Bộ Chính trị đã họp để nghe Chính phủ và các cơ quan chức năng báo cáo và ra một kết luận quan trọng với ba điểm chủ yếu. Một là, cần nhanh chóng sắp xếp tổ chức lại Vinashin, phát huy những thành tựu đã đạt được, khắc phục khuyết điểm, khó khăn yếu kém để sau một thời gian có thể ổn định sản xuất và tăng trưởng. Hai là, cần có nhiều giải pháp để bảo đảm việc làm và thu nhập cho hàng vạn công nhân của Vinashin hiện đang rất khó khăn vì mất việc làm, thất nghiệp, thu nhập thấp. Ba là, xem xét quy trách nhiệm cho các tập thể và cá nhân của Vinashin, của bộ, ngành, địa phương có liên quan gây ra sự thua lỗ rất nghiêm trọng của Vinashin. Bộ Chính trị đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo giải quyết vụ Vinashin do đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ làm Trưởng ban có trách nhiệm đề xuất chủ trương, biện pháp nhằm đưa ngành công nghiệp tàu thuỷ vượt qua thách thức, tiếp tục phát triển.

Nhân dân hoan nghênh và đánh giá rất cao quyết tâm của Bộ Chính trị, cũng là quyết tâm của toàn dân để giải cứu một tập đoàn kinh tế lớn đứng bên bờ phá sản, gây hệ lụy về chính trị, kinh tế - xã hội, tác động trực tiếp đến cuộc sống của hàng chục vạn người. Một trong những nguyên nhân làm cho Vinashin nợ đến 86 nghìn tỷ đồng là Vinashin đầu tư tràn lan từ tài chính, ngân hàng đến bất động sản, du lịch... mà không tập trung cho ngành công nghiệp tàu thuỷ. Vì thế trong việc sắp xếp lại sản xuất của Vinashin thì Vinashin chỉ tập trung vào ba lĩnh vực chủ yếu là công nghiệp đóng tàu và sửa chữa tàu thủy; công nghiệp phụ trợ phục vụ cho việc đóng tàu và sửa chữa tàu thuỷ và đào tạo nâng cao tay nghề cho cán bộ, công nhân công nghiệp tàu thuỷ. Những ngành nghề khác mà Vinashin đã đầu tư thì chuyển giao cho các tập đoàn kinh tế khác. Một vấn đề rất cấp bách là giải quyết việc làm và thu nhập cho lao động của Vinashin vì hiện đã có 5.000 lao động mất việc làm, 27.000 lao động thiếu việc bị nợ lương.

Quyết tâm giải cứu Vinashin không chỉ góp phần ổn định và phát triển ngành công nghiệp tàu thuỷ mà còn nhằm an sinh xã hội, bảo đảm cuộc sống của hàng chục vạn công nhân, đồng thời cũng tác động lớn đến việc xem xét, sắp xếp lại các tập đoàn kinh tế lớn sao cho hợp lý và hiệu quả hơn, tránh rơi vào bài học đau đớn như Vinashin. Nhưng muốn giải cứu Vinashin thành công thì một trong những nhiệm vụ cấp thiết là xác định rõ nguyên nhân, quy trách nhiệm rõ ràng cho các tập thể và cá nhân gây ra sai phạm nghiêm trọng. Như kết luận của Bộ Chính trị chỉ rõ để Vinashin thua lỗ thì nguyên nhân chủ quan là chính, trong đó có sự chỉ đạo điều hành yếu kém, có bộ máy cồng kềnh phân công trách nhiệm không rõ ràng, có sự vi phạm nguyên tắc trong bổ nhiệm cán bộ, có sự buông lỏng quản lý, có việc trao quyền quá lớn mà không có cơ chế giám sát chặt chẽ và việc giao khối lượng tài sản, tiền bạc khổng lồ của Nhà nước, của nhân dân vào con người yếu kém về năng lực, phẩm chất và không đáng tin cậy. Cũng có người đặt vấn đề cần xem xét việc Thủ tướng quản lý chỉ đạo Vinashin nên vai trò của Bộ chủ quản và các cơ quan chức năng bị mờ nhạt. Cá nhân ông Phạm Thanh Bình do được ưu ái quá mức lại lộng hành nên bỏ qua pháp luật, quy định, tự tung, tự tác dẫn đến hàng loạt sai phạm. Rồi đây ông Phạm Thanh Bình và nhiều cá nhân liên quan sẽ bị pháp luật trừng phạt nhưng qua vụ Vinashin cần rút ra nhiều bài học nghiêm túc cho sự quản lý điều hành các tập đoàn kinh tế lớn. Không chỉ Vinashin mà hiện tượng Vinashin đã xuất hiện ở nhiều công ty, tổng công ty Nhà nước với nhiều mức độ khác nhau. Nhân vụ Vinashin cần thanh tra kiểm tra các tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước để nhanh chóng ban hành chính sách, cơ chế mới, kịp thời chấn chỉnh các sai phạm không để rơi vào tình trạng mất bò mới lo làm chuồng. Bàn về việc giải cứu Vinashin có ý kiến cho rằng Bộ Chính trị quyết định thành lập Ban chỉ đạo và giao quyền cho Ban chỉ đạo chủ động đề xuất và tổ chức thực hiện hàng loạt nhiệm vụ là chủ trương đúng đắn. Nếu như việc giải cứu Vinashin lại giao cho các bộ, ngành và Văn phòng Chính phủ thực hiện thì liệu có bảo đảm công tâm, khách quan và đạt kết quả mong muốn. Xưa nay việc vừa đá bóng vừa thổi còi thì khó mà giải quyết được vụ việc.

Thực hiện nghiêm túc kết luận của Bộ Chính trị, Chính phủ và các bộ, ngành phải vào cuộc kiên quyết để giải cứu Vinashin. Dư luận đang kỳ vọng vào quyết tâm của Bộ Chính trị và sự thực hiện nghiêm túc của Ban chỉ đạo giải quyết vụ Vinashin cùng các cơ quan liên quan để Vinashin không sụp đổ mà đứng vững, vượt qua cơn sóng gió để phát triển.

Nhân Tâm