Như Báo CCB Việt Nam đã thông tin về vụ việc, năm 1986, CCB Đoàn Bá Lạc trú tại phường Bình Hàn cho cháu là Đoàn Bá Nhất (con của anh trai ruột) đến ở nhờ. Ông giấu giếm vợ con viết giấy vờ cắt đất để tạo điều kiện cho cháu cưới vợ. Sau đó, người cháu giả chữ ký hòng chiếm đoạt số đất này. Vụ việc sau đó được khiếu nại ra cơ quan chức năng TP. Hải Dương.
Ngày 17-8-2004, Chủ tịch UBND TP. Hải Dương-Nguyễn Đức Thăm ký Quyết định giải quyết khiếu nại số 1213/QĐ-UB, xác định Quyền sở hữu thửa đất số 96 tờ bản đồ số 4 diện tích 300m2, tại phường Bình Hàn là của ông Lạc và bà Trần Thị Còi (vợ ông Lạc). Đồng thời hủy đơn xin tách đất của ông Đoàn Bá Lạc cho anh Đoàn Bá Nhất do vi phạm các quy định của pháp luật. Phần đất 133m2 anh Đoàn Bá Nhất đang sử dụng thuộc thẩm quyền sử dụng hợp pháp của ông bà Đoàn Bá Lạc. Ông Đoàn Bá Nhất phải có trách nhiệm trả lại phần đất trên. Tuy nhiên, sự việc không dừng lại ở đó, ông Đoàn Bá Nhất tiếp tục có đơn khiếu nại lên UBND tỉnh Hải Dương. Ngày 25-4-2005, Thanh tra tỉnh Hải Dương có Kết luận số 251/KL-XKT về xác minh đơn khiếu nại của ông Đoàn Bá Nhất. Theo kết luận này, Thanh tra tỉnh Hải Dương tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương khi đó là ông Bùi Thanh Quyến ký quyết định hủy quyết định của Chủ tịch UBND TP. Hải Dương, chấm dứt giải quyết đơn của ông Lạc, bà Còi.
Tuy nhiên, ông Lạc, bà Còi liên tục có đơn thư tố cáo gửi các cơ quan chức năng từ T.Ư đến địa phương trong suốt hằng chục năm qua. Gần đây, sau nhiều lần có đơn thư, UBND tỉnh Hải Dương giao cho Thanh tra tỉnh rà soát lại toàn bộ hồ sơ vụ việc. Sau khi xem xét báo cáo của Thanh tra tỉnh, ngày 5-11-2016, UBND tỉnh Hải Dương có Văn bản số 3177/UBND-VP trả lời đơn, nhưng ông Đoàn Bá Lạc, bà Trần Thị Còi cho rằng nội dung trả lời của UBND tỉnh Hải Dương là chưa thỏa đáng, không sát với nội dung khiếu nại.
Xung quanh vụ việc, luật sư Đào Liên - Đoàn Luật sư Hà Nội phân tích: Căn cứ vào những tài liệu của gia đình ông Lạc cung cấp, cho thấy gia đình ông Lạc đã được công nhận quyền sử dụng đất thông qua việc ghi nhận trong hồ sơ địa chính. Việc đề nghị chính quyền cho phép tách một phần đất (133m2) cho anh Nhất sử dụng làm nhà ở, sau đó anh Nhất có tiếp nhận đất và sử dụng làm nhà ở, được hiểu hai bên đã đạt được sự thỏa thuận, theo đó ông Lạc đã chuyển giao, ông Nhất đã nhận chuyển giao và sử dụng đất. Vấn đề là cần xác định việc chuyển giao đất giữa hai bên diễn ra như thế nào, đây là giao dịch tặng cho, hay mua bán, hay cho mượn.
Còn căn cứ vào đơn trình bày của hai bên và kết quả xác minh, giải quyết đơn của các cấp chính quyền có thể xác định, giữa hai bên có thỏa thuận chuyển giao quyền sử dụng đất nhưng thỏa thuận này chưa thoả mãn về hình thức; về chủ thể; hiện đang có tranh chấp.
“Theo quan điểm của chúng tôi, trong trường hợp có căn cứ xác định đây là quan hệ tặng cho thì giao dịch không thoả mãn chủ thể vì quyền sử dụng đất là tài sản chung của ông Lạc, bà Còi, khi xác lập quan hệ tặng cho phải được hai bên vợ chồng thống nhất và cùng ký.
Tuy nhiên, năm 2005, gia đình bà Còi có khiếu nại liên quan đến việc đòi lại đất, Thanh tra TP. Hải Dương đã xác minh, làm rõ văn bản xin tách thửa không phải là chữ ký của bà Còi. Mặt khác, nếu coi việc tặng cho giữa ông Lạc và anh Nhất đã hoàn thành thì chưa đúng, bởi lẽ, hiện nay anh Nhất chưa đăng ký quyền sử dụng đất với cơ quan chức năng do ông Lạc, bà Còi không đồng ý. Văn bản giải quyết mối quan hệ này như cơ quan chức năng dẫn chiếu là Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP chỉ điều chỉnh hồ sơ chuyển nhượng, không đề cập giao dịch tặng cho. Do vậy, không thể căn cứ văn bản này để giải quyết quan hệ tặng cho này, cần thiết phải xem lại chủ quyền cho ông Lạc với quyền sử dụng đất” - LS Liên nhìn nhận.
Mặt khác, nếu cho là quan hệ mua bán thì xét về chủ thể giao dịch cũng không thoả mãn yếu tố chủ thể, bởi bà Còi không nhất trí, không ký xác nhận giao dịch; luật pháp thời điểm đó cũng cấm mua bán đất đai. Hiện nay bà Còi vẫn không đồng ý thì cần phải xác định một nửa quyền sử dụng đất trong diện tích đất trên phải trả lại bà Còi. Với phần còn lại, chiểu theo Nghị quyết 02/2004, giả sử có hiệu lực thì bên nhận chuyển nhượng phải thanh toán cho bên chuyển nhượng tương ứng với giá thị trường tại thời điểm hiện tại.
Còn trong trường hợp có căn cứ xác định đây là quan hệ cho mượn thì cần thiết phải trả lại, Nghị quyết 02 không điều chỉnh trong trường hợp này.
Theo luật sư Đào Liên, để giải quyết dứt điểm vụ việc này có hai cách: Một là, gia đình ông Lạc, bà Còi gửi đơn đề nghị được rà soát theo Kế hoạch 2100/KH-TTCP của Thanh tra chính phủ về việc: “Tiếp tục kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng”; khi đó sẽ có các sở, ban, ngành tỉnh Hải Dương cùng vào giải quyết một cách khách quan hơn. Hai là, gia đình ông Lạc, bà Còi đã sử dụng quyền khiếu nại trong thời gian qua để bác quyền sử dụng của vợ chồng anh Nhất với 133m2, nếu không đồng ý để cơ quan thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho vợ chồng anh Nhất, để giải quyết tranh chấp này, gia đình ông Lạc, bà Còi có quyền khởi kiện vụ việc ra toà án đòi lại tài sản.
Bài và ảnh: Doanh Chính