Hội CCB xã Thái Phúc, huyện Thái Thụy, do Đại tá Hà Ngọc Long làm Chủ tịch Hội là cơ sở Hội tiêu biểu, 5 năm liền hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (2018-2022). Từ năm 2017 đến nay, Hội duy trì xuất quỹ Hội và vận động các nhà hảo tâm, tặng xe đạp 2 học sinh cấp Trung học cơ sở, diện học sinh nghèo học giỏi, mỗi xe trị giá 1,5 triệu đồng.
Ảnh: Đồng chí Hà Ngọc Long tặng các cháu học sinh xe đạp, năm học 2021-2022. Vũ Chiến Thắng
Ngày 9-1-2020, BCH T.Ư Hội CCB ban hành Nghị quyết số 05/NQ-CCB về: “Xây dựng tổ chức cơ sở Hội vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới”. Nghị quyết xác định: “Mọi hoạt động, mọi công tác của Hội đều bắt nguồn từ cơ sở. Xây dựng tổ chức cơ sở Hội vững mạnh là tiền đề, điều kiện, cơ sở quan trọng để xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao”.
Xây dựng tổ chức cơ sở Hội vững mạnh, có nhiều việc phải làm, trong đó, việc rất quan trọng là phải xây dựng được đội ngũ cán bộ thực sự đúng tầm, có khả năng vận động, quy tụ, tuyên truyền, thuyết phục các thế hệ CCB thực hiện nhiệm vụ theo chức năng của Hội và nhiệm vụ được cấp ủy giao. Chính vì vậy, khi đánh giá về đối tượng đảm nhiệm chức danh Chủ tịch Hội cơ sở, Nghị quyết đã nêu: “Quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ cho thấy: Về cơ bản các đồng chí CCB nghỉ hưu làm Chủ tịch Hội ở xã, phường, thị trấn là phù hợp… giúp cho việc xây dựng và hoạt động của Hội được thuận lợi và đạt hiệu quả tốt hơn… Chủ tịch Hội là công chức tuy được đào tạo đúng về chuyên môn, có kỹ năng về quản lý hành chính, lại đang trong độ tuổi nên có thuận lợi trong việc cơ cấu tham gia cấp ủy và Hội đồng nhân dân cùng cấp. Tuy nhiên, phần đông các đồng chí này là hạ sĩ quan, binh sĩ chưa kinh qua các cương vị chỉ huy lãnh đạo trong quân đội nên chưa thực sự tự tin, hầu hết chưa đủ khả năng vận động, giáo dục, thuyết phục CCB… nhất là trong tham gia giải quyết các điểm nóng, các vụ việc phức tạp nảy sinh ở cơ sở. Đây được xem là một trong những nguyên nhân làm hạn chế đến chất lượng xây dựng tổ chức cơ sở Hội”.
Pháp lệnh Cựu chiến binh (số 27/2005/PL-UBTVQH11) quy định: CCB có 7 nhiệm vụ, trong đó nhiệm vụ thứ nhất là: “Tham gia xây dựng bảo vệ Đảng, chính quyền, chế độ xã hội chủ nghĩa; đấu tranh chống mọi âm mưu, hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch; chống các quan điểm sai trái với đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thực hiện các quy định của Pháp luật về dân chủ ở cơ sở, đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tệ nạn xã hội; giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, của cán bộ, công chức theo quy định của Pháp luật”; nhiệm vụ thứ bảy: “Phối hợp với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, các tổ chức thành viên khác của MTTQ Việt Nam, cơ quan quân sự giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí tự lực, tự cường cho thế hệ trẻ”.
Hai nhiệm vụ trên thể hiện rõ quan điểm của Đảng, Nhà nước đã tin tưởng, giao nhiệm vụ, đồng thời gửi gắm niềm tin vào ý chí, bản lĩnh, trí tuệ của các thế hệ CCB, đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Trong thực tế, không chỉ 2 nhiệm vụ trên, mà các nhiệm vụ của CCB chủ yếu hằng ngày diễn ra và thực hiện ở cơ sở, nên để hoàn thành phải có đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ Hội đủ “tâm”, đủ “tài”, đủ uy tín để tổ chức, tuyên truyền, vận động CCB tham gia, làm theo.
Quán triệt các quan điểm trên, nhằm tập trung xây dựng tổ chức cơ sở Hội vững mạnh, Nghị quyết số 05/NQ-CCB của T.Ư Hội CCB xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2027 và những năm tiếp theo: “Ở các xã, phường, thị trấn có từ 55% trở lên hội viên là CCB (sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp) nghỉ hưu làm Chủ tịch Hội cơ sở… Động viên các đồng chí hội viên là CCB nghỉ hưu, đã qua các cương vị lãnh đạo, chỉ huy trong quân đội tích cực tham gia công tác hội, để từng bước nâng cao tỷ lệ hội viên là CCB nghỉ hưu làm Chủ tịch Hội cơ sở”. Hướng dẫn số 71/HD-CCB ngày 12-2-2020 của Thường trực T.Ư Hội về việc thực hiện Nghị quyết số 05/NQ-CCB cũng nêu: “Trong trường hợp có nhiều CCB nghỉ hưu là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp có cùng tiêu chuẩn và điều kiện như nhau thì lựa chọn đồng chí nào có cấp bậc quân hàm và chức vụ công tác trong quân đội cao hơn”. Điều đó đủ thấy T.Ư Hội rất coi trọng việc ưu tiên lựa chọn hội viên là sĩ quan quân đội nghỉ hưu đảm nhiệm chức danh Chủ tịch Hội CCB cơ sở.
