Qua kiểm tra, thấy hầu hết các địa phương có diện tích bỏ hoang là những khu gần đô thị, khu công nghiệp, những chân ruộng xấu, xa làng, do ảnh hưởng của môi trường… Có nhận định cho thấy, tình trạng bỏ hoang ruộng sẽ tiếp tục gia tăng nếu chính sách về ruộng đất không khuyến khích tập trung, tích tụ ruộng đất vào những hộ có khả năng sản xuất quy mô lớn.

Có rất nhiều nguyên nhân khiến nông dân bỏ ruộng: Một số nơi đồng ruộng trũng, đất bạc màu, tưới tiêu không thuận lợi, giao thông nội đồng khó khăn. Bên cạnh đó là giá cả vật tư cao, chi phí dịch vụ tăng trong khi sản phẩm đầu ra phập phù thường bị rớt giá. Sản xuất nông nghiệp không ổn định, thu nhập kém hơn so các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, xây dựng, dịch vụ khác. Tại một số địa phương các cụm công nghiệp, khu công nghiệp phát triển và các hoạt động dịch vụ đã khiến đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, đổi lại các khu vực này đã thu hút hàng trăm nghìn lao động trẻ, dẫn đến tình trạng nhiều địa phương thiếu lao động nông nghiệp, chỉ còn những người sức khỏe kém và người cao tuổi ở nhà làm ruộng: nhiều khu ruộng dân không gieo cấy nhưng cũng không ai thuê mượn bởi có đầu tư sản xuất cũng chưa chắc có lợi nhuận.

Hơn nữa, sản xuất nông nghiệp quá bấp bênh, thu nhập thấp. Cấy lúa hai vụ nếu mưa thuận gió hòa thì mỗi sào lúa cũng chỉ mang lại lợi nhuận khoảng một triệu đồng, cộng thêm làm tốt vụ đông thì mỗi năm người nông dân cũng chỉ thu được khoảng bốn đến năm triệu đồng, chỉ bằng một đến hai tháng làm việc tại các nhà máy trong các khu công nghiệp, nên thanh niên nông thôn hiện nay không mấy người còn muốn gắn bó với những sào ruộng khoán.

"Phi nông bất ổn", hiện tượng nông dân bỏ ruộng tuy chưa phải là phổ biến, nhưng đã tác động không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp và tâm lý người dân khu vực nông thôn, gây lãng phí trong việc sử dụng quỹ đất nông nghiệp và nếu không có giải pháp, chính sách phù hợp sẽ ảnh hưởng đến an ninh lương thực. Vì vậy, ngày 10-6-2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 899/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Theo đó, ngành trồng trọt sẽ được tái cơ cấu theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế của từng vùng, miền. Đề án một lần nữa khẳng định duy trì và sử dụng linh hoạt 3,8 triệu héc-ta diện tích đất trồng lúa để bảo đảm an ninh lương thực và nâng cao hiệu quả sử dụng đất, sản lượng lúa đạt hơn 45 triệu tấn vào năm 2020, nhưng sẽ tập trung cải tạo giống lúa để nâng cao năng suất, chất lượng gạo; tiếp tục mở rộng diện tích gieo trồng ngô để đạt sản lượng hơn 8,5 triệu tấn, nhằm cung cấp nguyên liệu cho sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp, giảm nhập khẩu.

Vấn đề đặt ra là các bộ, ngành và các địa phương, nhất là ngành nông nghiệp sẽ triển khai thực hiện đề án như thế nào để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, giữ chân nhà nông gắn bó với ruộng đồng.

Kim Loan