Thay lời mở đầu **
Để thực mục sở thị “người cứu Lập Lễ”, ngay sau hội nghị tôi tìm về trang trại nuôi cá rộng 4ha đẹp như một bức tranh thủy mặc của ông ở xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên, TP Hải phòng.
Ông không còn trẻ nữa, nhưng rắn chắc như một lực điền. Nhất là “chạm” vào chuyện sản xuất kinh doanh thì ông nói như máy khâu. Tôi phải mở máy, ghi âm mới kịp.
Thì ra, ý lãnh đạo TP nói ông cứu Lập Lễ là thời gian sau khi rời quân ngũ (năm 1980) về tham gia 33 năm liên tục công tác ở địa phương với nhiều cương vị khác nhau, nhưng lâu nhất là gần 20 năm làm bí thư kiêm Chủ tịch HĐND; chủ tịch UBND xã Lập Lễ.
Mãi đến năm 2013 ông mới nghỉ hưu và bắt tay vào làm kinh tế gia đình... “nhoáng” cái trở thành ông chủ có cơ ngơi hàng chục tỉ đồng, ở “nhà lầu, xe hơi”.
Một góc ao cá nhà ông Lực (đứng thứ nhất bên trái)**** **
Bây giờ các con của ông đều đã trưởng thành. Đứa thay ông làm chủ doanh nghiệp; đứa đang đi học nước ngoài.
Nghe sơ sơ tưởng đời ông “nhung lụa” lắm. Nhưng không phải! Thậm chí ngược lại. Đúng là ông chưa bao giờ được an nhàn. Và ông có nhiều nỗi đau, thậm chí cả oan ức…
**“Tôi lãnh đạo được vì tôi trong sạch” **
Tôi biết ông nói với tôi như thế là có ý của ông, muốn nhắn nhủ lại những lời gan ruột với thế hệ sau. Bởi bây giờ ông đã “gác kiếm” và điều ông nói đã được nhân dân và các cấp chính quyền địa phương thừa nhận.
Ông kể, nếu ông không nghĩ đến trách nhiệm của mình phải giữ biển cho nhân dân Lập Lễ thì ông đã giầu to ngay từ năm 1997 rồi.
Năm đó, một số đơn vị, cá nhân nghĩ ra trò “mua tàu trả chậm” của Trung Quốc, nhằm hợp thức hóa thủ tục để ngư dân Trung Quốc vào đánh bắt cá. Là Chủ tịch UBND xã, nếu đồng ý ký cho họ “mua” 20 tàu thì ông sẽ được nhận số tiền Nhân dân tệ tương đương với 2,6 tỷ đồng tiền Việt Nam.
Nhưng ông đã vượt qua được “lợi ích nhóm” đó. Mặc dù kinh tế gia đình nhà ông cũng rất khó khăn.
Một mặt ông giữ cho biển Lập Lễ yên lành, một mặt ông báo cáo với cấp trên thủ đoạn vét cá hủy diệt bằng xung điện của ngư dân Trung Quốc. Thảo nào, những năm đó không ít vùng biển phía Bắc nước ta trở thành “biển chết” là do để ngư dân Trung Quốc vào đánh cá trái phép ban đêm.
Việc ông làm trở nên điển hình, Ban Kinh tế Trung ương cùng các ngành chức năng đã về kiểm tra để tại Hội nghị Đánh bắt xa bờ toàn quốc, Phó Thủ tướng Trần Đức Lương (sau này là Chủ tịch nước) chủ trì đã quyết đinh chấm dứt hoàn toàn tàu cá Trung Quốc đánh cá ở bờ biển Việt Nam từ ngày 30-6-1997.
Đó là “cám dỗ” to, còn “cám dỗ” nhỏ ở cái xã Lập Lễ được mệnh danh là “bãi vượt biên” này thì những người đứng đầu của xã luôn là mục tiêu số một phải mua chuộc của các thuyền nhân. Vậy mà ông không tơ hào một đồng tiền hối lộ nào, để giữ nghiêm pháp luật.
Có phải vì “nói không với tham nhũng” mà năm 2001 ông bị kẻ xấu “bẫy” phạm tội làm giả giấy tờ tài liệu cơ quan và bị khởi tố. Ông được minh oan… Nhưng đến năm 2015, ông đang ở cương vị Bí thư Đảng ủy xã mà chỉ trước ngày Đại hội Đảng bộ có 8 ngày, ông lại bị kẻ ác tạt a xít để lại vết sẹo dài ở cổ cho đến nay.
Vừa kéo áo cho tôi nhìn vết sẹo ông vừa chua chát nói:

  • Đây là thương tích trong chống giặc nội xâm.
    Năm đó Đảng, chính quyền và nhân dân xã Lập Lễ vẫn một mực bầu ông tái giữ chức Bí thư Đảng ủy xã.
