Đoàn công tác T.Ư Hội CCB Việt Nam thăm Tập đoàn Hiền Lê.
Một ngày cuối tháng 9 -2022, Đoàn công tác T.Ư Hội CCB Việt Nam do Thượng tướng Nguyễn Văn Được – Chủ tịch Hội dẫn đầu, đến thăm, làm việc tại Tập đoàn Hiền Lê của nữ doanh nhân CCB Nguyễn Thị Bảo Hiền - Ủy viên BCH Hội CCB Việt Nam, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nhân CCB Việt Nam. Ấn tượng của cả đoàn là được thưởng thức những sản phẩm nông sản an toàn, chất lượng do chính Công ty bà làm ra.
Đó là những quả đậu tương rau tươi ngon, xanh mướt như còn lúc lỉu trên cây, hương vị thơm, béo ngậy, bùi bùi. Hay những quả vải tiêu chuẩn được cấp đông nhưng hương vị được bảo toàn tươi, ngọt… Để có được sản phẩm, đáp ứng yêu cầu khắt khe, ngặt nghèo của “thực khách” quốc tế khó tính như Nhật Bản, Anh, Đức, Bỉ như vậy là cả quá trình dài, kiên trì học hỏi, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất của bà Hiền trong nỗ lực đưa nông sản Việt đến với thế giới.
Là Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Hiền Lê, sau những chuyến đi thăm và xúc tiến thương mại ở nước ngoài, bà nhận thấy người nông dân nước ngoài đã sản xuất nông nghiệp, nông sản sạch rất hiệu quả. Trong khi đó, Việt Nam là một đất nước sản xuất nông nghiệp chiếm tỉ trọng cao, có nhiều sản vật phong phú đặc trưng của miền nhiệt đới nhưng lại thường phải xuất khẩu nông sản dưới dạng nguyên liệu thô hoặc không xuất khẩu được do mùa thu hoạch ngắn không thể bảo quản được lâu, hàng xuất qua biên giới nhiều khi bị ứ đọng, tiểu thương ép giá, bán đổ bán tháo, có lúc còn bị trả lại phải nhờ giải cứu, gây thiệt hại nặng nề cho người nông dân, có khi mất sạch cả vốn.
Với mong muốn làm giàu cho người nông dân, giải tỏa tâm lý “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, sau nhiều đêm trăn trở, suy nghĩ bà quyết định mở hướng đi mới cho Công ty Hiền Lê đó là: Làm nông sản sạch để xuất khẩu, đầu tư sản xuất chế biến sâu với mục đích “từ đồngruộng đến bàn ăn”.
Được sự tư vấn, giúp đỡ của chuyên gia Nhật Bản, sau khi nghiên cứu khảo sát thị trường, vùng trồng nguyên liệu sạch, tháng 11-2015, bà quyết định đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến rau củ quả đông lạnh xuất khẩu (tại Cẩm Giàng, Hải Dương), với tổng số vốn là 178 tỷ đồng, trang bị hệ thống máy móc hiện đại, đi vào hoạt động với công suất 250.000 tấn/năm. Đồng thời, tạo dựng vùng nguyên liệu hàng trăm hecta từ đồng đất bỏ hoang hoặc sản xuất không hiệu quả của bà con nông dân ở Vĩnh Bảo, Hải Phòng để sản xuất nông sản và đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, cải tạo đất đai, thủy lợi, làm đường giao thông… Nhà máy đi vào hoạt động đã tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm công nhân và bà con nông dân.
Về công nghệ, bà đã kết hợp cả việc cử cán bộ, công nhân viên ra nước ngoài học tập và mời các chuyên gia nước ngoài đến Công ty trực tiếp tư vấn, giúp đỡ xây dựng và đào tạo công nghệ. Hiện tất cả các vùng trồng nguyên liệu phải được các chuyên gia Nhật Bản trực tiếp sang kiểm tra, lấy mẫu phân tích, giám sát đối với toàn bộ các khâu trong quá trình sản xuất. Các yêu cầu về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm soát dư lượng hóa chất, dịch hại, yêu cầu về mẫu mã, chất lượng sản phẩm... cũng rấtnghiêm ngặt. Đội ngũ kỹ sư sát sao, hướng dẫn, hỗ trợ bà con nông dân về kỹ thuật sử dụng máy móc và áp dụng khoa học tiên tiến vào canh tác, gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch nông sản để đạt năng suất và chất lượng sản phẩm cao, đảm bảo đủ tiêu chuẩn, điều kiện xuất khẩu. Cuối năm 2016, những lô hàng nông sản đầu tiên với hai mặt hàng chủ lực là khoai sọ và đậu tương đã xuất khẩu thành công tới các thị trường khó tính như Nhật, Anh...
