
Diễu hành mừng chiến thắng của nhân dân Việt Nam trên đường phố thủ đô Paris, Pháp, ngày 1-5-1975
50 năm đã trôi qua, nhưng chiến thắng 30-4-1975 vẫn mãi là mốc son chói lọi không thể phai mờ trong lòng nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế, được nhắc đến như sự kiện nổi bật nhất châu Á trong thập niên 70, ảnh hưởng sâu sắc đến khu vực và thế giới.
Có mặt tại Sài Gòn trong ngày 30-4-1975, phóng viên hãng tin Reuters (Anh) nhớ lại: “Là phóng viên có mặt tại Phủ tổng thống, tôi chứng kiến chiếc xe tăng đi đầu của quân giải phóng húc đổ cột bằng thép vững chắc và cán cờ ngụy rơi xuống đất, rồi vượt qua. Gần 10 xe tăng khác nhanh chóng tiến vào theo. Bộ đội Chính phủ Cách mạng tỏa ra khắp khu vực Phủ tổng thống. Lính gác Nam Việt Nam lập tức giơ tay xin hàng và tập hợp thành hàng ngũ chờ lệnh mới. Cờ Chính phủ cách mạng lâm thời tung bay trong không khí chiến thắng ở lan can tầng hai”.
Báo chí Mỹ cũng có nhiều bài viết về sự kiện này. Hãng tin Mỹ UPI ngày 30-4-1975 đưa tin: “Quân đội Cộng sản tươi cười lái xe tăng vào Phủ Tổng thống và hô vang “đồng chí” với những người đứng ở bên đường và các báo đang theo dõi. Họ thật sự không để ý đến sự có mặt của các nhà báo đang ghi lại sự đầu hàng lịch sử của Chính phủ Sài Gòn trước những người Cộng sản”. Còn với tựa đề “Sài Gòn sụp đổ”, tờ New York Time ngày 1-5-1975 chạy tít lớn suốt 8 cột trang nhất kèm theo hàng loạt tin, ảnh về sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn và chiến thắng của các lực lượng cách mạng Việt Nam.
Với bà Patricia Abarzua Munoz - Chủ tịch Hội hữu nghị Chile - Việt Nam, ký ức về chiến thắng 30-4 của nhân dân Việt Nam cách đây 50 năm vẫn đầy cảm xúc. Bà nhớ lại: “Khi đó ở Chile, chúng tôi vẫn sống dưới sự đàn áp của chế độ độc tài quân sự và các phương tiện truyền thông chính thống đưa rất ít về tình hình chiến sự ở Việt Nam. Tuy vậy, thông tin về chiến thắng 30-4 nhanh chóng được lan truyền từ người này sang người khác. Niềm vui vỡ òa được chúng tôi ăn mừng trong nhà và cố gắng nghe thêm thông tin qua Đài phát thanh Moscow, phương tiện truyền thông nước ngoài duy nhất có thể nghe được, nhưng cũng rất khó khăn. Tin vui chiến thắng cũng nhanh chóng lan đến một số nơi, khi nhận được tin này, tiếng reo mừng đã vang lên như Hồ - Hồ - Hồ Chí Minh... chúng ta sẽ chiến đấu đến cùng, hay như dân tộc đoàn kết sẽ không bao giờ bị đánh bại”.
Từ khắp nơi trên thế giới, những lời chúc mừng được gửi tới Việt Nam, nêu bật ý nghĩa của Đại thắng mùa Xuân năm 1975 và ảnh hưởng sâu sắc của chiến thắng này đến khu vực và thế giới. Bức điện mừng của Chủ tịch Ban Chấp hành T.Ư Đảng Cộng sản Trung Quốc - Mao Trạch Đông, Ủy viên trưởng ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc nước CHND Trung Hoa - Chu Đức, Thủ tướng Quốc vụ viện Chu Ân Lai có đoạn viết: “Thắng lợi của các đồng chí đã mở ra thời đại mới của Việt Nam đã được giải phóng, có ý nghĩa lịch sử và ý nghĩa quốc tế trọng đại. Thắng lợi của các đồng chí đã cổ vũ hết sức mạnh mẽ tất cả các dân tộc và nhân dân bị áp bức đang đấu tranh, nêu tấm gương sáng chói cho sự nghiệp cách mạng chống đế quốc của nhân dân toàn thế giới”.
Trong điện mừng gửi ngày 1-5-1975, Tổng Bí thư Ban Chấp hành T.Ư Đảng Cộng sản Liên Xô - Leonid Ilyich Brezhnev đánh giá: “Thắng lợi đó là thắng lợi chung của các dân tộc đấu tranh cho hòa bình, tự do và độc lập, thắng lợi của tất cả các lực lượng chống đế quốc, là một cống hiến to lớn vào cuộc đấu tranh cho hòa bình ở Đông Nam Á, ở lục địa châu Á và trên toàn thế giới...”.
Trong bài xã luận số ra ngày 1-5-2000, báo Asahi Shimbun (Nhật Bản) viết: “Chiến tranh Việt Nam đã kết thúc với thắng lợi của lực lượng giải phóng, điều đó nói lên rằng, thời đại các nước lớn dùng sức mạnh bóp nghẹt chủ nghĩa dân tộc đã chấm dứt rồi”. Tờ Phẩm giá, cơ quan ngôn luận của Đảng Dân chủ Guinea, số ra ngày 4-5-1975 thì khẳng định: “Thắng lợi này của nhân dân Việt Nam là một đóng góp vô giá, một tấm gương lịch sử đối với cách mạng thế giới mà các thế hệ ngày nay và mai sau mãi mãi khâm phục, chiêm ngưỡng và cần phải học tập”.
Nguyên là Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam trong thời gian chiến tranh chống Mỹ, Thượng tướng, giáo sư, tiến sĩ khoa học quân sự Anatoly Ivanovich Khiupenen khẳng định: “Lãnh thổ Việt Nam có thể bị xâm chiếm nhưng nhân dân Việt Nam không bao giờ chịu khuất phục. Lịch sử hàng nghìn năm của Việt Nam cho thấy những kẻ xâm lược cuối cùng đều phải rút chạy khỏi Việt Nam...Các bạn là một dân tộc kiên cường. Chúng tôi luôn ở bên các bạn”.
Với nước Mỹ, thất bại trong chiến tranh Việt Nam đã để lại nhiều tác động. Nhà sử học Nigel Cawthorne nhận xét: “Nếu phía Mỹ không bị tổn thương về mặt thể xác thì sự hủy hoại về mặt tâm lý phải gánh chịu không thể tính toán hết. Việt Nam là một cuộc chiến tranh đầu tiên mà Mỹ thất bại trong việc giành chiến thắng và đã đẩy nước Mỹ đến những phân rẽ cay đắng”.
Tiến Thành