Chiến dịch Tiên Phước - Phước Lâm (Quảng Nam) bắt đầu ngày 10-3-1975 là bước đột phá có tính chiến lược, làm cơ sở giải phóng Tam Kỳ - Chu Lai, tạo thế bao vây tấn công Đà Nẵng. Cấp trên đã thông báo với chúng tôi đại thể như vậy. Trước khi đánh vào Tiên Phước - Phước Lâm, ngày 22-12-1974, tại thôn 2, Tân Thuận thuộc Hiệp Đức, dưới một cánh rừng già,, Trung đoàn 368 được thành lập. Trung đoàn gồm Tiểu đoàn 11, Tiểu đoàn 12 pháo mang vác, Tiểu đoàn 13 và Tiểu đoàn 14 pháo cao xạ 37mm và 12,7mm. Ban Chỉ huy trung đoàn lúc đó có đồng chí Hồ Hoành - Trung đoàn trưởng, đồng chí Trần Quán - Chính ủy…
Tiểu đoàn 11, anh Cát - Tiểu đoàn trưởng, anh Hồ - Chính trị viên; hai anh đều người Nghệ Tĩnh.
Tiểu đoàn 12, anh Nguyễn Văn Huấn làm Tiểu đoàn trưởng. Tôi là Chính trị viên, Bí thư Đảng ủy tiểu đoàn. Anh Huấn quê Nam Định, người cao gầy, hay cười, nhưng quá cẩn thận tới mức tỉ mỉ...
Trung đoàn 368 thành lập được vài tháng thì nhận lệnh hành quân đánh Tiên Phước - Phước Lâm.
Toàn bộ chiến dịch, ở cấp tiểu đoàn, chúng tôi được trên phổ biến có giới hạn. Đó là quân lỵ Tiên Phước - Phước Lâm, xung quanh có rất nhiều vị trí đóng quân của địch. Chúng coi nơi đây là hệ thống chốt tiền tiêu, bảo vệ vòng ngoài cho Đà Nẵng và Chu Lai. Lực lượng địch ở đây có khoảng 6 tiểu đoàn, gồm các đơn vị bảo an, các đại đội độc lập và vài chục trung đội nghĩa quân, được bố trí thành 74 điểm, với khoảng 3.000 quân. Để bảo vệ, ứng cứu cho Tiên Phước - Phước Lâm khi bị ta tiến công, còn có một số điểm đóng quân khác của địch ở Tuần Dương, Thăng Bình, Tam Kỳ và khu sân bay Kỳ Bích.
Đúng giờ “G”, các mũi, hướng đồng loạt nổ súng. Sau khi được pháo binh chế áp các tụ điểm đóng quân của địch, nhất là Tiên Phước, Phước Lâm, bộ binh ta từ các mũi, các hướng nổ súng xông lên.
Có một chuyện mà tôi và anh em nhớ mãi, đó là dùng tên lửa ĐKB bắn trực tiếp vào căn cứ địch trong quận lỵ. Đạn tên lửa thường sai số nhiều so với đạn pháo có rãnh xoắn. Khi đánh Tiên Phước, chúng tôi trao đổi với nhau mình chiếm thế thượng phong về pháo binh, vì các trận địa pháo đều ở cao hơn vị trí đồn trú của địch, nên bắn và sửa đều trực tiếp.
Cự ly bắn của ĐKB xa hơn thì 10km, gần cũng 5km vả lại tên lửa theo lý thuyết của Liên Xô dạy cho chúng tôi để bắn theo sào, mẫu, rất khó trúng khi bắn một mục tiêu độc lập. Nhưng trên cho bắn lại hướng dẫn chúng tôi cột thêm cọc và dây vào quả đạn để hạn chế tầm bắn của đạn. Đang chiến đấu, chúng tôi lại được bổ sung ĐKF; đây là loại đạn được ta nghiên cứu bổ sung thêm thuốc nổ để ĐKB cõng theo… Cách bắn vẫn như ĐKB, chỉ khác là bổ sung thêm thuốc nổ nên không dùng gậy chống mà phải đắp các ụ đất, rồi dùng các dụng cụ bắn pháo tính toán góc tầm, góc tà và tính độ rạt cho đạn.
