Thực tiễn đã chứng minh, nếu ở đâu, người đứng đầu thật sự gương mẫu, trong sáng, chí công vô tư, có trách nhiệm với Đảng với dân, là người sâu sát thì không một cấp dưới nào dám lem nhem, làm điều mờ ám, gây tổn hại đến nhân dân.
Tục ngữ ca dao Việt Nam có câu: “Bề trên ở chẳng kỉ cương”, “cho nên kẻ dưới lập trường mây mưa” (“Tuyển tập 200 câu tục ngữ về truyền thống - đạo lí”).
Câu ca dao phê phán tình trạng những người có vị trí, địa vị cao trong một tập thể không tuân thủ pháp luật, sống buông thả, làm sai, làm bậy, thì cấp dưới sẽ xem thường và làm bậy. Từ đó sinh ra tiêu cực: tham nhũng, lãng phí, quan liêu, cửa quyền, bỏ qua kỷ cương, phép nước... Đó là nguyên nhân gây ra sự bức xúc, giảm niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.
Từ ngàn xưa trong cuộc sống gia đình đã cho hay: phàm là một người trên (người có vai vế trụ cột) trong một nhà, mà ăn ở không ngay thẳng, thật thà, hoặc phẩm chất đạo đức không tốt thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến con cháu, đến mọi người trong nhà. Thành ngữ Việt Nam có câu: “dột từ nóc dột xuống”- người trên mà hư hỏng thì người lớp dưới coi thường. Khuôn phép gia phong sẽ không nghiêm, đạo lý, luân thường sẽ mai một.
Nhãn tiền cho thấy: Trong một nhà mà ông bà, cha mẹ không tốt, không tử tế thì khó mà có được con cháu nên người. Khó mà có được nếp sống đầm ấm hòa thuận. Về mối tương quan trong cuộc sống: Gia đình là “tế bào” của xã hội. Sự việc tốt xấu trong nhà tránh sao khỏi ảnh hưởng đến cộng đồng. Hơn nữa nhân dân ta thường nói: “Có tề gia mới trị quốc”, trong gia đình mà không có kỷ cương nề nếp, cuộc sống không đầm ấm, hòa thuận thì còn mong chi đến việc góp phần vào công cuộc xây dựng quốc kế, dân sinh…
Trong tổ chức cơ quan quản lý xã hội của Nhà nước, mà người trên không chính trực còn làm điều càn bậy thì trật tự kỷ cương mất nghiêm, người cấp dưới sẽ khinh nhờn: “Bởi trên ở chẳng chính ngôi - Cho nên kẻ dưới chúng tôi hỗn hào” (ca dao). Từ chỗ không chính trực mà sinh ra lòng tà, hoặc mắc thói: cửa quyền quan liêu, tham nhũng, hà áp dân thường… Gây nên lòng thất tín, phẫn nộ, rồi dẫn đến dân tình rối loạn… “Tức nước vỡ bờ”.
Quá trình lịch sử xã hội phong kiến đã cho thấy: Triều đình mà chính trực, thanh liêm thì đất nước yên bình. Gia phong mà nền nếp thì thuận hòa, thịnh vượng. Ngược lại: Người có vai trò trọng trách trong xã hội mà không nghiêm minh, không chính trực thì nhân dân không tin, cuộc sống xã hội sẽ trì trệ, rối ren. Người chỉ huy quân sự mà không nghiêm thì “Quân hồi vô phèn”. Người chủ quản kinh tế mà không thẳng thắn, minh bạch thì phá sản, thất nghiệp v.v…
Ngay từ ngày đầu cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm đến việc giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên về chí công vô tư. Người chỉ rõ, khi làm bất cứ việc gì, cũng đừng nghĩ đến mình trước, phải biết lo trước thiên hạ, nhưng vui sau thiên hạ... Đó mới thật sự là người lãnh đạo chí công vô tư. Những phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng đó, Bác Hồ hằng nhắc nhở, đôn đốc cán bộ, đảng viên phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện để có đủ nhân cách phục vụ Tố quốc, phục vụ nhân dân... Cán bộ lãnh đạo càng cao, càng phải nghiêm minh, chính trực, phải là tấm gương trong sáng, mẫu mực để cấp dưới và mọi người noi theo.
Thực tiễn đã chứng minh, trong một cấp, một ngành, một cơ quan đơn vị, người đứng đầu thật sự gương mẫu, trong sáng, chí công vô tư, có trách nhiệm với Đảng với dân, là người sâu sát thì không một cấp dưới nào dám lem nhem, làm điều mờ ám, gây tổn hại đến nhân dân. Chỉ những nơi vai trò người lãnh đạo yếu kém, tư tưởng thoái hóa, đạo đức và lối sống suy thoái, mới nảy sinh nạn tham ô, lãng phí, tham nhũng và hối lộ...Vì vây, vai trò người đứng đầu là hết sức quan trọng, quyết định mọi thành bại một tổ chức, tốt cũng từ đây và xấu cũng từ đây
Tuy nhiên, những năm vừa qua trước tác động mặt trái của nền kinh tế thị trường, các yếu tố phản văn hóa có điều kiện tác động, xâm nhiễm vào cán bộ, đảng viên, dẫn tới “một bộ phận cán bộ, đảng viên bản lĩnh chính trị không vững vàng, suy thoái về tư tưởng chính trị, còn hoài nghi, mơ hồ về mục tiêu, lý tưởng của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Một số ít hoang mang, dao động, mất lòng tin, cá biệt còn phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối đổi mới của Đảng”. Một số cán bộ, đảng viên, trong đó có những cán bộ cao cấp suy thoái về tư tưởng, chính trị vướng vào tham nhũng, tiêu cực, tiếp tay cho buôn lậu để mưu lợi ích riêng. Một số cán bộ vi phạm đến mức phải kỷ luật, xử lý hình sự, trong đó có cả Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương.Tham nhũng đang trở thành nỗi bức xúc của toàn xã hội. Trên các phương tiện thông tin đại chúng, các diễn đàn của Quốc hội, tại các kỳ đại hội Đảng các cấp, nhiều người đã chỉ rõ sự phổ biến của tệ tham nhũng và phê phán gay gắt tệ tham nhũng, gọi tham nhũng là quốc nạn.
Trong giai đoạn hiện nay, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ được Đảng, Nhà nước ta tiến hành đã thu được những kết quả đáng khích lệ, để phát huy những kết quả đó đòi hỏi các cơ quan, đơn vị, mỗi cán bộ, đảng viên phải có quyết tâm chính trị cao, quán triệt, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh để phát triển đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc./.
Vũ Minh Thực
(Phó trưởng ban Tuyên giáo-Phong trào Hội CCB Việt Nam)