Nơi di tích chồng lên di tích
Núi Thành, là một địa danh nổi tiếng chứa nhiều trầm tích lịch sử, văn hóa, là phần đất trọng yếu của vùng Nghệ An kể từ buổi đầu lập quốc. Đã được bộ Văn Hóa xếp hạng “Di tích lịch sử văn hóa quốc gia” từ năm 1962.
Khi đánh chiếm xứ Nghệ An xưa, giặc Minh đã xây thành làm sở lỵ trên Núi Thành. Chính nơi đây đã chứng kiến nghĩa khí của Ngự sử Nguyễn Biểu đối với giặc Minh. Tương truyền tại đây Mã Viện cũng đã chôn cột Đồng Trụ Sơn.
Núi Thành cũng được các vị vua đã đến kinh lý, hoặc cầm quân đánh giặc. Sách An Tỉnh cổ xưa có chép đoạn: “Thành Lam Thành trên Núi Thành, có một lịch sử kéo dài qua các triều đại khác nhau, từ đầu Công nguyên cho đến thế kỷ XIX. Đó là Thành xưa nhất, tồn tại được lâu nhất. Bởi trên thành đã nảy sinh bao nhiêu lịch sử các nhà vua Trung Hoa và Việt Nam”. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, trận địa pháo phòng không cũng được bố trí đặt tại đây, góp phần bảo vệ thành phố Vinh. Hiện nay trong các ghi chép về lịch sử của hai cuộc kháng chiến gần nhất của nước ta, cái tên Núi Thành luôn được trang trọng nhắc đến.
Đền thờ Nghĩa liệt vương Nguyễn Biểu- di tích lịch sử văn hóa ở Núi Thành.
.
Chính vì thế, khi biết được sẽ xây dựng “Nghĩa trang An lạc viên”, tại ngọn núi thiêng này, người dân nơi đây đã phản ứng dữ dội. Thậm chí khi chúng tôi vào đền thờ Nghĩa liệt vương, nơi lưng chừng núi cũng bị mấy người dân địa phương chặn lại. Bởi họ tưởng là người của Công ty Lam Thành An Lạc (chủ đầu tư dự án Nghĩa Trang) đến khảo sát xây dựng.
Sau khi biết chúng tôi là phóng viên, hàng trăm người dân đã kéo tới ở sân đền Nguyễn Biểu để bày tỏ sự bức xúc.
Ông Dư Đình Chiểu, 77 tuổi, nguyên là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hưng Lam nói: “Không lẽ UBND tỉnh Nghệ An khi ký quyết định chấp thuận cho đầu tư dự án này mà không biết Núi Thành là cõi tâm linh bao đời nay đối với người dân nơi đây hay sao? Tại sao cấp trên chỉ quan tâm đến lợi ích của doanh nghiệp, mà bỏ qua quyền lợi và ý nguyện của người dân?”
Ông Cao Quang Lục, 77 tuổi, phó chủ tịch hội người cao tuổi xã Hưng Lam cũng nói: “Nếu dự án này được triển khai, sẽ gây ô nhiễm nghiêm trọng đến môi trường sống của 6 xã xung quanh ngọn núi này. Hơn nữa nguồn nước sạch của hàng vạn người dân chúng tôi, đều được lấy về từ núi. Vậy mà người ta lại xây dựng nghĩa trang cạnh nguồn nước của chúng tôi”
Nói rồi mọi người dẫn chúng tôi đi lên núi, nơi những bể chứa nước tự nhiên được nhân dân đóng góp và xây dựng. Từ đây, nước được dẫn về từng nhà, phục vụ nhu cầu ăn uống hàng ngày của hàng ngàn hộ dân 4 xã phụ cận.
Cùng có mặt cùng với người dân trình bày với chúng tôi, còn có ông Đặng Văn Hành, xóm trưởng xóm 1; chị Trần Thị Vân, xóm trưởng xóm 2; ông Phạm Giang Nam, xóm trưởng xóm 3 của xã Hưng Lam. Cả ba vị xóm trưởng đều cho biết: “Trước Những bức xúc của người dân về dự án, chúng tôi đã báo cáo lên UBND xã”.
“Ý kiến của chính quyền địa phương thế nào? - Tôi hỏi”.
Cả ba vị đều cho biết : “UBND xã trả lời là chưa nhận được thông báo gì về dự án này”.
