**Pv: Thưa chị, rất nhiều người đã biết đến chị với sự đóng góp của mình trong việc tìm kiếm, trả lại tên cho nhiều liệt sỹ chưa biết tên. Vậy duyên cơ nào đã đưa chị đến với công việc “tìm lại tên cho các liệt sỹ chưa biết tên”?
**Thượng tá Nguyễn Thị Tiến: **Công việc tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ thuộc chuyên chuyên môn của bộ phận chính sách, còn tôi làm công tác Bảo tàng với nhiệm vụ là sưu tầm và trưng bày các hiện vật liên quan đến cuộc chiến đấu của quân và dân ta qua các thời kỳ. Dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng việc tìm kiếm liệt sỹ để đưa các anh trở về với đất mẹ, vẫn là món nợ ân tình đối với tất cả những người có trách nhiệm. Các anh vẫn còn nằm đâu đó... Đau lòng nhất là hài cốt các anh được quy tập về, nhưng không biết đó là ai, quê quán ở nơi nào. Còn biết bao gia đình liệt sỹ đau đáu một nỗi niềm chờ tin về những người con của mình đã ngã xuống. Hãy đặt mình mình vào vị trí thân nhân của liệt sỹ thì sẽ hiểu sự chờ đợi, đau đáu đó. Tôi đã gặp các chiến sỹ làm công tác quy tập, được nghe họ kể về những điều họ đã gặp khi cất bốc liệt sỹ. Từ đó, tôi bị thu hút về những câu chuyện, đặc biệt là những kỷ vật nằm cùng hài cốt. Sự đặc biệt ở đây là những kỷ vật chứa đựng một phần thông tin liệt sỹ như một cái tên, hoặc một địa danh nào đó. Tuy sơ sài nhưng cũng không hẳn là không có thông tin, thế nhưng trên bia mộ liệt sỹ đành phải khắc: “Liệt sỹ chưa biết tên”! Và những di vật như bút, lược hoặc bi đông mang theo những thông tin ít ỏi đó, đành phải mai táng theo hài cốt liệt sỹ.
Câu hỏi “làm thế nào để các di vật phải lên tiếng” cứ day dứt mãi trong tôi. Chính vì thế nên tôi đã quyết định lao vào công việc này. Sau thời gian dài trăn trở và suy nghĩ, tôi đăng ký nghiên cứu một đề tài khoa học: “Sưu tầm kỷ vật nằm cùng hài cốt liệt sỹ, góp phần xác minh tên tuổi cho liệt sỹ chưa biết tên” và đã được cấp trên cho phép thực hiện. Tôi bắt tay vào công việc bằng sự say sưa, đam mê và trách nhiệm. Biết bao vất vả, nhọc nhằn trong 15 năm tôi đã vượt qua và đem lại kết quả tốt đẹp. Tôi nghĩ rằng các liệt sỹ đã tiếp thêm cho tôi sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn đó.
**Pv: Chị có nhớ lần đầu tiên chị xác minh, trả lại tên tuổi cho liệt sỹ chưa biết tên? Cảm xúc lúc đó của chị thế nào?
Thượng tá Nguyễn Thị Tiến: Tâm trạng trong lần đầu tiếp xúc với hài cốt Liệt sỹ ư? khó nói lắm. Vừa lạ lẫm, sợ sệt, vừa tò mò với một thế giới lạ trong lòng đất. Thế nhưng khi nhìn thấy hài cốt lộ dần lên, nước mắt tôi đã chảy dài ướt đẫm. Lúc đó thấy thiêng liêng lắm, các anh chị ấy cũng là thời của tôi mà, nên tình thương bao trùm lên nỗi sợ hãi. Bắt tay vào việc, phân loại và đánh dấu những kỷ vật của các chị các anh… mình cảm giác như đang trò chuyện với họ vậy. Các chiến sỹ quy tập khuyên mình đừng lấy kỷ vật của họ, vì đó là tài sản duy nhất mà Liệt sỹ còn lại. Thế nhưng ko lấy thì làm sao tìm đối chứng được? rồi mình thắp hương xin các anh, chị cho phép mình đưa những di vật đó về bảo tàng, góp phần xác minh làm rõ sự có mặt của kỷ vật nằm chung với hài cốt.
