Gặp anh trong một buổi chiều sau những cơn bão quần thảo miền Trung. Gương mặt rắn rỏi của những năm tháng quân ngũ và lăn lộn trên thương trường hằn trên gương mặt người cựu quân nhân này, để lại trong tôi ấn tượng đầu tiên khi may mắn được gặp và trò chuyện cùng anh. Anh là Mạc Như Thìn, chủ nhiệm câu lạc bộ (CLB) CCB-nghề mỹ nghệ điêu khắc đá ở phường Hòa Hải. Một CLB mà thành viên vừa bằng đội hình “tiểu đội” , gồm 12 anh em ở làng nghề đá mỹ nghệ nổi tiếng ở quận Ngũ Hành Sơn (T.P Đà Nẵng).
Anh vào bộ đội năm 1982, là chiến sỹ cảnh vệ của Đoàn không quân B72. Đã có lúc, tưởng chừng như anh sẽ trở thành sĩ quan chuyên nghiệp. Thế nhưng, số phận đã đưa anh về lại với quê hương: Làng nghề đá mỹ nghệ Hòa Hải, nằm dưới chân núi danh thắng Ngũ Hành Sơn của TP Đà Nẵng.
Phục viên về lại quê nhà vào cuối năm 1987 và anh lập gia đình. Cũng như bao nhiêu người cựu binh thời ấy phải sấp ngửa mưu sinh với nhiều công việc khác nhau để lo cho bản thân và gia đình. Thăng trầm theo cuộc sống, sau vài năm ,anh quyết định theo đuổi nghề truyền thống của cha ông mình. Anh mày mò học hỏi qua tất cả các công đoạn từ dễ đến khó, từ đơn giản đến tinh xảo của những sản phẩm. Tinh hoa của nghề đá nhiều vất vả, cực nhọc và sự thăng hoa trong nghệ thuật từng sản phẩm càng nuôi lớn lòng đam mê trong anh.
Vạn sự khởi đầu nan!
Loay hoay, bươn chải với nghề, anh cũng tạm đủ sống cùng gia đình. Thế nhưng, khát vọng, ước mơ của người lính không thể dừng lại ở đó. Anh tâm sự: “Anh em mình sau khi hoàn thành nghĩa vụ về lại địa phương, người đi học lái xe, người xe ôm và làm đủ thứ việc linh tinh theo trào lưu của xã hội. Khi bên ly cà phê sáng hay những ly rượu buổi chiều, anh nhận thấy họ rất quý, đoàn kết gắn bó với nhau, họ hay nhắc và kể cho nhau nghe những vui buồn, chuyện thời quân ngũ… Phải làm gì đây để gắn kết anh em lại với nhau, để động viên viên, giúp đỡ nhau trong cuộc sống hằng ngày, đó là suy nghĩ ban đầu của tôi”.
Ngày ấy, với chức trách là trưởng ban bảo vệ an ninh khu phố nên anh tập hợp được nhiều anh em từng là lính thành một nhóm để giúp bà con khi có thiên tai, trộm cắp, cướp bóc, hoạn nạn xãy ra. Từ những việc “vác tù và hàng tổng” đã gắn kết anh em lại với nhau hơn và quyết tâm gắn mọi người vào công việc truyền thống của làng mình, cùng “chiến đấu” với những tảng đá, cùng hỗ trợ, chia sẻ tay nghề, phát triển nghề nghiệp, cùng nhau xây dựng cuộc sống tốt hơn. Sau khi bàn bạc nhiều ngày với anh em, anh quyết định thành lập CLB nghề đá mỹ nghệ với đội hình vừa đủ “ tiểu đội” 12 người.
CLB đá mỹ nghệ của những cựu binh quận Ngũ Hành Sơn luôn ưu tiên thu nhận lao động là các bạn trẻ hoàn thành NVQS khi về địa phương. Khi được nhận vào học nghề, lớp đàn anh luôn tận tình, truyền nghề lại cho đàn em trong từng công đoạn. Chỉ sau một năm cầm búa, cầm đục là các em đã có thể tự kiếm sống ngon lành! Như lời anh Thìn nói: “Chỉ cần siêng năng, chịu khó, sau 1 năm học nghề, một ngày công có thể trên dưới triệu bạc khỏe re!”.
Đâu là chất keo gắn họ lại với nhau?
Đó chính là keo “chất liệu lính”! Với người đã từng trong quân ngũ, chất liệu lính là tuân thủ mệnh lệnh, có ý thức tổ chức kỷ luật và tinh thần đoàn kết, yêu thương nhau. Họ luôn biết “có trước có sau, có trên có dưới” nên chính cái tình, cái kỷ luật của người lính đã làm nên chất keo, gắn chặt công việc, đời sống của anh em vào với nhau. Họ không họp hành nhiều, mà chỉ hành động với phương châm: làm việc có năng suất, luôn có hiệu quả cao nhất. Các buổi giao ban của tiểu đội chính là ly cà phê sáng chủ nhật hằng tuần. Ai rảnh thì đến! nhưng rất ít khi anh nào vắng mặt trừ phi đi công việc xa không về kịp. Chính bên những ly cà phê, các kế hoạch sản xuất cho các đơn hàng được đưa ra để bàn bac, thực hiện. Và, cuối tuần, khi thành viên nào đó của tiểu đội, có được kèo “thơm ” là sẽ có “cuộc họp” kéo dài đôi ba tiếng, thắm thêm tình đồng đội.