Qua tìm hiểu tại Sở kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An, chúng tôi được biết dự án có tên là: “Công viên nghĩa trang Lam Thành An Lạc Viên”, bao gồm các hạng mục: Khu lò hỏa táng; Khu công viên cây xanh, hồ nước; Khu tâm linh; Nhà lưu tro cốt; Hệ thống tượng phật; Khu chế tác đá phục vụ xây dựng lăng mộ; Hệ thống giao thông và một số công trình phụ trợ khác với tổng diện tích xây dựng là 96ha. Địa điểm xây dựng: Núi Thành, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Tổng mức đầu tư 400 tỷ đồng, do Công ty TNHH Lam Thanh An Lạc Viên làm chủ đầu tư.
Như vậy, toàn bộ dự án khu nghĩa trang này sẽ được xây dựng trên ngọn Núi Thành và nằm trên địa phận các xã Hưng Lam, Hưng Xuân, Hưng Tiến, Hưng Thắng, Hưng Phú (huyện Hưng Nguyên). Theo dự kiến, dự án được khởi công vào ngày 1-3-2016 và hoàn thành trong 12 tháng.
Hiện tại dự án đã được ông Nguyễn Xuân Đường, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An ký Quyết định số 666/QĐ-UBND.CNTM ngày 20-2-2016 với nội dung: “Chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng Khu công viên nghĩa trang Lam Thanh An Lạc Viên” tại Núi Thành, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An).
Còn UBND huyện Hưng Nguyên cũng đã ban hành Công văn số 143/UBND, ngày 17-2-2016 gửi UBND tỉnh Nghệ An và các sở ban ngành khác có thẩm quyền cấp phép dự án với nội dung: “Việc Công ty TNHH Lam Thành An Lạc Viên xin đầu tư dự án: “Khu Công viên nghĩa trang Lam Thành An Lạc Viên tại các xã… là phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương…”. UBND các xã Hưng Lam, Hưng Phú, Hưng Tiến, Hưng Xuân cũng đều có tờ trình gửi UBND huyện Hưng Nguyên với nội dung: “chấp thuận chủ trương đầu tư dự án tại địa phương”.
Như vậy có nghĩa là chính quyền địa phương từ xã trở lên đều đã biết rõ dự án và đã phê duyệt đồng tình. Thế nhưng, cũng chính lãnh đạo UBND các xã lại trả lơi các trưởng thôn là chưa hề nhận được thông báo về dự án này?
Quy hoạch “cận thị”!.
** Những bể chứa nước sạch của người dân trên đỉnh núi. **
Về khoảng cách địa lý, Núi Thành cách trung tâm thành phố Vinh chưa đến 8 Km. Với tốc độ đô thị hóa và phát triển như hiện nay, thì trong tương lai gần, chắc chắn Núi Thành sẽ nằm trọn trong nội ô thành phố Vinh. Vậy sẽ như thế nào khi trong thành phố có mật độ dân cư lớn lại tồn tại một nghĩ trang?.
Hơn nữa, trong quy hoạch và phát triển du lịch của tỉnh Nghệ An, Núi Thành đã được quy hoạch là một điểm du lịch trong “Cụm du lịch Ven Sông Lam-Núi Thành-Quê Bác”. Rõ ràng khi tại đây có một nghĩa trang, thì quy hoạch du lịch nói trên hoàn toàn bị phá vỡ.
Trong khi đó, dự án công viên nghĩa trang này chỉ thuần túy là dự án kinh tế của một doanh nghiệp. Khi dự án được triển khai, những di tích văn hóa, gắn liền với lịch sử dựng và giữ nước trên ngọn núi này chắc chắn sẽ bị xâm hại, đồng nghĩa với vĩnh viễn mất các di tích lịch sử, văn hóa. Đó là chưa nói đến ô nhiễm môi trường, đe dọa cuộc sống của hàng vạn người dân nơi đây.
Một điều khó hiểu nữa là chính quyền quyết định một dự án lớn, có liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân như vậy mà lại không hề lấy ý kiến nhân dân địa phương.
Nghệ An, còn rất nhiều địa điểm khác có cảnh quan môi trường, phù hợp về khoảng cách địa lý để có thể thực hiện dự án cho người đã khuất. Không thể hy sinh một “Di tích Lịch sử, Văn hóa Quốc gia” và các trầm tích lịch sử vô giá của Núi Thành, bỏ qua quyền lợi của nhân dân để đổi lấy sự phát triển kinh tế cho một doanh nghiệp.
T**hế Sơn
**