Đây là chính sách khuyến khích phát triển ngành mây tre vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định 11/2011/QĐ-TTg, có hiệu lực thi hành từ 5/4/2011.
Ngoài ra, cơ sở sản xuất hàng mây tre được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu 0% đối với máy móc, thiết bị chuyên dùng cho sản xuất hàng mây tre trong nước chưa sản xuất được theo danh mục do Bộ Công Thương ban hành. Cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng mây tre mới đi vào hoạt động được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định hiện hành.
Mây, tre khai thác từ rừng tự nhiên chịu thuế suất thuế tài nguyên 10%. Hộ gia đình, cá nhân được phép khai thác mây, tre từ rừng tự nhiên để phục vụ sinh hoạt được miễn thuế tài nguyên theo quy định.
Hỗ trợ 100% kinh phí nghiên cứu, thử nghiệm giống mây tre mới
Theo Nghị định của Chính phủ, khi trồng mây, tre phân tán trong vùng quy hoạch phát triển nguyên liệu mây, tre thì tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn được hỗ trợ 100% tiền mua cây giống lần đầu, mức hỗ trợ cụ thể do UBND cấp tỉnh quyết định theo giá cây giống hàng năm trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí để thực hiện nghiên cứu và thử nghiệm giống mây tre mới; tổ chức khảo nghiệm, kiểm nghiệm giống tre nhằm tuyển chọn các giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt bổ sung vào cơ cấu giống mây tre; ứng dụng thiết bị, công nghệ tiên tiến, công nghệ sinh học vào các khâu bảo quản, chế biến mây tre.
Cơ sở sản xuất kinh doanh ngành hàng mây tre có dự án đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, sản xuất hàng mây tre được Quỹ hỗ trợ phát triển khoa học và công nghệ hỗ trợ 50% kinh phí thực hiện đề tài nghiên cứu tạo ra công nghệ mới do doanh nghiệp chủ trì thực hiện; hỗ trợ 30% tổng kinh phí đầu tư mới để thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm được cấp có thẩm quyền phê duyệt (không tính trang thiết bị, nhà xưởng đã có vào tổng mức kinh phí).
Mây, tre, nứa là những cây công nghiệp có tiềm năng về sản lượng ở nước ta, được trồng ở nhiều tỉnh trên cả nước. Diện tích tre nứa toàn quốc hiện vào khoảng 1.394.914ha (chiếm 10,5% diện tích rừng toàn quốc).
Đây là nguyên liệu được sử dụng trong sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, là nguyên liệu lâm sản ngoài gỗ có giá trị thương mại nhất. Nhiều địa phương có điều kiện gây trồng, chế biến, tre nứa, song mây đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, điển hình như trồng luồng ở Thanh Hóa, trồng mây nếp ở Thái Bình...
Hiện, trong tổng số 2.017 làng nghề của cả nước, mây-tre đan có số lượng lớn nhất với 723 làng nghề, chiếm 24% tổng số làng nghề ở Việt Nam. Hằng năm, nước ta tiêu thụ khoảng 400-500 triệu cây tre nứa. Để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng 10-15%/năm và nhu cầu nguyên liệu đến năm 2020 cần ít nhất 1 tỷ cây tre nứa mỗi năm.
Theo VGP
Cao Thúy