Công văn nêu rõ mặc dù các cơ quan chức năng đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát nhưng giá cả nhiều loại mặt hàng hóa vẫn đang có xu hướng tăng, gây ảnh hưởng không tốt đến việc bảo đảm các cân đối vĩ mô của nền kinh tế cũng như gây tâm lý bất lợi trong dư luận xã hội.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính tập trung chỉ đạo, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc tuân thủ quy định của Pháp lệnh Giá đối với các loại hàng hóa, dịch vụ, trước hết là những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đối với sản xuất và đời sống như vận tải, ximăng, sắt thép, phân bón, gạo, sữa, thuốc chữa bệnh....

Thủ tướng cũng yêu cầu các tổ chức, cá nhân kinh doanh phải tuân thủ đầy đủ các quy định về đăng ký giá, niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết; đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định về quản lý giá.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện có hiệu quả chính sách tiền tệ, vừa bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao, vừa bảo đảm vốn cho tăng trưởng của nền kinh tế.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện ngay việc kiểm tra, kiểm soát đối với việc điều chỉnh giá bán của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu để bảo đảm đúng quy định của pháp luật, đồng thời làm tốt trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về kiềm chế lạm phát; nghiên cứu, trình sớm với các cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung các quy định hiện hành về kinh doanh xăng dầu cho phù hợp với tình hình và yêu cầu về quản lý kinh doanh nhằm kiềm chế lạm phát.

Bộ cũng chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Y tế tiếp tục thực thi các biện pháp nhằm giảm nhập siêu trong thời gian tới, trong đó cần đặc biệt chú ý đến việc áp dụng các hàng rào kỹ thuật phù hợp với quy định quốc tế để hạn chế nhập khẩu các hàng hóa tiêu dùng không thiết yếu.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan nghiên cứu, trình gấp với Thủ tướng Chính phủ cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp mua càphê để tiêu thụ cho người trồng khi giá càphê xuất khẩu xuống thấp; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ thí điểm cơ chế khoán đối với hoạt động nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin khách quan, kịp thời về giá cả thị trường, về quyết tâm và khả năng kiểm soát lạm phát, không tạo tâm lý đua nhau tăng giá./.

A. Hoàng