Trong CLB, mỗi xưởng sản xuất của mỗi thành viên là một công việc khác nhau, mỗi sản phẩm đặc thù khác nhau. Cơ sở anh Thuận “Na” chuyên các sản phẩm lắp ghép công trình xây dựng; Anh Nguyễn Quang, Trần Hùng Vương thì chuyên về các loài thú kỳ lân, rồng, phượng; Mai Dũng với các sản phẩm nghệ thuật, đồ trang sức, vật kỷ niệm; người chuyên làm tượng Phật, tượng Chúa; người thì giỏi sáng tạo các đồ thờ cúng tâm linh… Mỗi người đều chọn cho mình một sản phẩm sở trường, một sản phẩm có thế mạnh nhất để sản xuất. Và có cả người chuyên đi săn lùng tìm mua nguyên liệu đá tại các tỉnh Nghệ An, Ninh Bình, Thanh Hóa, Tây Nguyên, đá nhập khẩu… để cung ứng nguyên liệu cho tiểu đội.
Thành viên nào trong CLB nhận được đơn hàng lớn, hoặc chủng loại sản phẩm không phải là sở trường của mình, thì CLB “họp khẩn” ngay, để tìm ra cách giải quyết cho khách hàng. Uy tín về thời gian giao hàng, giá cả cho khách hàng, thành viên trong CLB luôn thống nhất tuân thủ ! Chính uy tín đó là dấu son, một nốt thăng của sự thành công và phát triển của CLB.
Vậy “tiểu đội” mình có họp định kỳ không anh? Khi nghe tôi hỏi, anh nói ngay: có chứ anh, 3 tháng họp một lần! nói là họp chứ thực chất là, anh em cùng ngồi lại với nhau một buổi để thanh toán công nợ với nhau! Mỗi 3 tháng nhóm CCB, CQN này ngồi lại để xem công việc của mỗi người ra sao? Ai còn nợ ai bao nhiêu? Vì sao nợ? Qua trao đổi minh bạch tất cả các vấn đề, anh em cùng nhau giải quyết thỏa đáng. Mặt hàng đá đặc thù là khó hư hỏng, chưa bán được, chưa xuất kho thì “cục đá” vẫn còn đó chứ đi đâu? Mấu chốt của tiểu đội là phải rỏ ràng minh bạch mọi công việc!
Chính yếu tố công khai, minh bạch, rõ ràng nên anh em trong CLB bao giờ cũng thấy mình được tôn trọng và vấn đề được giải quyết thỏa đáng. Đây cũng chính là chất kết dính siêu bền của tiểu đội các anh.
Khoán sản phẩm, bài toán củ luôn hiệu quả!
Không nuôi quân! Đó là chủ trương của các anh trong CLB. Họ luôn tuân thủ khoán việc, khoán sản phẩm cho từng công đoạn. Nên sức lao động từ nặng đến nhẹ, tay nghề từ thấp đến cao có giá trị khác nhau, được trả công sòng phẳng, xứng đáng với giá trị công sức. Chính sự công bằng và minh bạch tạo nên sự phấn đấu của từng cá nhân học việc, từng thành viên trong các cơ sở . Anh Thìn nói: chỉ sau một năm học việc thì người thợ đã có thể tự mình làm nhiều việc khác nhau và thu nhập đã có thể hơn một triệu trên ngày! Nên anh nào siêng năng với công việc, đã có thể nuôi vợ con ấm êm.
Hỏi thêm về kế hoạch phát triển của CLB, anh Thìn cho biết : “ Về việc xây dựng thương hiệu cho tiểu đội thân yêu của mình ,đó chính là điều anh em chúng tôi trăn trỡ, suy nghĩ lâu nay. Để xây dựng nên thương hiệu nằm trong lòng khách hàng, không phải ngày một ngày hai mà có được. Chúng tôi chỉ biết chuyên tâm làm ra những sản phẩm có chất lượng cao, đúng cam kết với khách hàng. Mẫu mã, sự tinh tế của sản phẩm chúng tôi luôn bàn bạc, khuyến khích thành viên luôn sáng tạo để có những sản phẩm độc đáo, mới lạ, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.
Chỉ sau gần hai năm tiểu đội nghề được thành lập, cuộc sống của các thành viên đã ổn định rõ nét. Hầu hết các thành viên trong CLB đều có nhà xây kiên cố, có ô tô, kinh tế vững chắc từ nghề nghiệp mình đang làm. Tôi tin rằng với chất keo là lính, tiểu đội của các anh sẽ ngày càng lớn mạnh lên cấp trung đội, đại đội trong những năm tới. Và chính cái khí chất của người lính thành viên, CLB các anh sẽ ngày càng phát triển bền vững.
Lê Thanh Hoàng.