Gaza chìm trong khói lửa.
Ngoại trưởng Mỹ - Antony Blinken vừa thực hiện chuyến thăm “con thoi” đến Trung Đông, với mục tiêu chủ yếu là tìm kiếm một giải pháp có thể được cả Israel và Hamas chấp nhận trong việc phóng thích con tin, ngừng bắn dài ngày, ngăn chặn xung đột không lan rộng thêm để có thể tập trung cho cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang nóng lên từng ngày trong nước. Ngoài Israel và Hamas, Ngoại trưởng Mỹ còn phải tác động, thuyết phục các nhà trung gian hòa giải trực tiếp tại khu vực như Ai Cập, Saudi Arabia, Qatar… cùng các thế lực bên ngoài như Iran mà mọi động thái của họ có thể ảnh hưởng đến cục diện Trung Đông.
Đây là chuyến đi thứ 5 của Ngoại trưởng Mỹ đến "chảo lửa" này từ khi bùng phát xung đột Israel - Hamas.
Tuy nhiên, các nỗ lực của ông Blinken vẫn chưa thể lay chuyển được quan điểm cứng rắn của Thủ tướng Israel - Netanyahu, người tiếp tục khẳng định chỉ có biện pháp quân sự mới có thể đảm bảo giải cứu các con tin đang bị lực lượng Hamas bắt giữ tại dải Gaza.
Trong khi đó, tình hình Trung Đông vẫn có những diễn biến leo thang mới, thậm chí “vết dầu” từ Gaza đã loang ra Biển Đỏ, Syria, Liban…, khiến Mỹ hứng chịu mất mát về cả uy tín, ảnh hưởng lẫn nhân mạng. Với lý do ủng hộ người dân Palestine, lực lượng Houthi tại Yemen đang triển khai chiến dịch tập kích các tàu đi qua Biển Đỏ, không chỉ tàu hàng mà cả tàu chiến Mỹ. Tình hình trở nên tệ hơn khi các căn cứ trên bộ của Mỹ trong khu vực cũng trở thành mục tiêu tấn công của các nhóm vũ trang, gây thương vong cho hàng chục binh sĩ Mỹ. Thế nhưng, cho đến nay, các động thái của Mỹ chủ yếu mang tính đối phó với các diễn biến trên thực địa, hầu như chưa thể giải quyết tận gốc tình hình.
Có thể nói, cuộc xung đột Israel - Hamas cùng những hệ quả của nó đã đặt ra cho chính quyền Tổng thống Mỹ - Biden nhiều bài toán khó. Một mặt, ông Biden khó có thể bỏ rơi Israel, đối tác truyền thống và đồng minh tin cậy nhất của Mỹ tại Trung Đông. Mặt khác, Mỹ lại phản ứng tương đối thận trọng trong việc đối phó với các cuộc tấn công của các nhóm vũ trang được cho có quan hệ với Iran trên khắp khu vực. Washington dường như cũng muốn "giữ khoảng cách" nhất định, tránh xung đột trực tiếp với Tehran, mặc dù phe "diều hâu" vẫn thúc đẩy nỗ lực này sau vụ tấn công nhằm vào binh sĩ Mỹ.
Nhiều nhà phân tích cho rằng chính sách Trung Đông của Mỹ đã thất bại và đây là cái kết từ những gì Washington đã làm trong nhiều năm qua:
Một là, dù không có bất kỳ hiệp ước quân sự nào với Mỹ và không là thành viên NATO, Israel luôn được Mỹ “nuông chiều” một cách thái quá. Chính sách này giúp các đời Tổng thống Mỹ, một mặt tận dụng được sự ủng hộ của những thành viên cả hai đảng Dân chủ, Cộng hòa và cử tri Mỹ có truyền thống ủng hộ Nhà nước Do Thái; mặt khác, để sử dụng Israel làm xung kích trong chiến lược Đại Trung Đông của mình. Nên, dù quân đội Israel có hành động “quá mức cần thiết”ở Gaza (lời Tổng thống Biden) thì Washington cũng không dễ dàng thuyết phục Tel Aviv thay đổi đường hướng của họ.
Hai là, Mỹ coi việc đối phó với Trung Quốc và Nga, cũng như giúp đỡ Ukraine trong việc “làm chảy máu” Nga là ưu tiên hàng đầu. Như ông Firas Modad - chuyên gia về Trung Đông, người sáng lập hãng tư vấn Modad Geopolitics, thì: "Mỹ không thể làm mọi thứ. Họ đang bị dàn trải quá mức. Họ cần lựa chọn một hoặc hai mặt trận, nhưng họ không thể theo đuổi cả ba cùng một lúc". Ông Modad cũng cho rằng chính sách của Mỹ đã thúc đẩy Trung Quốc, Nga và Iran xích lại gần nhau.
Theo cựu Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ - Dov Zakheim: Trừ khi muốn để Trung Đông rơi vào tay Iran, Washington sẽ phải đối mặt với thực tế không mấy vui vẻ, là nhanh chóng tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng. Nhưng đây cũng là điều khó khăn trong bối cảnh chính trị hiện nay.
Đăng Song