
CCB U Hơn (thứ bảy phải sang) ở xã Đăk Kôi, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum nói chuyện truyền thống tại di tích H16 với đoàn viên thanh niên.
Xác định công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và xuyên suốt của toàn Hội, trong những năm qua, các cấp Hội CCB Việt Nam và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh luôn luôn quan tâm, chú trọng thực hiện các hoạt động giáo dục lý tưởng cách mạng, truyền thống yêu nước cho đoàn viên thanh niên và học sinh.
Một trong bốn nhiệm vụ trọng tâm được hai đơn vị thường xuyên phối hợp triển khai thực hiện là tăng cường bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, giáo dục chính trị tư tưởng, truyền thống yêu nước và ý thức cảnh giác cách mạng cho đoàn viên, thanh thiếu nhi.
Trong giai đoạn 2023-2028, T.Ư Hội CCB Việt Nam và T.ƯĐoàn TNCS Hồ Chí Minh ký kết Chương trình phối hợp hoạt động về “Tăng cường bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, xung kích xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Với tinh thần đó, Hội CCB và Đoàn Thanh niên ở các cấp cũng triển khai ký kết chương trình phối hợp và tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, nhiều mô hình hay mang lại giá trị cho cộng đồng, xã hội; thực hiện tốt công tác giáo dục truyền thống, lý tưởng cách mạng trong cán bộ, đoàn viên, hội viên. Tiêu biểu như mô hình: “Ông kể cháu nghe”, “Bí thư Đoàn danh dự”, “Hành quân về nguồn”, “Thắp nến tri ân các Anh hùng liệt sĩ”... Hai bên phối hợp hiệu quả trong công tác xây dựng tổ chức Đoàn, Hội và xây dựng Đảng, chính quyền các cấp; thường xuyên phối hợp tìm kiếm, phát hiện, theo dõi, giúp đỡ đoàn viên ưu tú giới thiệu với cấp ủy, chi bộ cơ sở xem xét, kết nạp vào Đảng.
Trung tướng Khuất Việt Dũng - Phó chủ tịch Hội CCB Việt Nam cho biết: “Làm tốt công tác giáo dục lịch sử truyền thống sẽ tạo động lực tích cực, giúp thế hệ trẻ hiểu đúng, tự hào, trân trọng về truyền thống cách mạng; rèn luyện bản lĩnh chính trị, sống có lý tưởng. Để từ đó xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương điển hình trong học tập, nghiên cứu, lao động, sản xuất, bảo vệ Tổ quốc, góp phần viết tiếp trang sử hào hùng của Đảng. Bằng những việc làm thiết thực, cán bộ, hội viên CCB ở các cấp đã và đang góp phần khẳng định vai trò, trách nhiệm của mình trong thời đại mới. Chương trình phối hợp giữa Hội CCB Việt Nam và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là sự trao truyền, gắn kết của thế hệ đi trước cho tuổi trẻ để cùng làm sáng lên sắc xanh màu áo của Bộ đội Cụ Hồ và màu áo xanh tình nguyện trong công cuộc xây dựng quê hương, đất nước”.
Tại tỉnh Kon Tum, Hội CCB và Đoàn Thanh niên phối hợp với chính quyền cùng cấp duy trì tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩ, thiết thực như: Gặp mặt, giao lưu, nói chuyện truyền thống giữa CCB từng tham gia kháng chiến giải phóng dân tộc với đoàn viên thanh niên và học sinh; thăm các di tích lịch sử nhân các ngày lễ của đất nước và các sự kiện trong đại của địa phương; thăm hỏi, tặng quà gia đình thương binh, liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng và người có công với cách mạng nhân dịp ngày lễ, Tết; thăm hỏi, tặng quà, động viên thanh niên lên đường nhập ngũ; gặp gỡ, vận động số thanh niên hoàn thành nghĩa vụ ra quân tham gia tổ chức Hội CCB…
Năm 2024, các cấp Hội CCB trong huyện Nông Cống (Thanh Hóa) phối hợp với Đoàn thanh niên, các nhà trường tổ chức tuyên truyền giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ và học sinh, đã phát trên đài truyền thanh của huyện, xã được 28 tin, bài. Tổ chức tuyên truyền giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ 28 buổi với 7.000 lượt học sinh tham gia. Tại các buổi gặp mặt, bằng kiến thức, kinh nghiệm và những trải nghiệm thực tế, các CCB đã chia sẻ, trò chuyện giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về lịch sử đấu tranh, truyền thống anh hùng cách mạng của các thế hệ người dân Việt Nam trong đấu tranh xây dựng, bảo vệ đất nước cả trong chiến tranh và thời bình. Nhiều CCB mặc dù tuổi đã cao, nhưng vẫn tích cực với công tác “truyền lửa” yêu nước, tinh thần xung kích của thanh niên cho các thế hệ trẻ trên địa bàn…
Còn tại phường Vạn Thạnh (Nha Trang, Khánh Hòa), Đoàn phường phối hợp với Hội CCB tổ chức giáo dục truyền thống, lịch sử cho đoàn viên, thanh niên theo hình thức "mắt thấy, tai nghe", đẩy mạnh hoạt động về nguồn, kết nạp đoàn tại địa chỉ đỏ, đến thăm, trò chuyện với nhân chứng lịch sử... Chuyển đổi số, mạng xã hội mang lại nhiều thuận lợi cho công tác tuyên truyền, giáo dục thanh thiếu nhi, nhưng thách thức đi kèm là các bạn cũng có thể tiếp cận thông tin xấu độc, thiếu kiểm chứng. Vì vậy, việc trang bị kỹ năng phòng tránh tin xấu độc, cung cấp thông tin chính thống, triển khai nhiều nội dung thu hút thanh thiếu nhi trên không gian mạng trở nên rất cần thiết.
