Trải qua một năm phấn đấu quyết liệt, vượt qua nhiều thử thách cam go của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu, thiên tai nặng nề liên tiếp xảy ra, đất nước đã vượt lên, đạt nhiều thành tựu to lớn. Kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng, đạt được mức tăng vượt chỉ tiêu của Quốc hội đề ra, xã hội ổn định, quốc phòng an ninh được tăng cường, vị thế quốc tế của Việt Nam được nâng cao qua việc nước ta làm Chủ tịch luân phiên của ASEAN… Tuy nhiên, rất nhiều vấn đề còn nổi cộm, gây bức xúc dư luận xã hội.

Đó là việc nền kinh tế phát triển chưa bền vững, vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro mà điển hình là biến động chóng mặt của giá cả, tiền tệ và vàng. Đó là việc ký kết và thực hiện nhiều dự án đầu tư không tính đến hậu quả về chính trị, an ninh quốc phòng như việc cho nước ngoài thuê đất rừng đầu nguồn, rừng sát biên giới và mặt biển. Đó là dự án khai thác và chế biến bô-xít Tây Nguyên có thể tác động xấu đến môi trường và an sinh xã hội. Đó là các tập đoàn kinh tế lớn làm ăn thua lỗ, không làm tròn vai trò đầu tàu thúc đẩy nền kinh tế phát triển mà gây ra gánh nặng nợ nần. Đó là sự bất cập về chính sách cơ chế và chế độ trách nhiệm rất chậm được phát hiện và sửa đổi, bổ sung. Trong rất nhiều vấn đề nóng bỏng thì vấn đề Vinashin thể hiện rõ nét nhất sự chỉ đạo quản lý còn bất cập của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương, sự phân định rất mù mờ về trách nhiệm, tình trạng “cha chung không ai khóc” và nạn tham nhũng tiêu cực nghiêm trọng. Dư luận đồng tình, đánh giá cao việc Quốc hội thẳng thắn, có trách nhiệm khi chất vấn Thủ tướng, các bộ trưởng về vấn đề Vinashin. Mặc dù chủ trương tái cơ cấu Vinashin là cần thiết, đúng đắn và đã có dấu hiệu Vinashin đang phục hồi nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi lớn cần có sự trả lời nghiêm túc. Dư luận đánh giá cao việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận trách nhiệm của Chính phủ và cá nhân Thủ tướng về vụ Vinashin, cam kết Chính phủ đang kiểm điểm sâu sắc các thành viên có liên quan và sẽ công bố công khai cho toàn dân. Nhân dân đồng tình và chờ xem lời nói đi đôi với việc làm của Thủ tướng. Cũng tại các phiên chất vấn tại Quốc hội, dư luận ghi nhận sự trả lời minh bạch của một số bộ trưởng nhưng cũng không đồng tình với một số bộ trưởng khác cố tình vòng vo, né tránh trách nhiệm và biện minh cho sự vô can. Nổi cộm là phát biểu của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Võ Hồng Phúc rằng trong vụ Vinashin, Bộ không có trách nhiệm gì và đương nhiên không phải chịu trách nhiệm và các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ đều có trách nhiệm về vụ Vinashin. Phát biểu như thế tại diễn đàn Quốc hội thật không còn gì để bàn và tiếng cười ồ của cả hội trường Quốc hội đã nói lên tất cả. Thử hỏi là bộ chủ quản có vai trò quyết định về cấp phép đầu tư và chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực này, lẽ nào Bộ Kế hoạch và Đầu tư không mảy may có trách nhiệm khi con tàu Vinashin bị chìm. Đó là không kể hàng loạt dự án gây bức xúc dư luận như việc cho nước ngoài thuê đất rừng đầu nguồn, thuê mặt biển, thuê đất tại các địa điểm nhạy cảm về an ninh quốc phòng… Chẳng hạn như việc cấp phép tràn lan các dự án sân golf, thực chất là chiếm đất để kinh doanh thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư là bộ phải chịu trách nhiệm đầu tiên. Nhân bàn về trách nhiệm, ở nhiều nước xung quanh ta, thủ tướng, bộ trưởng đã hứa nhưng không làm được, thậm chí chỉ là một phát biểu thiếu cân nhắc đã phải từ chức. Còn tại Việt Nam, xưa nay chưa có tiền lệ vị bộ trưởng, thứ trưởng nào từ chức vì lời hứa hão.

Nhìn thẳng vào sự thật, coi trọng sự thật, dám làm và dám chịu trách nhiệm là yêu cầu đối với mỗi đảng viên, nhất là đảng viên đó lại được phân công nắm giữ các vị trí quan trọng trong bộ máy công quyền. Quốc hội là cơ quan lập pháp, kiểm tra giám sát tối cao, có trách nhiệm kiểm tra, giám sát hoạt động của Chính phủ và các bộ, ngành, đã và đang làm tròn nhiệm vụ được nhân dân tin cậy giao phó.

TRẦN NHUNG