Chiến tranh đã kết thúc hơn 30 năm nhưng những hậu quả của nó để lại đến giờ vẫn còn hiện hữu. Những vết thương do chất độc da cam/đi-ô-xin vẫn là nỗi đau đang ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe và cuộc sống của rất nhiều người dân Việt Nam. Vì vậy, hình ảnh của những nạn nhân chất độc da cam khiến ai đã từng gặp luôn đau đến nhói lòng và không thể nào quên.

Ngày 10-8-1961 - ngày đầu tiên quân đội Mỹ sử dụng chất độc hóa học tại miền Nam Việt Nam và Uỷ ban T.Ư MTTQ Việt Nam quyết định lấy mốc ngày này là “Ngày vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam”.

Hiện cả nước có 4,8 triệu người bị phơi nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin, trong đó có khoảng 3 triệu người là nạn nhân của chất độc da cam, trên 150.000 nạn nhân là trẻ em, cả thế hệ con và cháu. Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin vẫn là những người nghèo nhất trong những người nghèo, những người đau khổ nhất trong những người đau khổ. Có tới 70% số gia đình nạn nhân chất độc da cam thuộc diện hộ đói nghèo; có 22% số gia đình có từ ba nạn nhân trở lên, 30% số nạn nhân sức khỏe yếu hơn trước, 90% không có chuyên môn nghề nghiệp.

Xoa dịu nỗi đau da cam là việc làm không của riêng ai. Hội CCB Việt Nam đã đi trước trong cuộc vận động đóng góp cho CCB và con, cháu CCB bị nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin trong chiến tranh. Làng Hữu Nghị đã làm tốt việc chăm sóc, nuôi dưỡng, chữa trị bệnh tật, phục hồi chức năng cho CCB và con, cháu CCB bị nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin.

Với chủ đề “Nỗi đau da cam - tiếng nói từ trái tim” mà Hội nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin (VAVA) đang tiếp tục triển khai và Tháng thi đua cao điểm cho ngày 10-8 năm nay có nhiều chương trình cụ thể, trong đó đáng kể là kế hoạch vận động 60 tỷ đồng để xây dựng 55 trung tâm bán trú chăm sóc sức khỏe, xây dựng 550 nhà tình nghĩa, trao tặng 1.100 suất học bổng và tạo 1.100 việc làm cho nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin nhằm ủng hộ nạn nhân chất độc da cam giúp họ vượt qua đau đớn về thể xác, tinh thần vươn lên hòa nhập với cộng đồng, đó là những ví dụ sinh động.

Để chia sẻ, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, Nhà nước ta đã có chính sách hỗ trợ các nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin trong chiến tranh và cấp thêm kinh phí cho Hội Chữ thập đỏ để phẫu thuật chỉnh hình cho trẻ em bị khuyết tật. Đến nay, nhân dân cả nước; nhiều tổ chức, cá nhân nước ngoài đã ủng hộ số tiền và quà tặng trị giá có trên 150 tỉ đồng để giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam và có trên 425.000 nạn nhân được cải thiện đời sống, sức khỏe, vật chất và tinh thần, đã đem lại cho các nạn nhân sự phấn khởi, giảm bớt mặc cảm, vượt qua nỗi đau thể xác và tinh thần do bệnh tật gây nên.

Các chế độ chính sách của Nhà nước đối với nạn nhân chất độc da cam luôn được bổ sung, hoàn thiện; thực hiện sự công bằng xã hội đối với người có công với đất nước, đối với nạn nhân là dân thường, kể cả với những người đã từng cộng tác với chế độ Sài Gòn cũ, đã đem lại cho các nạn nhân sự phấn khởi, giảm bớt mặc cảm, vượt qua nỗi đau thể xác và tinh thần do bệnh tật gây nên. Nhiều hoạt động từ thiện có ý nghĩa khác đã được tổ chức nhằm thể hiện tấm lòng “thương người như thể thương thân”, giúp đỡ các nạn nhân vượt lên nỗi đau da cam trong cuộc sống, đặc biệt là ủng hộ nạn nhân trong các vụ kiện tại Tòa sơ thẩm, phúc thẩm và phiên điều trần ở Hạ viện Hoa Kỳ…

Khắc phục hậu quả chất độc da cam/đi-ô-xin là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó có Hội CCB Việt Nam. Các cấp Hội và hội viên CCB trong cả nước cần có nhiều việc làm cụ thể thiết thực chăm sóc, giúp đỡ CCB và con em CCB bị chất độc da cam/đi-ô-xin. Đấy là trách nhiệm, tình cảm và lòng khoan dung nhân ái của những người đồng chí đồng đội từng trải qua những tháng năm hy sinh chiến đấu vì độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc với đồng chí, đồng đội của mình.

CCB Việt Nam