Đội quy tập, Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh cất bốc HCLS.

Tháng 8-1991, Hà Tĩnh tái lập tỉnh. Sau khi tách tỉnh, Hà Tĩnh đứng trước những khó khăn về nhiều mặt; do tập trung cho công tác xây dựng cơ sở hạ tầng, doanh trại, thao trường huấn luyện, tổ chức biên chế lực lượng, nên đến tháng 9-1999, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh mới tiếp tục triển khai nhiệm vụ quy tập, hồi hương hài cốt liệt sĩ (HCLS) Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại nước bạn Lào đưa về nước.

Từ những kinh nghiệm của đợt tìm kiếm đầu tiên, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, ngày 6-2-2000, Đội quy tập, Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục lên đường thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch. Địa bàn tìm kiếm HCLS tại tỉnh Bôlykhămxay, tỉnh Viêng Chăn và thủ đô Viêng Chăn.

Sau gần 1 ngày hành quân bằng cơ giới theo quốc lộ 8, Đội đến thị xã Pạc Xan (tỉnh Bôlykhămxay). Dành 2 ngày tìm hiểu thêm thông tin, Đội quy tập với 77 cán bộ, chiến sĩ được chia làm 2 hướng. Hướng thứ nhất do Trung tá Nguyễn Xuân Nga - Đội trưởng cùng Đại úy Lê Văn Hiền - Trợ lý Chính sách và 30 chiến sĩ tổ chức tìm kiếm, cất bốc HCLS tại tỉnh Bôlykhămxay. Hướng thứ hai do Thiếu tá Đậu Văn Sáu - Đội phó Chính trị và Thiếu tá Nguyễn Chí Thân - Đội phó Quân sự chỉ huy cùng số cán bộ, chiến sĩ còn lại tìm kiếm cất bốc HCLS tại tỉnh Viêng Chăn và một phần thủ đô Viêng Chăn.

Tại tỉnh Bôlykhămxay, Đội tìm kiếm ở các bản: Xám Xọoc Cũ, Na Nhao, Huội Kẹo, Xốp Ngom, Hạt Pa Kha, Khôn Tào, Thung Pa Kha, Phồn Mường. Tại Viêng Chăn, Đội tìm kiếm ởcác địa điểm: Bản Xay, Khôn Lương, Xỉ, Na Phuong, Phôn Xay, Nà Xẻng. Ở tỉnh Bôlykhămxay, các bản thường cách nhau từ 7 đến 10km. Thực tế việc tìm kiếm cho thấy, dù đã có sơ đồ và bản đồ được cung cấp nhưng nếu không có dân địa phương dẫn đường thì công việc tìm kiếm rất khó khăn, sẽ mất rất nhiều thời gian mới xác định được giữa thực địa với sơ đồ, bản đồ; nhiều trường hợp không thể xác định được vị trí ngoài thực địa.

Tại bản Nậm Pha Nai, huyện Thu La Khôm, tỉnh Viêng Chăn, trên cơ sở thông tin do người dân và chính quyền của Lào cung cấp là có một ngôi mộ tập thể bộ đội Việt Nam. Sau khi được thẩm tra kỹ và có căn cứ khẳng định giữa thông tin và thực địa là chính xác, cán bộ, chiến sĩ của Đội quy tập ngay lập tức tiến hành tìm kiếm HCLS liên tục trong 2 ngày (4 và 5 tháng 3-2020), với sự trợ giúp của máy múc do tỉnh Viêng Chăn bảo đảm. Đội quy tập, Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh tiến hành khai quật ngôi mộ tập thể, nói chính xác hơn là cái giếng trong sân Trường tiểu học bản Nậm Pha Nai. Trong đó có 73 HCLS bị địch giết, thi hài các liệt sĩ bị quăng xuống giếng. Về ngôi mộ tập thể này, tỉnh Viêng Chăn đã có báo cáo (bản dịch do Khoa Ngoại ngữ, Trường đại học Hà Tĩnh kết hợp với tổ sinh viên người Lào đang học tại đây biên dịch):

Báo cáo về việc khai quật mộ liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam trong giếng cổ ở sân Trường tiểu học làng Nậm Pha Nai, huyện Thu La Khôm, tỉnh Viêng Chăn.

