Suy giảm thính lực là sự suy giảm hoặc mất khả năng nghe, bệnh hay gặp ở người cao tuổi, còn được gọi là lão thính.
Dấu hiệu nhận biết
Suy giảm thính lực do tuổi già thường có các biểu hiện sau: Các âm thanh nghe được thường nhỏ và không rõ ràng khiến bệnh nhân gặp khó khăn khi lắng nghe, hiểu; cảm thấy rất khó nghe do âm thanh nhỏ; không hiểu rõ lời nói của người đối diện, đặc biệt khi xung quanh có tiếng ồn; hay phải dùng các từ như: hử? hả? cái gì? gì cơ? trong khi nói chuyện; thường hỏi lại người khác nói gì vì không nghe rõ; âm thanh quá to có thể khiến bệnh nhân khó chịu cũng có thể xảy ra; ù tai…
Suy giảm thính lực ở người cao tuổi tuy không đe dọa tính mạng bệnh nhân nhưng gây ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng sống của người bệnh.
Cách trị suy giảm thính lực cho người già
BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng - Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh T.P Hồ Chí Minh cho biết: Những thay đổi liên quan đến tuổi tác trong thính giác là hệ quả tự nhiên của việc già đi, hay nói cách khác đó là sự lão hóa tự nhiên và chúng ta không có cách nào chống lại được. Tuy nhiên, chúng ta có thể can thiệp để ngăn ngừa hoặc trì hoãn các hậu quả của việc suy giảm thính lực gây ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần, nhận thức và thể chất.
Máy trợ thính: Tuy không thể đảo ngược những thay đổi liên quan đến tuổi tác và những thay đổi này sẽ tiếp tục xảy ra ngay cả khi điều trị nhưng máy trợ thính có thể giúp cải thiện các triệu chứng lãng tai ở người già. Cần khuyến khích người cao tuổi sử dụng thiết bị này thường xuyên và tham gia vào quá trình phục hồi thính giác để có thể thích nghi về mặt nhận thức và hành vi.
Phẫu thuật: Trong trường hợp máy trợ thính không thể giúp cải thiện lãng tai ở người lớn tuổi thì điều trị bằng phẫu thuật có thể được lựa chọn.
Cấy điện cực ốc tai: Áp dụng cho trường hợp lãng tai nặng, không đáp ứng máy trợ thính.
Phòng ngừa suy giảm thính lực ở người già
Các khuyến nghị để làm chậm lại quá trình lãng tai ở người già bao gồm:
Tầm soát:Người từ 60 tuổi nên thực hiện sàng lọc suy giảm thính lực ít nhất mỗi năm 1 lần hoặc khi cảm giác nghe kém tại các phòng khám chuyên khoa Tai mũi họng có phòng đo thính lực.
Duy trì lối sống lành mạnh: Do bệnh lãng tai ở người lớn tuổi có liên quan đến các yếu tố nguy cơ tim mạch, nên chúng ta cần duy trì lối sống lành mạnh, tập thể dục mỗi ngày, tránh hút thuốc… có thể giúp trì hoãn sự khởi phát và làm chậm quá trình suy giảm thính lực.
Giảm thiểu tiếng ồn trong sinh hoạt: Tiếng ồn rất có hại cho thính lực nên người già nên sống ở những nơi yên tĩnh, tránh xa âm thanh có cường độ lớn, kích thích mạnh.
Không ngoáy tai:Dễ làm tổn thương và rách màng nhĩ, gây viêm nhiễm, tổn thương tới thính giác.
Không được để nước vào tai:Rất dễ bị viêm nhiễm tai giữa, làm tình trạng suy giảm thính lực ngày càng nghiêm trọng hơn.
Nên ăn những thực phẩm sau: Ăn cá, đậu nành, rau cải, cà rốt, các loại hải sản; Chế độ ăn giàu sắt có tác dụng làm giãn mạch máu, làm mềm các tế bào hồng cầu, giúp tai được cung cấp đủ máu, từ đó làm chậm lại tình trạng giảm thính lực: mộc nhĩ đen, gan động vật, thịt nạc, rau cần, rau chân vịt…
Bên cạnh đó chế độ làm việc nghỉ ngơi khoa học, ngủ đủ giấc, giảm áp lực trong cuốc sống cũng giúp ngăn chặn lão hóa thính lực rất tốt.
Thành An