Có thể nói rằng chính vì quan niệm hãy để di vật cho các liệt sỹ, “đừng lấy” là một trong những nguyên nhân Liệt sỹ bị vô danh quá nhiều. Đó cũng là một thiếu sót đáng tiếc của người đang sống hôm nay, điều đó thôi thúc tôi thu thập càng nhiều kỷ vật càng tốt.
Pv: Trong hành trình đi tìm kiếm danh tính liệt sỹ, chị có đề ra cho mình những nguyên tắc nào không?
**Thượng tá Nguyễn Thị Tiến: Nguyên tắc của tôi đề ra là: Chuẩn xác, khoa học. Kết quả cuối cùng phải được kiểm chứng bằng AND, Gen di truyền. Phải chính xác dù chỉ tìm một liệt sỹ, không được phép bỏ qua bất cứ dấu vết nào, dù là chi tiết nhỏ nhất. Vì vậy, khi nghiệm thu công trình khoa học cấp Tổng cục chính trị, Hội đồng nghiệm thu đã đánh giá “đề tài mã số KXCT 0204 TCCT” đạt giải xuất sắc toàn quân. Nhà xuất bản QĐND đã xuất bản, để tuyên truyền cho phương pháp “tìm tên cho liệt sỹ qua di vật nằm cùng phần mộ Liệt sỹ”. ****Pv. Và những kinh nghiệm? Nếu có thể nói ra, chị có bí quyết gì không?
Thượng tá Nguyễn Thị Tiến: **Kinh nghiệm và bí quyết ư? Chẳng có gì cả ngoài một tấm lòng. Làm việc này bắt buộc phải tận tâm, tận lực, tận tình vì đồng đội. Không được quản ngại khó khăn. Phải thực hiện như đó là mệnh lệnh vì những người đã ngã xuống.
Pv: Đã có lúc nào chị cảm giác là chính các liệt sỹ đã đưa đường, mách bảo cho chị?
**Thượng tá Nguyễn Thị Tiến: **Nhiều đêm ngủ trong nghĩa trang, ngủ trên đường đi tôi đã có những giấc mơ kiểu như báo mộng, hôm sau thấy mọi việc ứng đúng với điều đã mơ thấy. Tôi không giải thích được những điều kỳ lạ đó. Có thể do mình đi làm việc này nhiều, tiếp xúc nhiều hài cốt Liệt sỹ nên thần kinh mình bị chi phối chăng? Nhưng tôi tin là các anh, chị rất mong chờ được trả lại tên tuổi và quê quán.
**Pv. Việc xác định danh tính liệt sỹ thông qua các di vật là dựa vào khoa học, hay tâm linh thưa chị?
****Thượng tá Nguyễn Thị Tiến: Dù trong quá trình làm công việc tìm kiếm di vật Liệt sỹ, có những điều tôi chưa thể lý giải được. Thế nhưng việc “xác định danh tính liệt sỹ thông qua các di vật ” đòi hỏi phải chính xác tuyệt đối, nên phải dựa vào các phân tích khoa học. Bởi theo tôi được biết cho đến nay, chưa có cơ sở khoa học để khẳng định yếu tố tâm linh trong công tác tìm kiếm mộ liệt sỹ sẽ cho kết quả chính xác tuyệt đối. **Pv: Và chị thường sử dụng các phương pháp khoa học nào trong công việc này?