Chủ tịch tỉnh Viêng Chăn đã đồng ý thành lập một tổ công tác chịu trách nhiệm về công tác này. Trong đó, Phó chủ tịch làm Trưởng ban (đồng chí Khăm Mừng) và các phòng liên quan làm tổ trưởng. Thông qua công việc thực tế xin báo cáo tình trạng, tính chất đặc biệt cụ thể của ngôi mộ như sau:

Theo lời kể của những người dân ở đó, 73 chiến sĩ Việt Nam hy sinh và bị ném xác xuống giếng vào năm 1945. Để làm rõ thông tin, chúng tôi đã phỏng vấn đồng chí Boun Thai - nguyên Chỉ huy trưởng quân sự huyện Thu La Khôm cho biết: Vào tháng 2-1945, hơn 100 người Việt Nam đã tấn công doanh trại quân đội phương Tây (thực dân Pháp) ở huyện Thu La Khôn, tỉnh Viêng Chăn vào lúc khoảng 3 đến 4 giờ sáng và hô vang khẩu hiệu: "Dập tắt hoàn toàn sức mạnh của quân đội Pháp. Việt Nam muôn năm!”. Sau khi hoàn thành việc chiếm giữ và đốt cháy trại, do lực lượng của ta không được huấn luyện tốt, trang bị vũ khí thiếu thốn, quân đội Pháp với vũ khí hiện đại đã tập trung lực lượng dập tắt lực lượng của ta khiến 73 chiến sĩ đã thiệt mạng tại đây, số còn lại chạy vào rừng. Trong số 73 người này có 7 đến 10 đồng chí là người Việt Minh, còn lại là Việt kiều và không có người Lào. Sau khi giặc phương Tây (ý chỉ thực dân Pháp) chiến thắng, họ bắt người dân dùng xe đẩy xác xuống giếng. Hiện nay, giếng đó đã bị lấp và trở thành sân Trường tiểu học của làng Nậm Pha Nai. Vào các ngày 4, 5 tháng 3-2000, chúng tôi đã khai quật và tìm thấy nhiều xương và các đồ đạc khác (di vật) trong giếng vì vậy, chúng tôi đã sưu tầm và lưu giữ.

Trân trọng kính chào!

    Tỉnh Viêng Chăn ngày 5-5-2000"

   (Bản báo cáo do đồng chí Khăm Mừng - Phó chủ tịch tỉnh Viêng Chăn ký).

Tính từ tháng 9-1999 đến 5-2023, đây là ngôi mộ có số lượng HCLS nhiều nhất mà Đội quy tập, Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh đã tìm kiếm và quy tập được. Trước khi khai quật, suốt mấy chục năm từ tỉnh Viêng Chăn đến bản Nậm Pha Nai, người dân đều biết phần mộ này và rất mong HCLS sớm được quy tập để trở về đất mẹ Việt Nam. Trong các ngày cất bốc, lãnh đạo tỉnh Viêng Chăn, huyện, các ban, ngành đến chứng kiến và tham gia giúp đỡ, hỗ trợ Đội quy tập một số công việc. Sau khi kết thúc việc cất bốc, đại diện tỉnh (do đồng chí Phó chủ tịch Khăm Mừng) và Phó đội trưởng Đội quy tập đã ký biên bản xác nhận. Hài cốt các liệt sĩ hiện an táng chung một mộ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Nầm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.

Tổng hợp mùa khô năm 1999-2000 sau hai đợt (đợt 1 tìm kiếm được 42 HCLS, đợt 2 tìm kiếm được 145 HCLS) lực lượng tìm kiếm, cất bốc, quy tập được 187 HCLS chuyên gia và quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ quốc tế tại Lào. Trong số 187 liệt sĩ, có 7 liệt sĩ xác định được danh tính.

Mai Thanh Hải