Một phần hiện trường mỏ than Bá Sơn nằm trên địa phận xã Cổ Lũng cỏ mọc um tùm, không có hoạt động khai thác than lậu như phản ánh.
Những ngày cuối tháng 2, đầu tháng 3-2022, tại khu vực mỏ than Bá Sơn nằm trên địa bàn xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương và xã Sơn Cẩm, T.P Thái Nguyên liên tục được cơ quan chức năng và chính quyền của hai địa phương tiến hành kiểm tra theo thông tin một số người dân xã Cổ Lũng, phản ánh tại khu vực mỏ đã đóng cửa, nhưng Công ty CPXD Khai thác than Thái Nguyên vẫn tiến hành khai thác, gây sụt lún nhà dân…
Về phản ánh, ngày 1-3-2022, Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Phú Lương và chính quyền xã Cổ Lũng đã tiến hành kiểm tra, cho thấy không có chuyện khai thác tài nguyên như người dân phản ánh. Tiếp đó, ngày 4-3, cơ quan chức năng của T.P Thái Nguyên và chính quyền xã Sơn Cẩm tiến hành kiểm tra sự việc. Trước đó, ngày 21-2, công tác hoàn thổ của mỏ cũng được cơ quan chức năng của T.P Thái Nguyên kiểm tra…
Theo các biên bản làm việc cho thấy, mỏ than Bá Sơn được UBND tỉnh Thái Nguyên quyết định đóng cửa mỏ từ ngày 27-7-2021. Công ty CPXD Khai thác than Thái Nguyên là đơn vị thực hiện đóng cửa mỏ theo đề án đã được UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt tại Quyết định 2506.
Cụ thể, tại khu vực mỏ, qua kiểm tra có 8 giếng khai thác than từ trước, trong đó có 3 giếng nằm trên địa bàn xã Cổ Lũng và 5 giếng nằm trên địa bàn xã Sơn Cẩm đều đã được lấp kín, không có dấu hiệu khai thác, xung quanh các giếng không có than.
Báo cáo của Công ty CPXD Khai thác than Thái Nguyên còn cho thấy 3 giếng than trên địa bàn xã Cổ Lũng đã được Công ty tiến hành lấp bỏ từ cuối tháng 12-2021.
Đối với 5 giếng than nằm trên địa bàn xã Sơn Cẩm, Đoàn kiểm tra của UBND T.P Thái Nguyên xác định 5 giếng đã được đậy nắp, không có hoạt động khai thác tại các cửa lò; trong khu vực moong có 1 ô tô và 1 máy xúc đang triển khai san gạt đường theo đề án đóng cửa mỏ.
Ông Đinh Văn Khuy - Giám đốc Công ty CPXD Khai thác than Thái Nguyên cho biết: Công ty đang thực hiện đề án đóng cửa mỏ theo quyết định của UBND tỉnh, thời gian đóng cửa, hoàn thể là 3 năm. “Không có chuyện khai thác lậu, khai thác trộm. Một số hộ dân có ý kiến, cho rằng Công ty đắp be tường đất cao dọc phía đường vào mỏ nhằm che mắt việc khai thác lậu của Công ty là không đúng”.
Theo ông Khuy, việc đắp bờ cao hơn 1m là theo đề án thiết kế đóng cửa mỏ đã được phê duyệt. “Sau khi đắp bờ, Công ty còn dựng hàng rào dây thép gai nhằm bảo vệ sự an toàn cho người dân, vật nuôi tránh rơi, sa xuống khi mùa mưa đang đến gần. Phía dưới moong, Công ty đang tiến hành san, gạt đường lên bãi thải để tới đây tiến hành lấp moong, hoàn thổ” - ông Khuy cho biết tiếp.
Lý giải về việc vì sao tại bãi than của Công ty còn đang hoạt động, ông Khuy cho rằng, việc đóng cửa mỏ, không còn hoạt động khai thác nên để duy trì hoạt động của Công ty, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động sau khi đóng cửa mỏ, phía Công ty đăng ký thêm ngành nghề kinh doanh than. “Than là được mua về, rồi xuất bán cho đơn vị có nhu cầu. Việc xuất bán có hoa đơn chứng từ đàng hoàng chứ không phải là than khai thác lậu, nhưng người dân lại cứ lầm tưởng Công ty khai thác trộm đem bán. Không có chuyện đó đâu…”.
Liên quan đến việc hoàn thổ, đóng cửa mỏ theo quyết định của UBND tỉnh Thái Nguyên, ông Khuy giải thích thêm: Trước đây, khi được cấp mỏ, Công ty đã ký một khoản tiền ký quỹ tài nguyên hơn 4 tỷ đồng. Số tiền này đã nộp ở Kho bạc nên sau khi có quyết định đóng cửa mỏ, hoàn thổ, trả lại mặt bằng, số tiền sẽ được lấy về. “Chúng tôi phải triển khai thực hiện hoàn thổ để lấy tiền về chứ. Bỏ làm sao được số tiền này. Tiền cả. Đến nay, cả tiền gốc và lãi cũng hơn 5 tỷ đồng. Chi phí cho san gạt hết một nửa số tiền, chúng tôi vẫn còn một nửa kia mà…”.
Được biết, mỏ than Bá Sơn có diện tích gần 64ha, được UBND tỉnh cấρ phép khai thác từ tháng 6-2015. Quá trình khai thác cũng đã ảnh hưởng đến một số hộ dân sinh sống gần khu vực mỏ, như mất nước giếng, nứt nhà nên sau khi hết hạn giấy phép khai thác, UBND tỉnh Thái Nguyên có quyết định đóng cửa mỏ từ tháng 7-2021.
Theo quyết định thì mục đích đóng cửa mỏ là để thanh lý tài nguyên thuộc phần diện tích đã khai thác hết trữ lượng (đến thời điểm đóng cửa mỏ) và giao đất, thu hồi đất cho UBND huyện Phú Lương và UBND T.P Thái Nguyên quản lý theo quy định pháp luật về đất đai và pháp luật khác có liên quan; phục hồi môi trường các khu vực đã khai thác.
Tại hiện trường, ghi nhận của PV, có 2 hố sâu hủm, cỏ mọc um tùm, các đường lên xuống mỏ được lấp lại, không có hoạt động khai thác, mà chỉ có hoạt động san lấp, hoàn thổ mỏ... theo đề án đóng cửa mỏ đã được phê duyệt!
Bài và ảnh: Chính Nhi