Nhân lễ kỷ niệm 55 năm Ngày mở đường Trường Sơn tại TP Hồ Chí Minh, tôi may mắn được gặp Thiếu tướng Phan Khắc Hy, nguyên Phó tư lệnh Đoàn 559-Bộ đội Trường Sơn. Năm nay tuy ông đã 87 tuổi nhưng vẫn còn khỏe mạnh và minh mẫn. Bằng giọng nói mạch lạc, ông cuốn hút mọi người vào câu chuyện về một thời gian khổ, hào hùng trên con đường Trường Sơn huyền thoại.
Được mời làm cố vấn của chương trình “Nghĩa tình Trường Sơn” của báo Sài Gòn giải phóng, nên ông có điều kiện về thăm lại chiến trường xưa. Ông đã tham gia với chương trình về địa điểm và đối tượng cần được giúp xây dựng các công trình phục vụ đời sống và công trình tưởng niệm. Tham gia cùng với địa phương về những việc làm của chương trình và vận động các nhà tài trợ đóng góp thực hiện. Những công trình của chương trình đem lại cho ông nhiều cảm xúc sâu sắc khó quên như việc xây dựng mới Bản Văn hóa di tích lịch sử Làng Ho (tỉnh Quảng Bình), nơi khởi nguồn của đường Trường Sơn. Trong chiến tranh, đồng bào Làng Ho phải sơ tán vào rừng, nhường bản làng cho bộ đội tập kết quân và hàng đưa vào miền Nam. Đến đây bộ đội và cán bộ phải trút bỏ lại quần áo, tư trang mang dấu ấn miền Bắc, cải trang thành cư dân bản địa, bí mật vào Nam. Nay thì tất cả các gia đình Làng Ho đều được ở nhà mới, trước nhà đều treo cờ Tổ quốc hay các chuyến đi dự khởi công xây dựng đền tưởng niệm trọng điểm Long Đại; khánh thành Đền tưởng niệm Bến Tắc; giao nhà tình nghĩa và trạm xá quân dân y ở Đức Cơ tỉnh Gia Lai; khảo sát khu vực đường 20-Quyết Thắng; trao nhà tình nghĩa cho đồng bào dân tộc bản Ka Ai trên đường 12 sát biên giới Việt-Lào; đi khảo sát khu vực đặt tượng đài Trường Sơn ở ngã ba biên giới huyện Ngọc Hồi tỉnh Kon Tum…
Bác Hy tâm sự: “Bản thân tôi thấy ấm lòng khi được làm điều gì đó có ích cho những đồng đội thân yêu đã ngã xuống nơi chiến trường khốc liệt ngày ấy. Nhờ chương trình, nhà tài trợ mà những cán bộ, chiến sĩ Trường Sơn được đền đáp công ơn, đồng bào dọc đường Trường Sơn được hưởng sự ấm áp trong căn nhà mới”. Những tháng năm ác liệt trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại đã nuôi dưỡng ý chí chiến đấu kiên cường, tinh thần lao động sáng tạo của Bộ đội Trường Sơn. Đất nước hòa bình, Bộ đội Trường Sơn lại “đánh” trên mặt trận chống đói nghèo, xây dựng kinh tế, đoàn kết yêu thương nhau, gương mẫu trong gia đình và ở địa phương.
Tuổi cao nhưng ông vẫn luôn mong muốn có nhiều dịp quay trở lại Trường Sơn, không chỉ để thăm mà còn phát huy ngọn lửa hừng hực của Bộ đội Trường Sơn cho thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Bài và ảnh:
Ánh Tuyết