    Triết lý của ông Lực** Ông Lực trang đổi với Phóng viên về kinh nghiệm xây dựng phong trào đánh bắt cá xa bờ của Lập Lễ
    **Theo triết lý của ông thì người cán bộ trước hết phải sống trong sạch. Nhưng không phải trong sạch chỉ để trong sạch. Mà phải từ uy tín của trong sạch mà làm những việc có lợi cho dân, cho nước.
    Ngẫm điều ông nói đúng thật. Chớp thời cơ nhà nước ta cấm tàu Trung Quốc vào đánh bắt cá, ông bàn với lãnh đạo xã phải phát triển nghề đánh bắt xa bờ và nuôi trồng thủy sản thì mới cứu được Lập Lễ hiện đang là xã “thuyền nhân” yếu kém nhất của Thành phố. Xã mạnh dạn cử những ngư dân giỏi đi đến các tỉnh miền Trung học tập kỹ thuật đánh bắt cá xa bờ; khuyến khích tư nhân thành lập công ty chế biến thủy sản... Đồng thời mở con đường dài hơn 4km từ con đường lớn cuối thôn Đầu Cầu nối với cảng Mắt Rồng và xây dựng Dự án nối dài Quốc lộ 10 thẳng về Mắt Rồng để vận chuyển vật liệu đóng thuyền cỡ lớn, gỡ được trở ngại muôn đời nay làm ngư dân Lập Lễ không đóng được tàu lớn…
    Một người đầu tàu, hai người đầu tàu, cả xóm đầu tàu, dần dần không những Lập Lễ phục hồi lại được nghề đánh bắt hải sản, còn phát triển lên đánh bắt xa bờ. Từ chỗ cả khu vực biển rộng lớn trước đây chỉ có 8 tàu đánh bắt xa bờ, công suất 105CV thì đến năm 1998 - 1999 đã tăng vọt lên 400 tàu đánh bắt xa bờ với công suât hơn 500CV trở lên. Ngoài ra còn 400 phương tiện tàu, thuyền khác thường xuyên đánh bắt hải sản gần bờ , thu hút hàng ngàn lao động.
    Thế là Lập Lễ từ xã “yếu toàn diện” dân bỏ nghề đi “phục vụ” thuyền nhân vượt biên; an ninh trật tự rất phức tạp đã phát triển lên trở thành xã điển hình của TP Hải Phòng và cả nước về phong trào khai thác và nuôi trồng thủy sản.
    **Cứu nhà **
    Ông là lãnh đạo “to” nhất của xã mà gia đình vẫn nghèo, không ít người nghi hoặc khả năng làm giàu của ông!
    Nhưng họ đã nhầm. Năm 2013 nhận quyết định về hưu ngày hôm trước, ngày hôm sau ông bắt tay ngay vào nuôi trồng thủy sản theo phương pháp thâm canh (phương pháp xã đang vận động bà con làm theo). Nghĩa là, chia đầm lớn thành những đầm nhỏ, đắp bờ cao, đào sâu, dùng nước sạch để thả các lại cá phù hợp như cá Vược, cá Lăng… Trên bờ kết hợp trang trại trồng rau sạch, nuôi gia cầm.
    Khó khăn nhất của ông là không có tiền đầu tư. Thế là ông quyết định bán 6ha đầm để lấy tiền đầu tư vào 4ha còn lại.
    Giỏi chưa?
    Chỉ sau vài năm mà 4ha đầm vốn còi cọc đã trở thành khu trang trại tổng hợp, tạo việc làm ổn định cho từ 15 đến 20 người, lúc thời vụ lên đến 40 người, lương bình quân từ 5 đến 6 triệu đồng/người/tháng. Tổng trị giá trang trại của ông khoảng từ 8 đến 10 tỷ đồng, doanh thu hằng năm từ 4,5 đến 5 tỷ đồng, lãi 2 tỷ đồng/năm.
    Từ kinh nghiệm của mình ông vận động anh em trong Hội CCB làm theo. Nay thì cả xã Lập Lễ đã bỏ kiểu nuôi trồng thủy sản quảng canh ( nuôi trồng tự nhiên, phụ thuộc vào thời tiết, khí hậu) sang thâm canh. Lập Lễ bây giờ trở thành xã giầu nhất, nhì của TP Hải Phòng, san sát biệt thự, đường thôn, xã rộng thênh thang, người xe nườm nượp... Tôi hỏi ai cũng bảo "Nhờ công ông Lực chủ tịch"
    Có lẽ đây là phần thưởng lớn nhất dành cho ông - người CCB, nguyên là cán bộ trinh sát thuộc Tổng cục Tình Báo, Bộ Quốc phòng, đã từng có vinh dự đi “mở đường” đón đồng chí Phi-đen Cát-xtơ-rô thăm Quảng Trị - Vùng Giải phóng miền Nam Việt Nam tháng 9-1973. Huy Thiêm

**Ảnh: Hoàng Linh
**