Thượng tá Nguyễn Thị Tiến: Mỗi di vật tìm được nằm cùng hài cốt liệt sỹ, tôi đều mã hóa và lập hồ sơ lý lịch sưu tầm theo khoa học Bảo tàng: Miêu tả tình trạng (cũ, mới, màu sắc, hình dáng, kích thước, thông tin có trên di vật). Chụp ảnh dưới nhiều góc độ, lập biên bản giao nhận. Ghi rõ ai cất bốc mộ, cất bốc ở tọa độ nào? Sau khi bàn giao hài cốt phải ghi rõ: Nghĩa trang nào, mộ số bao nhiêu, hàng số mấy? Ngày giờ bàn giao hài cốt… Hiện trạng hài cốt? còn bao nhiêu răng, xương? phân hủy hay còn cứng? Sau khi có được hồ sơ về di vật, chúng tôi tiến hành các bước phân tích và truy tìm theo khoa học. Mặt khác các thông tin về di vật sẽ được đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng (báo, đài, phim tài liệu…) để có thêm thông tin hồi âm và làm căn cứ xác minh. Công đoạn cuối cùng là dùng phương pháp khoa học như xác định AND, Gen di truyền của hài đối, rồi đối chứng với thân nhân Liệt sỹ trước khi trả lại tên tuổi, quê quán cho liệt sỹ.
**Pv: Nhiều người nói là chị có cách, có khả năng “nghe” được tiếng nói từ các di vật của liệt sỹ. Một sự dẫn dắt của linh hồn, hay là nghiệm số của các thao tác nghiên cứu khoa học, thưa chị?
****Thượng tá Nguyễn Thị Tiến: **(Cười) Làm gì có chuyện tôi “nghe” được tiếng nói từ di vật, có thể do mọi người yêu quý mình nên họ nói quá vậy thôi. Tất nhiên đằng sau sự câm lặng, xù xì của mỗi di vật đều ẩn chứa những thông tin, nỗi niềm của người khi còn sống. Chỉ có điều là chúng ta không, hoặc chưa giải mã được những thông tin mà các di vật đang chứa đựng thôi. Nếu kiên nhẫn, thận trọng theo phương pháp khoa học và không được bỏ sót những manh mối dù nhỏ nhất, thì chúng ta có thể buộc di vật phải lên tiếng mà. Còn nói trong hành trình kiếm tìm phần mộ và di vật liệt sỹ có sự dẫn dắt của linh hồn thì không hẳn, nhưng trong tôi luôn đầy ắp sự nhiệt tình, trách nhiệm. Có thể đây là xuất phát từ tình thương và cảm phục của tôi đối với người đã nằm xuống. Chính vì vậy nghe thông tin ở đâu có di vật liệt sỹ là ngay lập tức tôi tìm đến. Còn phương pháp xác định để đi đến kết luận cuối cùng đòi hỏi tính chính xác cao, nên phải dựa vào các nghiệm số nghiên cứu khoa học.
Pv: Chị làm ở bảo tàng Quân khu 4, tức là làm công tác nghiên cứu lịch sử - văn hóa, nhưng lại gắn bó và có nhiều đóng góp cho việc xác định danh tính liệt sỹ. Chắc hẳn là có sự thôi thúc của tình đồng đội và trách nhiệm công dân đối với chị?
**Thượng tá Nguyễn Thị Tiến : **Dân tộc chúng ta đã chịu quá đau thương do chiến tranh gây ra. Giờ đây, dù tiếng súng đã lùi xa, nhưng những vết thương sẽ khó mà lành được. Vẫn còn rất nhiều những liệt sỹ đang nằm lại đâu đó ở miền xa tít tắp. Bản thân tôi là một người lính, gia đình tôi cũng có người là Sỹ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam. Vì thế, tôi luôn đặt mình trong hoàn cảnh của các bà mẹ, người vợ và anh em đang ngày đêm ngong móng tìm được hài cốt của người thân đã hy sinh, để thấu hiểu và cảm nhận được nỗi đau của họ. Hiện nay, tại các Nghĩa trang Liệt sỹ trên cả nước đang có rất nhiều phần mộ mang dòng chữ “vô danh” lạnh lùng . Như vậy, chúng ta đang nợ các Liệt sỹ và thân nhân của họ món nợ ân tình rất lớn. Tôi thấy mình phải có trách nhiệm với những người đã ngã xuống, bởi món nợ này đâu phải chỉ riêng ai.
