Đồng chí Phùng Văn Bảy
Báo tháng 8 - Gần 50 năm qua, kể từ ngày đất nước thống nhất, về lại với Tây Nguyên lên dâng hương Đài tưởng niệm 37 liệt sĩ, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 95, thuộc xã H.Ra, huyện Măng Giang, tỉnh Gia Lai, tôi được sống lại với những năm tháng hào hùng của quân và dân Tây Nguyên đánh giặc, cứu nước. Đặc biệt được nghe các “lão” CCB Trung đoàn 95, Mặt trận B3, thời Tây Nguyên đánh Mỹ kể say sưa với niềm trân trọng biết ơn về những chiến công “trăm trận, trăm thắng” của đồng chí Phùng Văn Bảy - Phó trung đoàn trưởng, Trung đoàn 95, Đoàn Măng Giang, vẫn còn tươi mới như mới hôm qua vậy.
Người chỉ huy trăm trận trăm thắng, dân yêu, kẻ thù khiếp sợ
Đồng chí Phùng Văn Bảy, sinh ngày 17-7-1934, quê xã Hưng Vĩnh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, nhập ngũ năm 1953. Dường như cả cuộc đời ông dành trọn cho những trận đánh nổi tiếng thời chống Mỹ trong những năm tháng cam go ở chiến trường Tây Nguyên.
Ông là người chỉ huy gan dạ, mưu trí, tài năng trên mọi phương diện: Bám địch, nắm chắc địch để đề ra phương án tác chiến sát thực tế và diệt gọn địch trong hơn 200 trận đánh ở vùng đất A So - A Lưới (Bình Trị Thiên) từ năm 1967 đến năm 1973. Thành tích, chiến công đó được ghi lại đầy đủ trong hồ sơ lưu trữ của Trung đoàn 95.
Ông được đơn vị trân trọng gọi là “Anh Cả” Trung đoàn 95 - đơn vị hai lần được phong tặng Anh hùng LLVTND. Còn đồng bào Tây Nguyên thì gọi là “Bộ đội Bảy”. Đến nay đồng bào ở khu vực chân đèo huyện Măng Giang, tỉnh Gia Lai hãy cứ gặp bộ đội là bảo: “Bộ đội Bảy”...
Hy sinh 48 năm vẫn chưa được công nhận Liệt sĩ
Hiệp định Pa-ri được ký kết, tháng 9-1973 ông Bảy trong đoàn 36 cán bộ chủ chốt của Mặt trận B3 do Thượng tá Hồ Đệ - Phó Sư đoàn trưởng Sư đoàn 10 dẫn đầu ra Hà Nội báo cáo với Bộ Quốc phòng những thắng lợi và rút kinh nghiệm mở các chiến dịch đánh địch ở địa bàn Tây Nguyên; tập huấn chuẩn bị cho Chiến dịch Xuân 1975.
Báo cáo xong, trên đường trở lại chiến trường, đến T.P Vinh (Nghệ An) ông Bảy bị tái phát vết thương ở mông. Đoàn cử đồng chí y sĩ ở lại điều trị cho ông Đệ, tại Trạm 50, Quân khu 4 (xã Hương Lộc, T.P Vinh, Nghệ An). Đồng chí y sĩ dùng thuốc pe-ni-xi-lin tiêm cho ông Bảy, nhưng bị phản ứng thuốc và ông Bảy mất. Ty Thương binh tỉnh Nghệ An (nay là Sở Lao động -Thương binh và Xã hội) báo tử, đưa thi hài ông Bảy về mai táng tại Nghĩa trang xã Hưng Vĩnh (Nghệ An) - quê ông Phùng Văn Bảy.
Đến nay ông Bảy vẫn chưa được công nhận là Liệt sĩ.
Vì sao ông Bảy vẫn chưa được công nhận là Liệt sĩ?
Chúng tôi đã tìm gặp nhiều cán bộ cùng công tác và cùng đơn vị với ông Phùng Văn Bảy, như Thiếu tướng Nguyễn Văn Chỉnh - nguyên là Trợ lý cán bộ, Ban Chính trị Trung đoàn 95; Đại tá Nguyễn Bình Nguyên - nguyên là Chính trị viên Đại đội 7, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 95; Đại tá Hoàng Trọng Ban - nguyên là Trợ lý cán bộ, Ban Cán bộ, Phòng Chính trị Mặt trận B3; Đại tá Hoàng Sông Lô - nguyên là Trưởng tiểu ban Quân nhu, Ban Hậu cần, Trung đoàn 95...
Các đồng chí cán bộ của Trung đoàn 95 đều khẳng định những thành tích đặc biệt xuất sắc của ông Phùng Văn Bảy. Nguyên nhân ông Bảy chưa được công nhận liệt sĩ là do điều kiện chiến tranh, một số cán bộ chủ trì Trung đoàn 95 (năm 1973, 1974) được điều động sắp xếp mới chuẩn bị cho Chiến dịch Xuân 1975; ông Phùng Văn Bảy lại có hoàn cảnh gia đình éo le. Ông mồ côi bố mẹ từ lọt lòng, ở với chị gái, lớn lên đi bộ đội..., nên gia đình cũng không có điều kiện liên hệ trở lại đơn vị...
Nguyện vọng tha thiết của các thế hệ CCB đơn vị đề nghị Trung đoàn 95 - Đoàn Măng Giang, thộc Sư đoàn 2, Quân khu 5 tiếp tục làm thủ tục công nhận Liệt sĩ và báo cáo thành tích đề nghị Đảng, Nhà nước truy tặng Danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho ông Phùng Văn Bảy.
Đại tá Đinh Quyết Thắng Nguyên PV Báo Quân đội nhân dân