Tuy nhiên, từ chức ở ta đâu có dễ! Vậy nên, trên diễn đàn kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV vừa qua, đại biểu Nguyễn Anh Trí đã chất vấn Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình rằng, việc “chủ động từ chức khi không còn uy tín”, sẽ được thực hiện ra sao?
Ông Trương Hòa Bình cho rằng, từ chức là vấn đề mới và rất rộng, không chỉ trong Chính phủ, mà còn ở trong cơ quan Đảng, Quốc hội. Sau Nghị quyết Trung ương 8 Khóa XII, Quốc hội, Chính phủ sẽ cụ thể hóa vấn đề từ chức ở các văn bản quy phạm pháp luật. Trong Luật Cán bộ, công chức có quy định 5 hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức. Riêng với cán bộ lãnh đạo thì có hình thức bãi nhiệm, miễn nhiệm chứ chưa có quy định rõ về hình thức từ chức.

Như vậy, chúng ta còn phải chờ đợi một thời gian nữa, để các cơ quan chức năng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề từ chức. Nhưng kể cả xây dựng được bộ quy định này thì văn hóa từ chức vẫn còn là điều xa xôi.

Bởi lẽ, tâm lý truyền thống của người Việt Nam là “một người làm quan cả họ được nhờ”. Dân trí có phát triển đến đâu, hệ thống pháp luật có hoàn thiện đến mấy thì tâm lý truyền thống ấy vẫn rất khó thay đổi. Hơn nữa, có hiện tượng cán bộ, công chức trong bộ máy của chúng ta hiện nay có người để được “chiếc ghế” trong hệ thống chính trị đã phải bỏ ra một khoản đầu tư chi phí đầu vào. Đây là điều thật đau xót! - chính Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra điều này tại buổi tiếp xúc cử tri. Ngày 24-11-2018, khi tiếp xúc cử tri Hà Nội, ông đã thẳng thắn cho rằng, tới đây, cả hệ thống chính trị cần “tập trung vào chống tham nhũng vặt, nó như ghẻ ruồi, rất khó chịu. Đến cửa nào cũng phải tiền, không tiền không trôi”.

Nếu cán bộ, công chức phải “đầu tư cho đầu vào” thì chúng ta khó lòng trông mong họ chủ động từ chức. Vì vậy, xây dựng văn hóa từ chức là cần thiết nhưng phải có lộ trình, phù hợp với từng nấc thang phát triển của nền dân chủ XHCN cũng như tiến trình hoàn thiện pháp luật. Nóng vội trong xây dựng văn hóa từ chức cũng sẽ gây hậu quả tai hại cho xã hội.

Hồng Nguyễn