Đồng chí Ngô Văn Cương - Bí thư T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư Đoàn khẳng định: “Trong giai đoạn hiện nay, để thế hệ trẻ tiếp cận và hiểu biết hơn về lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của ông cha cần đặc biệt quan tâm công tác giáo dục truyền thống để hình thành tư tưởng, tình cảm của tuổi trẻ. Qua đó, giúp thế hệ trẻ có nhận thức đúng đắn về lịch sử, thêm yêu quê hương đất nước, niềm tự hào dân tộc; tiếp tục phát huy truyền thống, đạo lý tốt đẹp “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”. Cùng với việc giáo dục lý tưởng đạo đức, truyền thống cách mạng, Đoàn Thanh niên còn tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, tạo điều kiện cho đoàn viên, thanh thiếu niên trưởng thành và cống hiến với nhiều phong trào như: Tuổi trẻ sáng tạo, Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc, “Nghĩa tình biên giới hải đảo”…; và các chương trình đồng hành cùng thanh niên trong học tập, khởi nghiệp, lập nghiệp…”.
Trong bối cảnh mới, đòi hỏi mỗi người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ cần có một nhận thức mới về nguồn lực và động lực của sự phát triển đất nước, không ngừng kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước Việt Nam, bổ sung những giá trị yêu nước mới của dân tộc và thời đại, nhằm xây dựng hệ thống lý luận yêu nước hiện đại, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam hiện nay.
Sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin đầu thế ký XXI và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo nên không gian mạng cùng với nguồn tài nguyên tri thức số cực lớn và phong phú. Tuy nhiên, cần có ý thức phân biệt những thông tin lành mạnh, hữu ích, có hàm lượng tri thức cao để phục vụ lợi ích cá nhân, đơn vị, tập thể trong học tập, nghiên cứu khoa học, phát triển kinh tế, văn hóa và có trách nhiệm bảo vệ “vùng lãnh thổ đặc biệt” của Tổ quốc trên không gian; đồng thời kiên quyết loại bỏ, phản bác các loại thông tin xấu độc, luận điệu chống phá, xuyên tạc các vấn đề lý luận và thực tiễn về đường lối đối mới của Đảng ta, đất nước ta. Trong quá trình đổi mới, phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, giáo dục nói chung và giáo dục đạo đức truyền thống bên cạnh những điều kiện thuận lợi và cơ hội là không ít thách thức, khó khăn đặt ra. Trong đó có những khó khăn, thách thức chưa có tiền lệ; có những khoảng cách khó phân định giữa cái đúng và cái sai, giữa giá trị và phản giá trị, văn hóa và phản văn hóa... Vì vậy, trau dồi, bồi dưỡng truyền thống yêu nước sẽ đưa không gian mạng thành “hệ sinh thái” lành mạnh, nhân văn, tiến bộ, là “tấm lá chắn phòng thủ” vững chắc trước những luận điệu xuyên tạc chống phá Đảng và Nhà nước.
Truyền thống yêu nước Việt Nam là một giá trị tinh thần thiêng liêng, cao quý của dân tộc, nhưng tự nó không thể thấm sâu vào suy nghĩ và định hướng tư tưởng, hành động nếu như những truyền thống quý báu đó không được trao truyền cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Vì vậy, Hội CCB Việt Nam và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh luôn coi đây là một nhiệm vụ vừa có ý nghĩa cấp bách, vừa có ý nghĩa chiến lược lâu dài để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hồ Thanh Hương