Múa xòe quạt của dân tộc Thái tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Tham dự Hội thảo có lãnh đạo Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Hội Văn học nghệ thuật các DTTS Việt Nam, Hội Văn học nghệ thuật các tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Yên Bái, Lào Cai, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên và Lai Châu.

Với chủ đề “Văn học nghệ thuật với đời sống văn hóa xã hội miền núi và dân tộc”, Hội thảo nhằm thúc đẩy các hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật trong khu vực, tạo không khí thi đua, tăng cường sự hiểu biết về vùng đất, con người và bản sắc văn hóa ở mỗi địa phương trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc. Qua đó, không ngừng hợp tác giúp nhau đẩy mạnh các hoạt động văn hóa văn nghệ, tạo nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị các địa phương.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tham luận nêu khái quát về bản sắc văn hóa dân tộc của từng địa phương; khó khăn, thuân lợi và vai trò của văn học nghệ thuật trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; đồng thời chia sẻ nhiều ý tưởng, kinh nghiệm về giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong sáng tạo văn học nghệ thuật.

Nhiều ý kiến tại Hội thảo cho rằng, ngoài việc giữ gìn, cần bảo tồn và phát huy thêm giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, có các phương pháp, nghiên cứu, sưu tầm và nâng cao chất lượng các tác phẩm văn học nghệ thuật; khuyến khích các văn nghệ sĩ là người DTTS sáng tác các tác phẩm văn học bằng tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình, tạo môi trường nuôi dưỡng cảm hứng sáng tạo cho các văn nghệ sĩ... Bởi, qua mỗi tác phẩm, bạn bè trong nước và thế giới thêm hiểu biết, yêu mến con người, cảnh vật, phong tục tập quán của đồng bào DTTS. Đồng thời, đưa ra các giải pháp và định hướng để tiếp tục giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong sáng tạo văn học nghệ thuật cho phù hợp với xu thế hiện tại.

Quốc Hồng