Vị trí Rafah và cửa khẩu Rafah.
Bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế kể cả đồng minh số một Mỹ, đêm 6-5-2024, các đơn vị thuộc lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) tiến vào khu vực phía đông T.P Rafah thuộc dải Gaza. Phía Israel công khai tuyên bố mục đích của chiến dịch là tiễu trừ các đơn vị vũ trang Hamas đang trú đóng tại đây, gây áp lực buộc Hamas phải chấp nhận thỏa thuận có lợi cho Israel và thúc đẩy mục tiêu diệt phong trào Hồi giáo này.
Rất nhanh, các đơn vị IDF đã giành quyền kiểm soát cửa khẩu Rafah giáp biên giới với Ai Cập.
Rafah là một thành phố nhỏ ở phía nam dải Gaza. Vốn chỉ có khoảng 300.000 dân, chỉ trong thời gian ngắn sau khi IDF tấn công Gaza ngày 7-10-2023, thành phố chật hẹp này đã trở thành nơi trú ngụ của 1,4 triệu người dân Palestine chạy nạn bom đạn và 4 tiểu đoàn Hamas cùng bộ phận đầu não của tổ chức này. Phía tây giáp biển Địa Trung Hải, phía đông giáp Israel, Rafah cũng là cửa khẩu duy nhất thông sang Ai Cập, giúp cung cấp lương thực và nhiên liệu cho Gaza, đồng thời chuyển những người bị thương nặng và người nước ngoài sang Ai Cập. Nay, với việc Israel chiếm đóng cửa khẩu này, các hoạt động cứu trợ nhân đạo sẽ bị ngưng trệ, đe dọa tính mạng hàng triệu người Palestine đang kiệt sức vì đói khát, thương tật và ốm đau.
Vấn đề Rafah cũng có những thăng trầm lịch sử. Trước đây, thành phố nằm dưới sự cai quản của Jordan (vốn kiểm soát khu vực Bờ Tây từ năm 1950) và Ai Cập (kiểm soát Gaza từ năm 1957). Từ sau cuộc chiến tranh sáu ngày năm 1967, Israel nắm quyền kiểm soát các khu vực này. Sau khi Hiệp định Oslo được ký kết (1990), Israel từ bỏ một số quyền kiểm soát, tuy nhiên, người Israel vẫn tiếp tục sống ở đó (gọi là “người định cư”) và đến năm 2005 thì rút hẳn các khu định cư. Nay, với kế hoạch tái chiếm Rafah, Tel Aviv còn nhằm mục tiêu cải thiện an ninh và vị thế quốc tế của Israel trong trường hợp không có đàm phán hòa bình với người Palestine.
Nhiều nước đã lên án cuộc tấn công Rafah của Israel, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế can thiệp ngay lập tức để ngăn chặn. Người phát ngôn Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) - James Elder cảnh báo: Hành động quân sự này có thể khiến việc chuyển hàng cứu trợ trở nên vô cùng phức tạp và việc đóng cửa khẩu Rafah trong thời gian dài chắc chắn sẽ dẫn đến nạn đói. Ông Elder cũng nhấn mạnh: "Rafah là thành phố của trẻ em - chiếm hơn một nửa số trẻ em của dải Gaza, trong đó, hàng trăm nghìn em bị khuyết tật và đang trong tình trạng y tế yếu kém hoặc dễ bị tổn thương, khiến chúng càng gặp nguy hiểm hơn. Không được phép thực hiện chiến dịch ở Rafah”.
Sau cuộc tấn công ngày 6-5 của Israel, Hamas lên tiếng chấp nhận một đề xuất do Ai Cập và Qatar đồng bảo trợ, theo đó, trong vòng 42 ngày, Israel phải rút toàn bộ quân khỏi Gaza và thả các tù nhân Palestine, Hamas thả những thường dân Israel đang bị họ giam giữ ở Gaza, cuối cùng tiến tới ngừng bắn vĩnh viễn. Tuy nhiên, Thủ tướng Israel - Benjamin Netanyahu bác bỏ đề xuất này. “Đề xuất còn rất xa mới đáp ứng các yêu cầu của chúng ta… Israel không thể chấp nhận một đề xuất gây nguy hiểm cho an toàn của công dân và tương lai của đất nước” - ông Netanyahu nói. Mặt khác, trước việc Mỹ quyết định dừng chuyển giao 3.500 quả bom cỡ lớn đồng thời cảnh báo sẽ cắt viện trợ quân sự nếu IDF tiếp tục tấn công Rafah, ông Netanyahu khẳng định: Israel có đủ vũ khí, đạn dược cho chiến dịch tấn công quy mô lớn vào thành phố này. “Chúng ta sẵn sàng chiến đấu đơn độc nếu không có sự trợ giúp của đồng minh”!
Lập tức, đêm 9-5, nội các an ninh Israel quyết định cho phép IDF mở rộng tấn công “hạn chế” vào Rafah. Ngày hôm sau 10-5, xe tăng Israel tiến vào bên trong Rafah theo tuyến đường chính cắt đôi thành phố thành hai nửa Đông, Tây và bao vây phần Đông.
Như vậy, nỗi đau Gaza có nguy cơ vẫn tiếp diễn ở Rafah với mức độ lớn hơn.
Đăng Song