Dù Thanh tra huyện kết luận người dân tố cáo vị chủ tịch xã làm giả hồ sơ hưởng chế độ thương binh là không có cơ sở, nhưng người tố cáo không đồng tình với kết quả này tiếp tục gửi đơn lên cao cấp hơn… Thực hư vấn đề này ra sao?
Thanh tra cho là tố cáo không có cơ sở?
Đầu năm 2013, ông Lưu Đình Thuận, trú tại thôn Đan Thê, xã Sơn Đà, huyện Ba Vì, TP Hà Nội có đơn tố cáo chủ tịch UBND xã Sơn Đà là ông Nguyễn Danh Hảo có sự gian lận trong việc khai man hồ sơ hưởng chế độ thương binh. Ngoài nội dung này, ông Thuận còn tố cáo ông Hảo khai man lí lịch bằng cấp, không học hết cấp ba vẫn có bằng đại học (chúng tôi sẽ đề cập ở bài viết khác)…
Trong đơn ông Thuận tố ông Hảo hưởng chế độ thương binh không đúng qui định theo Nghị định số 54/2006/NĐ-CP của Chính phủ; không đúng với Thông tư 07/2006/TT-BLĐTBXH và Thông tư 25/2007/TT-TTBLĐTBXH. Lý do ông Thuận cho là ông Hảo không có giấy tờ gốc, không có giấy ra viện nơi điều trị vết thương…
Nội dung đơn của ông Thuận đã được UBND huyện Ba Vì thụ líý, giao cho thanh tra huyện xác minh làm rõ.
Tuy nhiên quá trình xác minh của thanh tra huyện Ba Vì, cơ quan này kết luận việc công dân tố cáo ông Hảo làm giả hồ sơ để hưởng chế độ thương binh là không đúng, không có cơ sở giải quyết…
Mặc dù kết luận thanh tra như vậy, nhưng người tố cáo là ông Lưu Đình Thuận vẫn không đồng tình và tiếp tiếp tục có đơn tố cáo gửi cấp cao hơn.
Ngày 2-1-2014, ông Thuận có đơn gửi “Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng”.
Trong đơn ông Thuận vẫn giữ nguyên quan điểm ông Hảo gian lận trong hồ sơ hưởng chế độ thương binh.
Ông Thuận cho rằng, 23 năm sau ông Hảo xuất ngũ về địa phương (từ tháng 9-1982 đến ngày 20-6-2005) ông Hảo lại được Bộ tư lệnh Quân khu 7 xác nhận là bị thương, trong khi ông Hảo đóng quân ở An Giang (QK9) thuộc Bộ Tư lệnh Công an vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng).
Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Hảo cho biết, tháng 9-1978, đang học dở lớp 10 ông xung phong đi nghĩa vụ công an vào đơn vị c2-d1-e4 Bộ Tư lệnh Công an vũ trang, đóng ở vùng Bảy Núi, tỉnh An Giang. Ông Hảo nhớ mang máng về Thủ trưởng đơn vị khi đó là ông Nguyễn Danh Sản (quê ở tỉnh Hải Dương) là Đại đội trưởng đơn vị của ông.
Sau khi vào c2-d1-e4, đến ngày 25-11-1978, ông hành quân sang Cam-pu-chia đánh giặc.
Có điều theo ông Thuận, ông Hảo nói là tham gia công an vũ trang, đeo quân hàm xanh tại sao hồ sơ hưởng chế độ thương binh thuộc đơn vị bộ đội đeo quân hàm đỏ?
Trả lời nội dung này, ông Hảo cho biết: Khi sang Cam-pu-chia, ông được cử vào Đơn vị d418-e690-f302-MT479 với chức vụ làm y tá của đơn vị.
Kể lại tình tiết khi bị thương, ông Hảo nói với chúng tôi: “Thời điểm khoảng năm 1979, khi đó ông đang băng bó vết thương cho đồng đội, địch bắn pháo 82 và 105 ly tới gần làm bị thương, sau đó ông ngất lịm được đồng đội đưa về Bệnh xá Sư đoàn 302 chữa trị”…
Lời khai và hồ sơ thương binh có những mâu thuẫn
Theo kết quả của Thanh tra huyện Ba Vì, ông Hảo nhập ngũ tháng 9-1978 tại đơn vị d418-e690-f320-MT479 tại mặt trận Cam-pu-chia, đến tháng 9-1982, phục viên về địa phương.
Trong quá trình chiến đấu, ông Hảo bị thương và được f320 Bộ tư lệnh Quân khu 7 có Giấy xác nhận bị thương số 195/CS ngày 20-6-2005. Đến ngày 8-7-2005, UBND xã Sơn Đà tổ chức hội nghị bao gồm các đoàn thể của xã và thường trực Đảng ủy, UBND nhất trí và đề nghị cấp có thẩm quyền giám định thương tật lần đầu cho ông Nguyễn Danh Hảo.
Ngày 20-10-2005, Hội đồng giám định y khoa, Bệnh viện 105 có văn bản giám định sức khỏe ông Hảo, với tỷ lệ thương tật 43%.
Sau văn bản giám định này cùng các văn bản giấy tờ làm chế độ thương binh khác, ngày 30-6-2006, Bộ tư lệnh Quân khu Thủ đô có quyết định cấp giấy chứng nhận và trợ cấp ưu đãi thương binh đối với ông Nguyễn Danh Hảo, được hưởng trợ cấp thương tật hàng tháng là 490.000 đồng.
Tuy nhiên, tìm hiểu của PV, giữa lời khai và hồ sơ thương binh của ông Hảo có sự vênh nhau.
Theo ông Hảo nói thì đơn vị của ông là f302, nhưng tại một số văn bản và cả kết luận của thanh tra huyện Ba Vì lại đề cập là f320?
Cụ thể: Giấy chứng nhận bị thương do QK7 cấp ngày 20-6-2005 ghi đơn vị khi bị thương “B Vận tải d418-e690-f302”. Ngày 8-9-2005, tiếp tục Bộ CHQS tỉnh Hà Tây (cũ) cấp giấy chứng nhận bị thương là “d418-e690-f302”. Nơi bị thương ghi Sầm Rông-Xiêm Riệp-Cam-pu-chia. Các vết thương gồm: “VT 1/3 cẳng tay trái; VT mắt cá chân trái; vết thương đỉnh đầu; chấn thương cột sống; sức ép mìn. Sau khi bị thương điều trị ở Bệnh xá Sư đoàn 302 từ ngày 10-9-1979 đến ngày 5-10-1979”.
Tuy nhiên, quyết định của Tư lệnh Quân khu Thủ đô lại ghi đơn vị “d418-e690-f320”?!
Như vậy, rõ ràng hồ sơ thương binh của ông Hảo chưa thực sự ăn khớp giữa cái tên f302 và f320; giữa việc ông Hảo nói khi nhập ngũ vào công an vũ trang nhưng kết luận của thanh tra huyện Ba Vì đề cập đơn vị nhập ngũ là bộ đội chủ lực? Chính vì những mâu thuẫn này người dân nghi ngờ và tố cáo ông Hảo khai man hồ sơ thương binh là có cơ sở. Đề nghị cơ quan hữu quan liên quan làm rõ trả lời công luận.
Chính Nhi