Ngoài Tết, tôi có tranh thủ mấy ngày về Hà Tĩnh. Bà con ở tổ dân phố (T.P Hà Tĩnh) cho biết: Năm nay Ngành Công an xử lý nồng độ cồn một cách quyết liệt. Gần như nếu ai có việc phải đi ra quốc lộ hoặc các tuyến đường chính trong thị trấn là không hề dám uống một hớp rượu, bia nào. Cô cháu tôi thì bảo: “Tết năm nay cháu chủ yếu phải làm xe ôm”.
Sau 2 ngày ở Hà Tĩnh, tôi vào Ba Đồn, Đồng Hới (Quảng Bình) cũng được nghe câu chuyện về xử lý nồng độ cồn.
Xin nhắc lại, trước Tết, Thủ tướng Phạm Minh Chính có 2 công điện về tăng cường các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội Xuân 2024. Tại các công điện, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung xử lý vi phạm nồng độ cồn, chạy quá tốc độ.
Thực hiện Công điện của Thủ tướng, Bộ Công an đã xây dựng và triển khai kế hoạch bảo đảm trật tự ATGT dịp cao điểm từ sớm, chỉ đạo Công an địa phương và lực lượng Cảnh sát giao thông tổ chức triển khai trên toàn quốc, xuyên suốt dịp nghỉ Tết.
Báo cáo của Ủy ban ATGT Quốc gia tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 15-2 cho thấy, chỉ trong 7 ngày nghỉ Tết, lực lượng chức năng toàn quốc đã xử lý hơn 29.000 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, 16.756 trường hợp vi phạm về tốc độ, 114 trường hợp dương tính với ma túy; 162 trường hợp chở quá tải, gần 690 phương tiện vi phạm chở quá số người quy định.
Dù làm gắt gao như vậy, nhưng tai nạn giao thông (TNGT) vẫn diễn biến phức tạp. Theo báo cáo của Ủy ban ATGT Quốc gia, trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn, toàn quốc xảy ra 541 vụ TNGT, làm chết 214 người, bị thương 504 người - tăng 83 vụ, giảm 69 người chết, tăng 177 người bị thương so với cùng kỳ Tết Nguyên đán năm 2023. Nhìn vào số liệu cho thấy, TNGT tăng ở hai tiêu chí: Số vụ và số người bị thương.
Trong đó, đường bộ xảy ra 538 vụ TNGT, làm 212 người chết, 502 người bị thương. Tăng 83 vụ, giảm 69 người chết và tăng 176 người bị thương so với cùng kỳ Tết Nguyên đán năm 2023. Đường sắt xảy ra 2 vụ TNGT, làm 2 người chết, 1 người bị thương; Giảm 1 vụ, giảm 1 người chết và tăng 1 người bị thương so với cùng kỳ Tết Nguyên đán năm 2023. Đường thủy xảy ra 1 vụ, làm 1 người chết; tăng 1 vụ, tăng 1 người chết so với cùng kỳ Tết Nguyên đán năm 2023.
Nguyên nhân từ đâu? Nhìn từ cả “hai phía” không thể không nói đến khách quan và chủ quan. Về khách quan: Rõ ràng hạ tầng, phương tiện vận tải... chưa đáp ứng yêu cầu đi lại của người dân, cũng như yêu cầu bảo đảm trật tự ATGT. Rất nhiều tuyến đường, các “điểm đen” về ATGT không chỉ do hạ tầng xuống cấp mà còn do bất cập ngay từ quy hoạch, kết nối giữa các loại hạ tầng giao thông.
Tất nhiên, không phải chỉ do quy hoạch giao thông vận tải (GTVT) mà còn do quy hoạch dân cư, “xung đột” lợi ích giữa các lĩnh vực GTVT, xây dựng, giữa lợi ích quốc gia và địa phương. Chúng ta phải trả giá về “phố hóa”, “dân cư hóa” các tuyến quốc lộ. Hiện nay, đất nước đang đẩy nhanh thi công các dự án đường bộ cao tốc - trong nhiều mục tiêu, có mục tiêu về trật tự ATGT.
Tất nhiên, để hạn chế được TNGT, do “vừa chạy vừa xếp hàng”, nguồn lực đầu tư hạn chế phải phân kỳ đầu tư, nên nhiều tuyến cao tốc đưa vào khai thác chưa đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật về đường bộ cao tốc.
Chính vì thế, tại Công điện, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo các Sở GTVT và các nhà thầu bảo đảm điều kiện an toàn các công trình kết cấu hạ tầng giao thông; khắc phục kịp thời các đoạn đường bị hư hỏng, sạt lở do mưa lũ gây ra; rà soát bổ sung hệ thống báo hiệu giao thông, thiết bị cảnh báo phản quang tại các nút giao thông, các đoạn đường có độ dốc cao, bán kính cong hẹp, tầm nhìn hạn chế. Tuy nhiên, nhiều vấn đề không dễ khắc phục ngay, ví dụ trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc mới được đưa vào khai thác....
Về nguyên nhân chủ quan, thật đáng tiếc, chắc còn rất lâu nữa dân ta mới có “văn hóa giao thông”. Có thể nhận thấy điều này khi quan sát giao thông mấy ngày nghỉ Tết ở Hà Nội: Rất đông người sử dụng xe máy không đội mũ bảo hiểm. Dường như tâm lý con người dùng mũ bảo hiểm chỉ là để đối phó cảnh sát giao thông, chứ không hề có ý thức bảo vệ bản thân.
80% số vụ TNGT đang do người điều khiển phương tiện gây ra. Các lỗi không chấp hành quy định về tốc độ, không chú ý quan sát, chở quá số người quy định, vi phạm nồng độ cồn; rồi xe mất phanh, lái xe không làm chủ tay lái, phương tiện vận tải hết hạn kiểm định...
Thật khó có thể kể hết muôn kiểu vi phạm gây ra TNGT. Đã rất nhiều năm, chúng ta tuyên truyền "Đã uống rượu, bia - không lái xe", "Không sử dụng điện thoại khi lái xe"… và hiện nay mức phạt rất nặng, nhưng vẫn còn nhiều lái xe uống rượu bia, thậm chí là dương tính với ma túy…
Thực tế này cho thấy, việc đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông là vô cùng cần thiết, nhưng dù hạ tầng, phương tiện có tốt đến mấy đi nữa mà người tham gia giao thông ý thức kém, không tự giác chấp hành quy định của pháp luật về ATGT thì TNGT vẫn tiềm ẩn nguy cơ, diễn biến bất thường.
Do vậy việc phải tiếp tục kiên trì tuyên truyền, “gieo” cho được người tham gia giao thông ý thức chấp hành Luật Giao thông là việc làm rất cần thiết kể cả trước mắt và lâu dài.
Từ Tâm