Từ năm 2018, Công ty quyết định chuyển nhà máy chế biến nông sản công nghệ cao sang hoạt động với mô hình phi lợi nhuận. Toàn bộ lợi nhuận thu được sẽ không chia cho các thành viên góp vốn mà giữ lại tái đầu tư, mở rộng sản xuất thêm các sản phẩm nông sản xuất khẩu như: Đậu bắp, cải bó xôi, vải thiều cấp đông...
Nói về bước ngoặt của mình khi quyết tâm đầu tư vào nông nghiệp, CCB Nguyễn Thị Bảo Hiền khẳng định: “Tuy ban đầu hoạt động của nhà máy chưa đem lại nhiều lợi nhuận như các ngành khác của Công ty, nhưng chúng tôi nhận định, đây là hướng đi đúng đắn, “chậm mà chắc”.
Năm 2020, UBND T.P Hải Phòng quyết định cấp đất cho Công ty Hiền Lê xây dựng nhà máy thứ 2 với tổng vốn đầu tư gần 500 tỷ đồng để tiếp tục mở rộng sản xuất, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân tại địa phương.
Trong quá trình sản xuất hàng nông sản sạch xuất khẩu, Công ty Hiền Lê đã khẳng định vị trí của mình trên thị trường quốc tế; các sản phẩm được đánh giá cao, chất lượng tốt; xuất khẩu đi các nước Nhật, Anh, Đức, Bỉ, Hà Lan. Những kết quả mà Công ty đạt được đã giúp người nông dân có sự tin tưởng vào hướng đi của Hiền Lê. Hiện nay, diện tích trồng và cung cấp nguyên liệu cho nhà máy tăng mạnh, hứa hẹn đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong các năm tiếp theo.
Đoàn công tác đến thăm đúng ngày Nhà máy đóng hàng xuất khẩu nông sản sang Nhật, do khâu kiểm duyệt rất khắt khe nên không trực tiếp vào thăm nhà máy. Sau khi nghe Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Hiền Lê báo cáo sơ lược quá trình hình thành, phát triển, định hướng của Tập đoàn, đồng chí Thượng tướng Nguyễn Văn Được rất khâm phục ý trí, bản lĩnh của nữ doanh nhân Nguyễn Thị Bảo Hiền trong chèo lái doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ. Bà không chỉ phát triển sản xuất, kinh doanh mà còn làm tốt công tác từ thiện. Bà xông pha khắp mọi nơi, mang tình yêu thương đến với vùng sâu, vùng xa của đất nước. Thượng tướng mong muốn, thời gian tới, nữ doanh nhân Nguyễn Thị Bảo Hiền tiếp tục phát huy, mạnh dạn đầu tư, mở rộng thị trường mới; đầu tư khoa học công nghệ, chất xám để sản xuất kinh doanh trên lĩnh vực công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; lường trước những yếu tố khách quan nhằm đảm bảo sản xuất, kinh doanh, phát triển công ty; tuân thủ pháp luật, đạo đức kinh doanh để nâng cao đời sống người lao động…
Nói về thành công của mình khi rẽ ngang sang làm nông nghiệp, bà Hiền vui vẻ cho biết: “Thành công lớn nhất là nhà máy đã giúp cho người nông dân hiểu rõ và tin tưởng vào làm nông nghiệp sạch. Nghĩa là trồng khác trước, mỗi cây phải được chăm sóc chặt chẽ, đúng quy trình, sản phẩm có lý lịch rõ ràng, từ bỏ cách làm chạy theo lợi nhuận tạm thời. Chỉ có như vậy rau củ quả nông sản của Việt Nam mới tạo ra bước đi vững chắc và giữ vững được thương hiệu trên thị trường quốc tế”.
Phát triển kinh doanh từ nông nghiệp không phải là ngành mới, nhưng với bản lĩnh của người lính Bộ đội Cụ Hồ, dám nghĩ, dám làm, nỗ lực, sáng tạo, chịu khó nghiên cứu, đầu tư ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh… giúp nữ doanh nhân CCB Nguyễn Thị Bảo Hiền chinh phục thị trường quốc tế, đưa nông sản Việt “xuất ngoại” thành công.
Minh Anh