Pv: Hiện nay “gian nhà thiêng” ở Bảo tàng Quân khu 4 là nơi duy nhất trong cả nước, lưu giữ và khai thác thông tin từ các di vật liệt sỹ phải không chị?
Thượng tá Nguyễn Thị Tiến: Đúng vậy, đây là nơi duy nhất trong cả nước có một không gian tâm linh bảo tồn di vật Liệt sỹ. Nơi đây vừa giáo dục truyền thống và kết nối xác minh tìm tên cho các liệt sỹ chưa biết tên. Lúc đầu việc tìm kiếm và xác minh tên tuổi Liệt sỹ chỉ bó gọn trong phạm vi đề tài khoa học: “Sưu tầm kỷ vật nằm cùng hài cốt liệt sỹ,góp phần xác minh tên tuổi cho liệt sỹ chưa biết tên”. Thế nhưng sau một thời gian áp dụng và thực hiện, đã có hơn 5.000 bức thư của thân nhân liệt sỹ gửi về từ khắp mọi miền cả nước thì công việc tìm kiếm không bó gọn trong phạm vi của đề tài nữa. Những bước đi và lịch sử của các quân đoàn, binh đoàn, các sư đoàn chủ lực, bộ đội địa phương, ngày tháng năm nào tác chiến ở đâu chúng tôi nắm tương đối chính xác. Thế nên chỉ nhìn qua giấy báo tử, là tôi có thể biết được ký hiệu, vùng miền… Dựa vào đó, chúng tôi có thể tư vấn cho thân nhân liệt sỹ nơi cần tìm đến một cách chính xác, không để cho các thân nhân liệt sỹ đi tìm hài cốt một cách thiếu căn cứ, thậm chí bị lợi dụng, lừa bịp.
Pv: Chị đã về nghỉ hưu, sức khỏe đã giảm sút nhiều, chị sẽ tiếp tục công việc ân nghĩa của mình với các liệt sỹ như thế nào?
Thượng tá Nguyễn Thị Tiến: Tôi nghỉ hưu theo chế độ nhà nước năm 2009. Trước khi nghỉ, tôi đã nghĩ đến những di vật liệt sỹ mà tôi đã lăn lộn kiếm tìm khắp các chiến trường, nhưng chưa tìm được tên cho chủ nhân của nó. Vì thế tôi đã xin phép Bộ Quốc Phòng được xây một không gian tâm linh, bảo tồn và giới thiệu những kỷ vật được tìm thấy cùng hài cốt liệt sỹ. BTL Quân Khu 4 cũng rất ủng hộ và gian nhà thiêng này được xây dựng, tọa lạc trên vùng đất Trung đô Núi Quyết, nơi vùng đất có nhiều cụm di tích Quốc gia. “Có một chiếc cầu không bắc qua sông…” là khi người ta nói về “gian nhà thiêng” này. Đúng vậy, đây là cây cầu để kết nối đôi bờ âm dương xa cách cho các liệt sỹ tìm về đất mẹ. Và tôi coi “gian nhà thiêng” này là quà tặng cao quý của Bộ Quốc phòng dành cho tôi. Hiện nay tôi không có nhiều sức khỏe để đi theo các đoàn quy tập đươc nữa rồi. Thế nhưng tôi vẫn tiếp tục tư vấn, sẻ chia những kinh nghiệm và kiến thức thực tế trong 15 năm đi tìm đồng đội.
** Pv: Còn điều gì khiến chị còn trăn trở không, thưa chị?
Thượng tá Nguyễn Thị Tiến: **Hiện còn rất nhiều gia đình liệt sỹ mong mỏi có được thông tin về con, em mình đã nằm xuống. Thiết nghĩ, mỗi người chúng ta cần chung tay, tìm kiếm một cách nghiêm túc và trách nhiệm.Thời gian quá xa, nhưng không vì thế mà việc kiếm tìm dừng lại… Chỉ có như vậy, món nợ của chúng ta đối với những người đã nằm xuống mới dịu bớt…
**Pv: Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện hôm nay. Chúc chị luôn dồi dào sức khỏe!
Thế Sơn
(thực hiện) **