Lần phát hỏa đầu tiên, chúng tôi chuẩn bị 5 quả, khi bắn chỉ đi 4 quả. Một trong 4 quả sau khi điểm hỏa không bay theo hướng mục tiêu mà bay ngang; chúng tôi phải hô bộ đội xuống hầm đề phòng đạn chạm vào cây, gây nổ. Ba quả còn lại nhằm theo hướng mục tiêu bay tới. Theo quan sát của chúng tôi thì không quả nào trúng mục tiêu định bắn. Địch có lẽ vừa lạ lẫm với vũ khí mới của ta, vừa ngạc nhiên, nếu không nói là khiếp sợ bởi tiếng nổ rất to của nó. Đánh chiếm xong mục tiêu, chúng tôi cũng ngạc nhiên, khi quan sát hố đạn, đường kính phải rộng tới 7-8m, sâu gần 2m. Nếu quả đạn ấy mà trúng lô cốt thì coi như xóa sổ.
Sau này, qua các đồng chí phái viên của Sư đoàn nói lại thì uy lực của ĐKF thật kinh khủng. Ta bắn có mấy quả mà quân ngụy nghe tiếng nổ, rồi nhìn thấy hố đạn, đã vội vã rút lui. Còn chúng tôi lại nghĩ là chúng rút chạy là do pháo binh ta kéo pháo lên cao, đưa pháo vào gần, ngắm bắn trực tiếp, tiếng đạn rít rất căng, tốc độ nhanh, nổ đanh, cộng với sự ngoan cường dũng cảm của bộ binh, nên bọn địch không chống cự nổi, phải bỏ chạy. Tất nhiên, tiếng nổ và các hố đạn to, sâu như hố bom tấn cũng làm cho địch khiếp sợ hơn, phải chuồn sớm.
Có chuyện rất vui là trong lúc đang diễn ra trận đánh, tôi gặp anh Viện cũng người Hà Tây. Hình như lúc đó, anh Viện là Tiểu đoàn trưởng của một tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 31? Gặp lính pháo là đồng hương, anh nói đùa với tôi: “Các ông nện pháo vào lưng tôi, may mà tôi không chết, nên tôi hô quân chiếm 211”. Tôi cười bảo: “Ông đừng có vu oán giá họa cho tôi. Biết ông là đồng hương, nên bọn tôi bắn bách phát bách trúng cho quân ông ưỡn ngực đi lên nhặt ống bơ…!”. Nói vui, tán gẫu cho quên đi cái gian khổ và chết chóc rình rập hằng ngày…
Vậy là Tiên Phước - Phước Lâm đã được giải phóng. Một tuyến phòng thủ Đà Nẵng, Chu Lai từ xa bị chúng ta phá nát. Một vùng rộng lớn đã về ta. Bộ đội, nhân dân đi lại thật sướng; pháo của địch thì xa không bắn tới; bom đạn, máy bay lại đang lo đối phó với ta ở mặt trận Đà Nẵng.
Giải phóng Tiên Phước - Phước Lâm xong, chúng tôi nhận lệnh trên qua máy 15w, phải đánh qua Phú Ninh rồi tiến thẳng xuống thị xã Tam Kỳ. Trận đánh Phú Ninh, tôi không tham dự, nhưng Tiểu đoàn tôi bị một đại đội ngụy gây khó khăn, hy sinh 3 đồng chí. Do lệnh trên đôn đốc phải hết sức khẩn trương, chúng tôi hiệp đồng qua vô tuyến điện và xác định trên bản đồ mà tiến. Không khí lúc đó, ai cũng nghĩ thắng đến nơi rồi.
Trung tướng Phùng Khắc Đăng