Qua hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết số 05/NQ-CCB về xây dựng tổ chức cơ sở Hội vững mạnh đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, tại Đại hội cấp cơ sở nhiệm kỳ 2022-2027, kết quả bầu cử Chủ tịch Hội CCB cơ sở là sĩ quan quân đội nghỉ hưu ở nhiều địa phương có tỷ lệ rất thấp. Theo dự thảo báo cáo của Ban Chấp hành T.Ư Hội Khóa VI trình Đại hội đại biểu toàn quốc Hội CCB lần thứ VII nhiệm kỳ 2022-2027, tỷ lệ hội viên là sĩ quan quân đội nghỉ hưu được bầu giữ chức Chủ tịch Hội CCB cấp cơ sở mới đạt 32%. Trong khi đó vẫn có tỉnh đạt tỷ lệ 90%!
Tại sao có sự chênh lệch đó? Có nguyên nhân khách quan, là một số địa phương số sĩ quan quân đội nghỉ hưu rất ít, nhất là các xã miền núi, trong khi sức ép từ số cán bộ công chức dôi dư sau khi thực hiện sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã theo Nghị quyết của Quốc hội và việc tinh giản biên chế, tinh gọn tổ chức bộ máy theo Nghị quyết của Đảng, nên có nơi cấp ủy vận động hội viên là sĩ quan nghỉ hưu thôi tham gia công tác Hội, để đưa cán bộ, công chức cấp xã giới thiệu để Ban Chấp hành bầu làm Chủ tịch Hội.
Nhưng có lẽ, nguyên nhân chính vẫn là việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 05/NQ-CCB chưa thật quyết liệt đồng bộ, T.Ư Hội chưa ban hành chế tài tạo cơ sở pháp lý để cấp dưới thực hiện theo hướng: Quy định Chủ tịch Hội CCB cơ sở “cơ bản” là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp nghỉ hưu hoặc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội; tổ chức Hội cấp trên (tỉnh, huyện) chưa sâu sát và quyết liệt vào cuộc...
Thực trạng trên nếu không sớm có biện pháp khắc phục, thì trong tương lai không xa, tỷ lệ Chủ tịch Hội CCB cấp cơ sở là cán bộ công chức sẽ còn cao hơn nữa. Và như thế, hoạt động của CCB cơ sở sẽ gặp nhiều khó khăn. Có một thực tế là ở những nơi có đông CCB là sĩ quan, mà Chủ tịch Hội chỉ là quân nhân xuất ngũ cấp hạ sĩ quan, chiến sĩ thì khó hoạt động…
Để khắc phục thực trạng trên, phải có những giải pháp căn cơ, quyết liệt, đồng bộ, nhưng trước mắt có thể tiến hành một số biện pháp sau đây:
Một là:Có thể sửa đổi, bổ sung vào Điều lệ Hội tại Đại hội lần thứ VII tới, hoặc là T.Ư hướng dẫn thi hành Điều lệ Hội theo hướng quy định: Chủ tịch CCB xã, phường, thị trấn cơ bản (xin lưu ý là cơ bản chứ không phải là tất cả) lựa chọn trong số hội viên là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp nghỉ hưu hoặc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội. Ở những nơi có khó khăn về nguồn, có thể lựa chọn số hội viên thuộc đối tượng quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ nhưng phải có sự thống nhất với Thường trực Hội CCB cấp huyện. Nhân đây, cũng phải nói thêm rằng, Ban Chấp hành T.Ư Hội đã có quy định cấp bậc, chức vụ khi công tác trong quân đội để bầu các chức danh Chủ tịch, Phó chủ tịch T.Ư Hội thì cũng nên có quy định cụ thể đối với cấp cơ sở, tạo hành lang pháp lý của Hội để cơ sở thực hiện.
Hai là:T.Ư Hội báo cáo Ban Bí thư tiến hành giám sát một số Tỉnh ủy, Thành ủy; đồng thời chỉ đạo Hội CCB cấp tỉnh tiến hành giám sát Ban Thường vụ các Huyện ủy, Quận ủy, Thị ủy, Thành ủy trực thuộc tỉnh, thành phố về thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị, Kết luận số 66-KL/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác CCB trong giai đoạn cách mạng mới. Qua đó nhằm lan tỏa chỉ đạo của T.Ư Hội đối với việc lựa chọn ngưồn giới thiệu bầu Chủ tịch Hội CCB cấp cơ sở.
Ba là:T.Ư Hội đề nghị Ban Tổ chức T.Ư triển khai thực hiện Điểm 3, Mục III Kết luận số 66-KL/TW của Ban Bí thư: “Ban Tổ chức T.Ư chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng hướng dẫn cụ thể về biên chế ở các cấp Hội cho phù hợp, cơ cấu nhân sự tham gia cấp ủy cơ sở… phù hợp với đặc thù của Hội CCB và Luật Cán bộ công chức”.
Trên đây là ý kiến của cá nhân, tôi mong muốn được góp phần thực hiện về xây dựng tổ chức cơ sở Hội vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Nguyễn Văn Hán - Chủ tịch Hội CCB tỉnh Thái Bình