Các em có hoàn cảnh khó khăn được học nghề và làm việc trong xưởng in do ông Tự mở.
Như mọi lần, ông gác lại việc nhà, tất bật xếp hàng cứu trợ lên xe trực tiếp đi cứu trợ. Tôi hỏi nguyên cớ khiến ông luôn đi lo công việc từ thiện ông kể:
- Năm 1995, tôi phải nằm viện trong cảnh ngộ gia đình nghèo, lại neo đơn, đã được một bà cụ là thương binh thời chống Pháp, quê ở Phú Thọ cùng nằm viện đến giúp đỡ, nào là lấy cơm, rót nước, nhường những thứ ăn ngon và động viên tôi ăn như người ruột thịt. Sự giúp đỡ của “người dưng nước lã” ấy đã làm ấm lòng tôi. Và từ ấy tôi chỉ mong có cơ hội được giúp đỡ những người hoạn nạn khó khăn.
Nghĩ thế và từ đó ông làm thế... Từ những em nhỏ ở các vùng quê lang thang lên Hà Nội kiếm ăn, đến những cụ già không nơi nương tựa... hễ biết là ông cưu mang, giúp đỡ.
Ông kể: Có lần một người bạn gọi điện báo cho ông biết một cháu bé tên là Tuấn, 11 tuổi, quê ở Nghệ An ra Hà Nội kiếm sống, nợ bạn có 10.000 đồng chưa trả được mà mỗi ngày bị chúng đánh một trận “hội đồng”. Ông tức tốc đến ngay, đúng lúc Tuấn đang bị đánh. Không nói nửa lời, ông rút tiền trả đám trẻ, rồi quay sang bảo Tuấn theo ông về nhà ông để học nghề. Và ông đã đào tạo cho Tuấn nay trở thành ông chủ của một trang trại lớn ở Vũng Tàu.
Lại một trường hợp khác: Chị Loan, quê ở Phú Thọ, bị người yêu truyền “bệnh thế kỷ” rồi bỏ rơi.
Biết hoàn cảnh của Loan ông đưa về nhà chăm sóc, tận tình cứu chữa, với mong muốn Loan khỏi bệnh để hòa nhập được với cuộc sống. Nhưng Loan không khỏi. Khi chị Loan mất, ông lo mai táng, xây mộ cho Loan, xem như đứa con bất hạnh của mình.
Rất nhiều những mảnh đời kém may mắn khác nữa đã được ông giúp đỡ mà ông không thể nhớ hết. Tiếng lành đồn xa, càng ngày càng nhiều người lang thang cơ nhỡ, khuyết tật tìm đến nhà ông xin được cứu giúp. Ông nghĩ: “Mình không thể cho các em con cá, mà phải trang bị cho các em chiếc cần câu”.
Nghĩ là làm, ông mở xưởng in, dạy cho các em học nghề. Sau khi học được nghề, ông giới thiệu cho các em ra ngoài tự kiếm sống bằng nghề của mình. Hết lớp này đến lớp khác, cứ lần lượt như thế…
Tiễn ông lên xe mang quà đến giúp đỡ bà con Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam vùng bị thiệt hại trong bão lũ, tôi thầm nghĩ, trong cuộc sống với bộn bề những lo toan hiện nay, cần lắm những tấm lòng như ông Tự, cho cuộc đời này ngày một trở nên tốt đẹp hơn.
Bằng những việc làm nhân văn, cao cả, ông đã viết nên câu chuyện thấm đẫm tình người, tình đời. Điều ông tự nhủ mình là: “Ta làm việc thiện ngày hôm nay thì ngày mai sẽ có người làm việc thiện lại với ta… Nhiều người làm việc thiện thì cuộc sống sẽ thanh thản và đầy ắp niềm vui”.
Thành An