Bản đồ này yêu sách đối với 80% diện tích của biển Đông được vẽ sát vào bờ của các quốc gia ven biển Đông như Việt Nam, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Bru-nây, Phi-líp-pin.

Đây có lẽ là văn bản đầu tiên trong hơn 60 năm qua, thể hiện quan điểm chính thức của Trung Quốc chính thức công bố sơ đồ đường yêu sách này với thế giới.

Trước hết cần khẳng định, đường yêu sách 9 đoạn của Trung Quốc thể hiện trên sơ đồ là không có giá trị, vì nó không có cơ sở pháp lý, lịch sử và thực tiễn. Một con đường mà nguồn gốc, nội dung có nhiều điểm chưa rõ ràng, không phù hợp với luật quốc tế và luật biển quốc tế. Tất cả học giả và kể cả những người đưa ra yêu sách đó, cho đến nay không thể trả lời được là: Làm sao xác định được toạ độ cũng như vị trí chính xác của từng đoạn cũng như của toàn bộ 9 đoạn. Chẳng hề có văn bản nào, dù là chính thức hay không chính thức quy định hoặc giải thích về việc này.

Có lẽ không cần bình luận gì thêm vì sao một yêu sách mà không được các nước trong khu vực tính đến và không ai tôn trọng trên thực tế. Rõ ràng là Trung Quốc đã không đưa ra được các bằng chứng nào có sức thuyết phục về việc họ đã thực thi chủ quyền trên toàn bộ vùng biển Đông rộng lớn một cách liên tục, hoà bình từ thời xa xưa. Các sách Hán văn cổ đều ghi nhận các hoạt động của dân đánh cá và dân buôn ả-rập, ấn Độ, Ma-lai, Việt Nam và vùng Vịnh trong vùng biển Đông. Các chính quyền phong kiến Trung Quốc cũng không thiết lập hoặc duy trì có lợi cho họ một sự độc tôn nào trong vùng biển này, khả dĩ có thể loại trừ hoạt động khai thác của các đội Hoàng Sa và Bắc Hải của triều Nguyễn, Việt Nam. Ngược lại còn có những hành động thừa nhận tính hợp pháp của các hoạt động đó như trường hợp: Quan huyện Văn Xương giúp đội viên đội Hoàng Sa khi đi làm nhiệm vụ bị bão dạt vào đất Trung Quốc.

Hơn nữa, đường đứt khúc 9 đoạn của Trung Quốc không phải là một con đường có tính ổn định và xác định. Từ 11 đoạn, nó đã bỏ đi 2 đoạn trong vịnh Bắc Bộ vì quá vô lý. Một con đường như vậy, rõ ràng không thể nào được coi là “biên giới quốc gia” theo luật pháp quốc tế. Đặc tính quan trọng nhất của một đường biên giới quốc tế là tính ổn định và dứt khoát. Trong một xã hội có trật tự riêng, các đường biên giới là một trong số các thể chế ổn định từ tất cả các thể chế. Vậy mà ở đây đến cả người Trung Quốc và chính tác giả của đường này còn chưa biết nó đi thế nào, thì sao có thể gọi là biên giới quốc gia được. Nguồn gốc và ý nghĩa của đường lưỡi bò này hoàn toàn mập mờ, không chính xác đến nỗi bản thân các học giả Trung Quốc cũng không thống nhất được một giải thích hợp lý nào và thừa nhận “không có cơ sở nào trong luật quốc tế cho yêu sách lịch sử đó”.

Cần phải nhắc lại rằng, tại Hội nghị Luật Biển của Liên hợp quốc lần thứ 3, các quốc gia đã không nhất trí việc đưa những quy định cũng như định nghĩa về “vùng nước lịch sử” vào Công ước Luật Biển 1982. Vì thế, vùng nước nằm trong đường 9 đoạn chiếm 80% diện tích biển Đông mà Trung Quốc cho là “vùng nước lịch sử” là không thể chấp nhận được. Luật quốc tế không hề biết đến một “vùng nước lịch sử” lớn như vậy. Yêu sách về biển Đông của Trung Quốc là xa lạ, đi ngược lại với học thuyết các vùng nước lịch sử. Cộng đồng quốc tế chưa bao giờ ghi nhận một yêu sách như thế và sẽ không chấp nhận một khoảng không gian rộng lớn của biển Đông lớn nhất nhì thế giới, nằm dưới quyền tài phán của duy nhất một quốc gia.

Như vậy, xét theo luật pháp quốc tế hiện đại cũng như luật pháp quốc tế cổ điển thì yêu sách đường đứt đoạn 9 khúc của Trung Quốc hoàn toàn không có cơ sở khoa học và không ai có thể chấp nhận được.

Cái gọi là đường đứt khúc 9 đoạn của Trung Quốc đưa ra chỉ là một yêu sách không có giá trị pháp lý quốc tế, trái với sự phát triển của Luật Biển; một việc làm không phù hợp với xu thế của khu vực và đã bị dư luận các nước không đồng tình, phản đối.

Trong một tài liệu nghiên cứu về tranh chấp trên biển Đông, luật sư M. Clây-gít của Mỹ đã nhận định: “Yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền “lịch sử” và quyền đối với hầu hết biển Đông và hoặc đối với đáy biển và lòng đất của nó trái với sự phát triển toàn diện và không thể coi là một vấn đề luật pháp nghiêm minh”.

Học giả B. A. Ham-dát của Ma-lai-xi-a nhận xét, một yêu sách phi lý như vậy không thể có một danh nghĩa gì, do đó sự không có danh nghĩa sẽ kéo theo sự không có quyền tài phán. Như vậy, một khi nội dung đã không đúng, thì hình thức của vấn đề càng không hợp pháp. Chủ quyền không thể suy diễn, không thể dựa trên những dẫn chứng bâng quơ. Không một quốc gia văn minh, tiến bộ nào lại công nhận đường ranh giới 9 đoạn đứt khúc này, con đường không được xác định rõ cả về cơ sở pháp lý lẫn toạ độ địa lý, vì đây là sự vi phạm về chủ quyền lãnh thổ không chỉ của các nước liên quan mà còn là sự thách thức đối với quyền lợi hàng hải, hàng không... của cộng đồng quốc tế.

Có thể nói, với vị trí địa chính trị, cấu tạo tự nhiên, biển Đông là nơi liên kết các nền văn minh kinh tế giữa các nước Đông Nam á với phần lục địa phía nam Trung Quốc; là ngôi nhà chung của các quốc gia trong khu vực. Các nước ASEAN và Trung Quốc đã có nhiều cố gắng để duy trì hoà bình, ổn định và phát triển hợp tác quốc tế theo tinh thần của tuyên bố về ứng xử trên biển Đông (DOC). Việc công khai đưa ra yêu sách về đường đứt đoạn vào lúc này chỉ làm cho tình hình trên biển Đông thêm phức tạp, đi ngược lại xu thế và nỗ lực của các nước trong khu vực cũng như cộng đồng quốc tế muốn tìm kiếm một giải pháp ổn định lâu dài cho những tranh chấp biển Đông. Hơn lúc nào hết, các vấn đề trên biển Đông cần được các nước trong khu vực, trên tinh thần tôn trọng chủ quyền và lợi ích chính đáng của nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế, tìm ra một giải pháp công bằng mà các bên có thể chấp nhận được. Ảnh trên: Gặp gỡ hai thế hệ trên đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa). *Ảnh dưới: *Lớp học tại xã đảo Song Tử Tây (huyện đảo Trường Sa, Khánh Hoà). ** Minh Phương