nhím cũng không quá cao, để mọi người ai cũng có thể thưởng thức được”. Đó là lời tâm sự của CCB Dương Thế Bảo, đồng thời cũng thay cho lời kết bài viết này.
Quốc Hưng