Các quan đại thần nhà Nguyễn trước điện trong lễ Nam Giao.
Cũng vì nhận thức việc thi cử là cực kỳ quan trọng nên vua và triều đình ra “Luật thi” rất nghiêm khắc. Từ hoàng thân, quốc thích tới thứ dân, ai phạm tội gian dối trong thi cử đều bị xử tội rất nặng. Nhẹ thì suốt đời làm nô lệ, tù đày, nặng thì tử hình.
Đất nước Việt Nam ta có lịch sử hàng ngàn năm bị Trung Quốc đô hộ. Người Trung Quốc mang chữ Hán và Nho giáo của đức Khổng Tử sang Việt Nam truyền bá. Người học trò xưa học, tu dưỡng theo triết lý Nho giáo nên còn được gọi là Nho sinh.
Nho sinh khi đi thi gọi là Sĩ tử, khi có danh vọng gọi là Sĩ phu. Sĩ tử, Sĩ phu lấy tư tưởng Trung quân, Ái quốc, Đạo đức liêm chính, thanh cao làm tôn chỉ khi ra giúp vua trị Quốc.
Nho giáo còn giúp xã hội có tính tổ chức cao, duy trì trật tự xã hội, các tiêu chuẩn đạo đức của xã hội được gìn giữ ở một mức khá cao, làm cơ sở xây dựng xã hội văn minh và ổn định lâu dài.
Nho giáo “truyền bá” tất cả những điều đó không phải bằng vũ lực, mà bằng chủ trương giáo dục toàn diện từ vua quan đến thần dân để mỗi người đều tự giác thực hiện tùy theo vị trí của mình với xã hội. Đó cũng là lý do tại sao những nước sùng đạo Nho đều rất coi trọng giáo dục. Ví dụ, trong sách học có câu: "Làm vua thì hết mình thực hiện đức nhân. Làm bề tôi thì hết mình thực hiện đức kính. Làm con thì hết mình thực hiện đức hiếu. Làm cha thì hết mình thực hiện đức từ. Cùng người trong nước quan hệ với nhau phải hết mình thực hiện đức tín".
Trong thế giới quan Nho giáo, cả ba yếu tố Quốc gia - Gia đình - Cá nhân đều có liên hệ chặt chẽ với nhau. Nho giáo xem cá nhân là yếu tố căn bản nhất cấu thành nên gia đình và xã hội. Mỗi cá nhân có đức hạnh tốt thì gia đình, xã hội sẽ tốt và ngược lại".
Nếu cuộc đời một sĩ tử có bất kỳ tỳ vết nào, ví dụ như gian dối, trộm cắp, bất hiếu với cha mẹ… thì có học mấy cũng tuyệt nhiên không bao giờ có hi vọng được thi cử, đỗ đạt.
Đất nước Việt Nam ta trải qua hàng ngàn năm duy trì giáo dục đạo đức Nho giáo Khổng Tử mà giữ được Quốc Đạo - Gia Đạo. Những vị vua biết yêu thương, chăm lo, hết lòng vì dân, lấy dân làm gốc rễ được gọi là Minh Quân.
Đất nước có Minh Quân thì luật pháp nghiêm minh, hệ thống quan lại tài năng, liêm khiết, người dân được sống đời sống yên bình, no ấm. Những triều đại có Minh Quân thường được kéo dài và bền vững, lịch sử ca ngợi và ghi nhận.
Từ rất lâu đời, qua nhiều năm tháng lịch sử, Nho giáo là nền tảng văn minh vững chắc cho trật tự xã hội Việt Nam. Đã có một thời yên bình, thịnh trị, con người đối xử với nhau bằng: nhân, trí, hiếu, lễ, nghĩa. Vua quan giữ đạo của vua quan. Người dân giữ đạo của thần dân. Xã hội trở nên thanh bình, đêm ngủ không lo trộm cướp, ra đường, vào nhà gặp người trên kẻ dưới thưa gửi lễ độ. Trong mỗi gia đình vợ chồng, con cái giữ lễ và gia đạo với nhau thật ấm cúng, hạnh phúc, thuận hòa.
Điều tất yếu là khi xã hội phát triển thì bên cạnh những yếu tố tích cực, Nho giáo bộc lộ nhiều hạn chế. Nhưng, thiết nghĩ một nền tảng đạo đức như thế thời nào, chế độ nào cũng cần, nếu như không muốn nói là đích hướng tới.
Nguyễn Thiếu Lăng