T.S Sử học: Ngô Vương Anh

      Hội nghị Gionevo bắt đầu ngày 8-5-1954, đúng lúc tin chiến thắng hoàn toàn ở Điện Biên Phủ được loan báo khắp thế giới và gây chấn động Hội nghị. Pháp đã thảm bại trong trận quyết chiến chiến lược ở Điện Biên Phủ, chỉ muốn rút khỏi “bãi lầy chiến tranh” Đông Dương trong danh dự.

Sau 75 ngày đàm phán, từ ngày 8-5-1954, Hiệp định Gionevo về lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký ngày 21-7-1954. Nước Pháp từ vị thế “đicai trị”đã phải công nhận và tôn trọng quyền cao nhất của dân tộc Việt Nam là quyền  độc lập, tự do. Nước Việt Nam từ chỗ chưa có tên trên bản đồ thế giới đã trở thành một biểu tượng ngời sáng của ý chí đấu tranh giành độc lập dân tộc, là tấm gương cỗ vũ các dân tộc bị áp bức vùng lên làm sụp đổ hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân kiểu cũ.

Đó là kết quả rất tự hào của cuộc kháng chiến trường kỳ, nhiều hy sinh gian khổ của nhân dân Việt Nam mà đỉnh cao là 55 ngày đêm chiến đấu quyết liệt với quyết tâm chiến thắng của toàn dân tộc trong trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ. Bản Hiệp định cũng khẳng định Việt Nam đã buộc Pháp phải rút hết quân và công nhận quyền độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ dân tộc của nhân dân Việt Nam; miền Bắc được giải phóng hoàn toàn và có điều kiện xây dựng những cơ sở vật chất đầu tiên cho CNXH trong điều kiện hòa bình; tạo cơ sở pháp lý quốc tế vững chắc để đấu tranh thống nhất đất nước.

Tuy nhiên, những kết quả đó chưa tương xứng với “tư thế của người chiến thắng” trên chiến trường. Sự thật thì đoàn Việt Nam gặp không ít bất lợi, thậm chí bị cô lập…, nên đã không kiên trì bảo vệ được những yêu cầu quan trọng của mình.

Hội nghị Gionevo đã quyết định những vấn đề liên quan đến các lực lượng kháng chiến ở Lào và Campuchia mà không có sự tham gia của các Chính phủ kháng chiến của hai nước này. Việc xác định ranh giới quân sự tạm thời và phân chia khu vực tập kết chuyển quân ở Việt Nam không phải là vĩ tuyến 13 (tương ứng với Nha Trang) rồi vĩ tuyến 16 (tương ứng với Đà Nẵng) - theo phương án của Việt Nam, mà là vĩ tuyến 17- theo đòi hỏi của Pháp muốn giữ quyền kiểm soát đường 9. Việt Nam mất ba tỉnh Khu 5 và nhiều vùng tự do phía Nam vĩ tuyến 17. Lực lượng kháng chiến ơ Lào chỉ có một vùng tập kết gồm hai tỉnh Sầm Nưa và Phôngxalỳ - nhỏ hơn nhiều so với vùng giải phóng thực tế. Còn Campuchia không có vùng tập kết và lực lượng quân đội phải phục viên tại chỗ. Thời hạn tổng tuyển cử để thống nhất Việt Nam không phải là 6 tháng như phương án của Việt Nam đề nghị, mà là 2 năm theo ý của Pháp thông qua các nước ép ta phải chấp nhận, dẫn đến chặng đường dài 21 năm với vô vàn bom đạn tàn phá, nhiều hy sinh, mất mát, đau thương mới đạt tới điều mà lẽ ra phải đạt được ngay từtháng 7-1956.

Có thể dẫn nhận xét của học giả Laury Anne Bellessa (Pháp) để tóm tắt về diễn biến Hội nghị Gionevo: “Nếu chúng ta đi sâu vào chi tiết các cuộc thương lượng, chúng ta sẽ nhận thấy rằng các điều khoản của Hiệp định chỉ để nhằm làm thoả mãn các cường quốc… Vì muốn bảo vệ quyền lợi của mình ở khu vực Đông Nam Á mà các cường quốc đã tự quy định phần lớn các điều khoản trong Hiệp định, không cần tính đến phản ứng của các nước Đông Dương. Không còn sự lựa chọn nào khác, các nước Đông Dương phải nhượng bộ trước các áp lực rất lớn này… Thắng lợi trên thực địa nhưng tại bàn Hội nghị, Việt Nam Dân chủ Cộng hoà không thể khai thác được thế mạnh quân sự của mình”[1].

Bài học lớn nhất, bao quát nhất nhìn từ Hiệp định Gionevo là bài học về luôn giữ vững quyền độc lập tự chủ khi đàm phán các điều khoản. Ở Gionevo năm 1954, Việt Nam đã phải thuận theo nhiều lời “chỉ dẫn” bất lợi. Sau này, khi tổng kết về Hội nghị Gionevo, Phó Thủ tướng (sau là Thủ tướng) Phạm Văn Đồng đã nói: “Mỹ, Anh, Pháp đều đi đến nhất trí về chia cắt Việt Nam...”[2]. Thực tế cho thấy: Trong các mối quan hệ quốc tế còn cần phải hiểu cả những toan tính của các nước, tránh mơ hồ và ảo tưởng...

Bài học kinh nghiệm sâu sắc đó đã có giá trị thực tế lớn. Sau này, trongcả quá trình đàm phán ở Hội nghị Paris, chúng ta kiên quyết giữ vững Điều 1 của Hiệp định Paris: “Hoa Kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam như Hiệp định Gionevo năm 1954 về Việt Nam đã công nhận”. Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ đã nói với ông H. Kissinger, Trưởng đoàn đàm phán của Mỹ: “Trong cuộc đấu cờ, người thắng và kẻ thua phải chính là những người chơi cờ, không còn cách nào khác. Chúng tôi độc lập trong việc giải quyết vấn đề của chúng tôi”[3].

Nguyên tắc “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” được Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn từ năm 1946 đã trở thành phương châm hành động cơ bản của ngoại giao Việt Nam. Điều “bất biến” chính là độc lập, chủ quyền của dân tộc, tự do, hạnh phúc của nhân dân. Tuân thủ nguyên tắc tối cao này chúng ta có thể tự tin ứng phó với “vạn biến” khi tình hình luôn thay đổi.

Ngô Vương Anh

[1]Tham luận tại Hội thảo quốc tế Chiến thắng Điện Biên Phủ - 50 năm nhìn lại(Hà Nội, 4/2004).  

[2]Khắc Huỳnh: Hội nghị Geneva về Đông Dương -Bộ Ngoại giao xuất bản năm 1964, tr 54.  

[3]Larry Berman: Không hoà bình, chẳng danh dự  Nixon, Kissinger, và sự phản bội ở Việt Nam (Nguyễn Mạnh Hùng dịch), Việt Tide xuất bản,2003, tr 145.