Sau hơn 1 năm trên cương vị Sư đoàn trưởng Sư đoàn 330, cùng đơn vị làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Campuchia, cuối năm 1981, tôi được điều động về giữ chức Phó Tham mưu trưởng Quân khu 9, phụ trách tác chiến. Chưa đầy 1 năm làm Phó Tham mưu trưởng quân khu, ngoài giúp Tư lệnh và Tham mưu trưởng về lĩnh vực tác chiến, tôi còn tham gia giải quyết một số công việc khác, trong đó có việc là trực tiếp giải quyết phi vụ được anh em khi đó nói vui là “quân ta đánh quân mình”.
Vào một chiều đầu mùa khô 1982-1983, tôi được Trực ban tác chiến quân khu báo cáo xảy ra cuộc đụng độ giữa một đơn vị vận tải thuộc Tổng cục Hậu cần với một đơn vị công an Cần Thơ. Nhận được báo cáo, tôi cho Phòng Tác chiến cử cán bộ ra nắm tình hình. Anh em đi một lúc về báo cáo “chiến sự” diễn ra khá căng thẳng. Đã xảy ra “đọ súng” giữa hai bên, tuy chưa ai thương vong, nhưng nếu cứ để kéo dài tình trạng này, rất nguy hiểm.
- Nguyên nhân đụng độ?- Tôi hỏi.
Đồng chí Trưởng phòng Tác chiến báo cáo: Do yêu cầu của Tiền phương Bộ Quốc phòng ở Campuchia, đơn vị vận tải có nhiệm vụ về nhận gạo ở cảng Trà Nóc, Cần Thơ, để chuyển sang bảo đảm cho các đơn vị làm nhiệm vụ giúp bạn bên đó. Không rõ vì lý do gì mà mà kho không cấp gạo. Một số anh em đơn vị vận tải cho rằng người hậu phương không những không chia sẻ sự gian khổ, hy sinh, thiếu thốn của bộ đội tình nguyện mà còn gây khó khăn. Từ “khẩu chiến” đã dẫn đến đụng độ; rồi tiến thêm một bước, đơn vị vận tải chiếm cảng. Lập tức Công an Cần Thơ vào cuộc. Việc Công an vào cuộc như đổ thêm dầu vào lửa; từ đấu khẩu đã tiến tới “đấu súng”.
Nắm sơ bộ nguyên nhân và diễn biến sự việc, tôi lệnh cho Phòng Tác chiến điều và chỉ huy ba chục đồng chí vệ binh xuống cảng Trà Nóc giải quyết vụ việc; nhưng đến gần nửa đêm, sự việc vẫn chưa chấm dứt. Tình thế, buộc tôi trực tiếp vào cuộc. Khi tôi tới nơi đã 24 giờ, mà phía cảng vẫn gằn lên từng loạt đạn AK.
Không thể để tình trạng này kéo dài, tôi cùng mấy sĩ quan tham mưu đến thẳng vị trí có tiếng súng. Bị một tốp bộ đội ngăn lại, tôi nhẹ nhàng giới thiệu là cán bộ tham mưu Quân khu 9, muốn gặp chỉ huy đơn vị, thì được thông báo lực lượng trong cảng là bộ đội vận tải, còn công an đã rút ra ngoài, đóng cách chừng 400m. Bộ đội từ trong bắn ra; công an từ ngoài bắn vào.
Quan sát làn đạn của hai bên, tôi thấy phía công an bắn thẳng và thấp; còn phía đơn vị vận tải bắn lên cao, chỉ mang tính thị uy, cảnh cáo. Sau một thoáng suy nghĩ, tôi bảo đồng chí lái chiếc xe Jep mà chúng tôi đi từ Quân khu bộ ra, bật đèn pha cực sáng, rú ga, tiến vào cổng cảng Trà Nóc. Tôi ngồi trên xe, dùng loa tay, nói rất to:
- Tôi, Ba Trà - Tham mưu phó Quân khu 9. Đề nghị hai bên cả bộ đội, công an không được nổ súng. Chỉ huy đơn vị ra gặp tôi ngay để giải quyết vụ việc. Nếu còn tiếp tục dùng súng, sẽ phải chịu tội trước quân pháp!
Chỉ với lần thứ ba tôi nhắc lại mệnh lệnh trên thì mọi chuyện đã an bài. Phía đơn vị vận tải “ngừng bắn” trước. Ngay sau đó, chỉ huy hai đơn vị đến gặp tôi, trình bày đủ mọi “lý do, lý trấu”. Thật bất ngờ và lý thú, khi vị chỉ huy công an nói:
- Nghe tiếng anh Ba là tụi em chịu luôn. Trước đây nghe dân Cần Thơ nói nhiều về anh Ba, nay mới được gặp; anh xá lỗi cho tụi em…
Tôi cho mời cả đại diện cảng và chân tình nói với anh em: Đúng sai sẽ giải quyết sau. Cơ quan Quân pháp sẽ làm việc với các vị. Nhưng muốn nói gì thì nói, để xảy ra cảnh “quân ta bắn quân mình” như vừa rồi là không thể chấp nhận. Điều phải làm ngay là cố gắng cân đối lượng gạo hiện có, tính toán ưu tiên cho phía trước và chuyển ngay sang cho bộ đội đang làm nhiệm vụ ở bên đất bạn…
Chỉ huy đơn vị vận tải và công an cứ thay nhau phân trần: vì nóng nảy, mất bình tĩnh, “cả dận mất khôn” đã để xảy ra vụ việc đáng tiếc, mong chúng tôi làm ơn “nương tay!”...
Đại tướng Phạm Văn Trà kể, Duy Tường ghi