TRẦN ĐĂNG KHOA:
Kính thưa Lão già “Khốt Ta Bít” Lò Quang Duệ. Lão giấu, chứ tôi biết lão còn là Nhà Văn hóa vùng cao.
Thưa lão, Lão biết đây, tôi không phải người sành ăn, cũng không phải là nhà Hà Nội học. Tôi chỉ là một công dân của Hà Nội và Công dân hạng Ba. Nghĩa là dân ngụ cư, là người nhà quê lên Hà Nội. Nói như Giáo sư Sử học Trần Quốc Vượng, thì người Hà Nội gốc bây giờ ít lắm. Họ lại ở tập trung mãi tận Lâm Đồng, hoặc ngày xưa là “mấy anh đánh cá trên sông Tô Lịch”. Sông Tô Lịch có thể quăng chài thả cá chỉ còn trong dĩ vãng. Người Hà Nội bây giờ hầu hết là dân nhà quê, lại còn có cả đồng bào thiểu số quê mình nữa ông ạ.
Về quán bún chửi ở phố Ngô Sỹ Liên, tôi đã ăn rồi. Gọi là bún chửi nhưng thực ra bà chủ quán chỉ nói tục thôi chứ có chửi bới ai đâu. Có điều bún của bà ấy ngon lắm, phải nói là rất ngon. Về chuyện nói tục thì nói chung là dân mình cũng quen với cái đó rồi.
Truyện Tiếu lâm là một di sản của văn hoá Việt Nam, bạn bè thế giới rất thích. Bản thân Cụ Nguyễn Tuân là một nhà văn hoá lớn, một ông “thợ chữ” bậc siêu phàm cũng đã phải ngả mũ nể phục. Tôi cũng có một ông bạn thân. Ông là một nhà văn, nhà hoạt động xã hội nổi tiếng, nhưng rất hay nói tục. Tôi phàn nàn thì ông ấy bảo, không nói tục chua chân răng và nhạt mồm lắm, mà đời nó cũng mất đi bao nhiêu thi vị. Nhiều khi ngồi với ông ấy trong hàng quán, tôi cũng rất ngại, chỉ sợ có khi ông ấy nói tục, người ta quay lại thấy cái mặt mình, mà cái mặt mình thì chẳng biết giấu vào đâu được. Ngượng lắm!
Ông bạn tôi không phải người xấu. Cũng đừng nghĩ ông ấy bậy bạ, thậm chí rất đứng đắn, đầy nhân văn. Thế nhưng ông ấy cứ hay nói tục. Khổ thế chứ. Có lần, chúng tôi tới một tỉnh miền núi. Người tiếp cơm chúng tôi là một vị khách quan trọng, một đồng chí Phó chủ tịch tỉnh, lại là một phụ nữ rất xinh đẹp, từng là một cô giáo vô cùng đoan trang. Tôi đã có một đề nghị là “Thôi, ông nói tục ở chỗ nào cũng được nhưng chỉ có điều trước người đẹp thì xin ông lịch sự giúp tôi cái. Ông hãy giữ gìn môi trường trong sạch giúp tôi trong khoảng 3 tiếng đồng hồ. Nghĩa là ông không nói tục tôi sẽ trả ông 1.000 euro”.
Quả thật, lúc đó tôi đang có trong tay 1.000 euro, giá 1.000 euro lúc đấy là khoảng 30 triệu đồng. Và tôi trả thật chứ không phải chuyện đùa. Thế nhưng ông ấy chỉ giữ được khoảng chừng 2 tiếng sau đó ông ấy lại văng vung tí mẹt lên.
Bảo ông ấy vô văn hóa thì cũng không phải, đó là một người cực kỳ tử tế, thậm chí tinh tế và nhạy cảm. Tôi không cổ súy cho việc nói tục, thế nhưng có những người, nói tục như sự giải tỏa. Nó lạ lắm. Tôi nói thế không có nghĩa là tôi ủng hộ việc nói tục, nhưng thực sự đời sống bây giờ nó phong phú đến ô hợp như thế.
Giờ quay lại với bà chủ quán bún chửi, bà ấy rất hay văng tục và nói rất phũ. Ngược lại bún của bà ấy lại ngon. Bà ấy nói tục nhưng không hề có ác ý, chứ nếu như ác ý thật thì chả có ai đến đấy làm gì. Nói tục chỉ để cười với nhau thôi. Cố nhiên, theo tôi đó chỉ là sự cá biệt chứ đấy không phải là văn hóa Thăng Long. Qua đó, chúng ta cũng thấy cuộc sống đúng là muôn màu muôn vẻ. Mình đánh giá thế nào cho đúng là cả một vấn đề ông nhỉ.
Từ giờ đến Tết ta, hôm nào rảnh rảnh ông về Hà Nội tôi đưa ông đến thưởng thức bát bún chân giò lợn của quán “bún chửi” tin chắc rằng ông sẽ có thêm vốn sống ở cái tuổi ngoài 80.
TĐK